'Chìa khóa' để VN trở thành điểm đến của sinh viên quốc tế

16/10/2024 06:05 GMT+7

Trong bối cảnh các nước ngày càng phát triển nền giáo dục quốc tế, chủ yếu ở bậc ĐH, VN được cho là có tiềm lực và cơ hội để thu hút thêm nhiều sinh viên quốc tế nói riêng, các hoạt động giáo dục xuyên quốc gia nói chung.

NHỮNG TIỀM LỰC ĐÓN ĐẦU SINH VIÊN QUỐC TẾ

Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành điểm đến mới về giáo dục quốc tế ở Đông Nam Á, Bộ GD-ĐT cùng Hội đồng Anh hồi tháng 6 đã phối hợp nghiên cứu hướng đi thông qua khảo sát với 120 trường ĐH ở VN; phỏng vấn sâu hơn 30 bên liên quan ở VN và nước ngoài; phân tích tài liệu và đối sánh với kinh nghiệm quốc tế. Kết quả ban đầu công bố hồi tháng 9 chỉ ra rằng VN có tiềm lực để đón đầu sinh viên (SV) quốc tế.

Thứ nhất, VN có hơn 25 năm kinh nghiệm trong việc xây dựng các trung tâm học sinh (student hub) như Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Khu công nghệ cao Đà Nẵng, Làng ĐH Đà Nẵng, Khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM... Thứ hai, tính đến tháng 6.2024, nước ta hiện có 369 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang được triển khai, trong đó Anh là quốc gia dẫn đầu với 120 chương trình.

'Chìa khóa' để VN trở thành điểm đến của sinh viên quốc tế- Ảnh 1.

Sinh viên quốc tế tham gia các chương trình trao đổi, liên kết tại Trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TP.HCM

ẢNH: NGUYỄN NGỌC

Điều này góp phần giúp VN đón hàng ngàn SV quốc tế đến học các chương trình dài và ngắn hạn mỗi năm. Bởi, những yếu tố trên cung cấp cho SV các chọn lựa học tập linh hoạt phù hợp với bối cảnh địa phương, cũng như tạo tiền đề để hợp tác lâu dài.

Báo cáo cũng lưu ý, để đạt mục tiêu trở thành điểm đến giáo dục quốc tế, VN nên tạo môi trường thuận lợi để SV quốc tế đến và học tập, đồng thời phải quốc tế hóa giáo dục ở cấp độ vĩ mô. Ngoài ra nước ta cũng cần thu hút thêm SV quốc tế, tăng số lượng các chương trình liên kết đào tạo, phân hiệu của trường ĐH nước ngoài và tạo môi trường đầu tư giáo dục thuận lợi.

XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU GIÁO DỤC QUỐC GIA

Báo cáo cũng nhấn mạnh một số bài học để trở thành điểm đến giáo dục quốc tế. Đó là xây dựng một thương hiệu giáo dục quốc gia, cam kết với một chiến lược giáo dục quốc tế, mở rộng các chương trình đào tạo dạy bằng tiếng Anh hoặc các ngôn ngữ thông dụng khác, thu thập dữ liệu giáo dục ĐH một cách có hệ thống, phát triển cổng thông tin cho người học và các hỗ trợ cho nhóm này...

Phát biểu tại buổi ra mắt báo cáo vào tháng 9, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh VN luôn khuyến khích các trường ĐH quốc tế thành lập phân hiệu ở nước ta cũng như khuyến khích ĐH trong nước hợp tác với ĐH quốc tế có uy tín để phát triển chương trình liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Điều này sẽ đưa VN trở thành trung tâm giáo dục chất lượng cao trong khu vực.

BÀI HỌC KINH NGHIỆM TỪ CÁC NƯỚC

Tại khu vực Đông Nam Á, Malaysia là một trong những quốc gia hàng đầu về giáo dục quốc tế khi thu hút 170.000 du học sinh vào năm 2023, trong đó có 740 người Việt. Nước này cũng đang trở thành "trạm dừng chân" cho du học sinh khi quy tụ 11 phân hiệu của các ĐH quốc tế từ Úc, Anh, Ireland, Trung Quốc... và hầu hết chương trình đào tạo đều được dạy bằng tiếng Anh, với người học từ 150 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Mới đây nhất, vào tháng 9, Malaysia cũng trở thành nơi đặt chân đầu tiên của một trường Nhật Bản ở nước ngoài. Cụ thể, ĐH Tsukuba (Nhật Bản) đã mở chi nhánh ở khuôn viên ĐH Malaya, cung cấp các chương trình cử nhân 4 năm và được Bộ Giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ Nhật Bản (MEXT) phê duyệt. Đây được cho là cột mốc đột phá trong lịch sử giáo dục ĐH ở Nhật Bản, theo một cán bộ chuyên trách tại MEXT.

Ông Megat Mohd Samsul bin Megat Ismail, Quản lý cấp cao khu vực Đông Nam Á tại Ủy ban Giáo dục toàn cầu Malaysia (EMGS) - cơ quan phụ trách quảng bá nền giáo dục quốc tế và hỗ trợ xử lý visa du học thuộc Bộ Giáo dục ĐH Malaysia, chia sẻ với Thanh Niên rằng nước này đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau nhằm tăng cường tính quốc tế hóa, từ đó trở thành một trung tâm giáo dục quốc tế trong khu vực.

Trong đó, yếu tố quan trọng là phải tăng cường hoạt động hợp tác chiến lược, ví dụ như chương trình liên kết đào tạo để cấp song bằng, giúp SV nhận bằng cấp được công nhận ở cả hai quốc gia. "Điều này giúp SV không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn làm giàu thêm trải nghiệm quốc tế và mở rộng kết nối cho các bạn. Chúng tôi không đặt mục tiêu cạnh tranh với các quốc gia du học nói tiếng Anh", ông Megat nhấn mạnh.

'Chìa khóa' để VN trở thành điểm đến của sinh viên quốc tế- Ảnh 2.

Sinh viên thuộc chương trình liên kết của Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM). Hiện có 369 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang được triển khai tại VN

ẢNH: NGUYỄN NGỌC

Theo ông Megat, thay vì cạnh tranh, Bộ Giáo dục ĐH Malaysia đã đề ra sáng kiến thu hút ngày càng nhiều chi nhánh của các trường danh tiếng thế giới. Ngoài ra Malaysia cũng hỗ trợ các ĐH nước này mở cơ sở đào tạo tại nước ngoài như Indonesia và Qatar. Để làm được những điều này, vai trò của chính phủ, nhất là bộ giáo dục giữa hai quốc gia cùng những biên bản ghi nhớ hợp tác là vô cùng quan trọng.

Tuy nhiên ông Megat cũng cho rằng không chỉ giới hạn ở các trường hàng đầu, Malaysia cũng rất chào đón các ĐH trong khu vực Đông Nam Á, thậm chí là VN, thành lập chi nhánh quốc tế tại nước này.

"Công dân Malaysia không nên chỉ thỏa mãn với thành công trong nước. Họ cần vươn ra toàn cầu, hợp tác với nước khác và học hỏi thêm nhiều điều mới mẻ", vị quản lý chia sẻ về tầm nhìn của nền giáo dục quốc tế.

Trung Quốc, vốn có nhiều chính sách thắt chặt từ thời Covid-19, gần đây cũng tích cực mở rộng giáo dục quốc tế. Mới đây vào tháng 4, Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc đã thông qua luật Bằng cấp mới và cũng là lần đầu tiên luật về bằng cấp của nước này thay đổi sau hơn 40 năm. Điều này giúp mở ra những cơ hội tiềm năng để ĐH Trung Quốc liên kết đào tạo với nước ngoài, Giáo sư Yuzhuo Cai (ĐH Hồng Kông) và Giáo sư Wenqin Shen (ĐH Bắc Kinh) viết trên tờ University World News.

Tại Singapore, nghiên cứu của tiến sĩ Hannah Soong (ĐH Nam Úc) đăng trên chuyên san Giáo dục châu Á - Thái Bình Dương chỉ ra rằng việc nước này xây dựng thành công trung tâm giáo dục quốc tế không chỉ phụ thuộc vào yếu tố kinh tế và đổi mới giáo dục, mà còn ở khả năng tạo ra một xã hội cởi mở, khuyến khích giao lưu văn hóa và trao đổi kiến thức giữa SV quốc tế và cộng đồng bản địa.

Tiến sĩ Jane Knight, Giáo sư ĐH Toronto (Canada), thì nêu trong sách Không gian ĐH của nhà xuất bản Springer rằng hoạt động giáo dục xuyên biên giới đến nay đã trải qua 3 làn sóng. Làn sóng đầu tiên tập trung vào sự dịch chuyển của con người, thường gắn liền với các chương trình hợp tác phát triển, hỗ trợ học bổng cho SV từ các nước đang phát triển, hoặc tài trợ cho học giả ra nước ngoài nghiên cứu.

Làn sóng thứ hai thì tập trung vào sự dịch chuyển của chương trình đào tạo như liên kết đào tạo, đào tạo trực tuyến hoặc sự dịch chuyển của nhà cung cấp dịch vụ giáo dục như mở phân hiệu ở nước ngoài, chuyển từ viện trợ sang đối tác. Mở rộng hơn, làn sóng thứ ba tập trung xây dựng trung tâm giáo dục quốc tế với quy mô quốc gia, thành phố hoặc một khu vực đặc biệt chứ không còn chỉ nằm trong một trường ĐH nhất định. (còn tiếp)

Lời khuyên từ các chuyên gia quốc tế

Tại hội thảo quốc tế về lãnh đạo và quản lý giáo dục năm 2024 do Trung tâm SEAMEO RETRAC tổ chức chiều 15.10, tiến sĩ Christopher Busch (ĐH Windsor, Canada) nhận định các phân khoa trong trường ĐH là "hạt nhân" cho hoạt động quốc tế hóa giáo dục. "Các ĐH cần phát triển mạng lưới đối tác toàn cầu, trong đó phân khoa đóng vai trò đại diện quốc tế của trường, góp phần lan rộng quá trình quốc tế hóa trong ĐH", ông cho hay.

Trong khi đó, PGS Paul Anthony Balagtas (ĐH Quốc gia ở TP.Clark, Philippines) thì cho rằng chiến lược quốc tế hóa ĐH được chia thành 2 nhóm là phát triển chương trình đào tạo và phát triển bộ máy hành chính.

Để triển khai quốc tế hóa giáo dục ĐH thành công, ông Balagtas đề xuất các trường xây dựng chương trình đào tạo phục vụ cả SV địa phương lẫn quốc tế; mời giảng viên từ nước ngoài; xây dựng chương trình du học, trao đổi quốc tế; dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ giảng dạy chính thức, thiết lập văn phòng hỗ trợ SV quốc tế...

Tuấn Hồ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.