Có khoảng 4 chiếc Rumi Formichino ở Sài Gòn, loại xe xuất xưởng trong giai đoạn 1952-1956. Ở thời điểm ra đời, đây là dòng xe mô phỏng tính cách các chú kiến kiên trì bền bỉ. Xe còn được mệnh danh là vua leo dốc.
Hoài niệm về hình ảnh ngày xưa, những thời khắc hạnh phúc khi còn bé được ba đặt lên thùng xe mô tô chở đi chơi phố, nên sau này, khi có điều kiện, anh Tuấn CD cũng muốn “kể” cho con mình những câu chuyện ngày xưa thông qua... xe cổ. Mỗi giai đoạn, mỗi chiếc xe ra đời đều gắn với thời điểm lịch sử nhất định, có lúc là chuyện của gia đình. Dẫu mê các vật dụng ngày xưa, xe xưa nhưng anh Tuấn không phải là người sưu tầm dễ dãi, anh chọn lọc khá kỹ từng chiếc một để làm nên gia trị cho bộ sưu tập của mình. Trong đó, đáng chú ý là chiếc Rumi Formichino màu trắng ngà máy vẫn còn “zin”, còn giữ cả lớp sơn thời điểm mới xuất xưởng, chỉ riêng bánh xe lâu ngày phải thay mới.
Ảnh: Hoàng Vũ
|
Đây là chiếc xe được giới mê xe máy cổ săn lùng nhưng do số lượng quá ít nên không có chủ xe nào muốn nhượng lại. Anh kể: “Một lần tình cờ đi phượt ra Quảng Nam tôi được nhìn thấy chiếc Rumi trong lễ hội của địa phương. Tôi đã mê mẩn rồi nhưng sau đó không thấy bóng dáng nó đâu cả. Tôi cố ý đi dò hỏi xem xe đó của ai mà không tìm ra. Cho đến 2 năm trước, có người bạn mà tôi không ngờ đến dắt tới nhà coi bộ sưu tập của anh ấy. Gần như anh ấy có tất cả những xe mà tôi yêu thích, và sau một thời gian thương thảo thì tôi đã sở hữu được chiếc Rumi huyền thoại. Thân xe được làm bằng nhôm rất nhẹ, trọng lượng khoảng 100 kg, trong khoảng những năm 1954 chiếc xe thống trị nhiều giải vô địch mô tô phân khối lớn tại châu Âu”.
Nhiều người yêu thích Rumi bởi sự... ngược ngạo của nó. Xe máy thông thường chân số bên trái, phanh xe bên phải, nhưng riêng chiếc xe này, hai vị trí đảo lộn. Những người đã quen lái xe thường lúc lái sẽ nhầm lẫn phanh và số. Hơn nữa, người ta đạp phanh thường nhấp chân về phía trước thì chiếc xe này phải nhấn gót chân phía sau. Đồng thời nếu muốn khởi động xe, các tay lái phải đẩy cần đạp về phía trước chứ không theo quy tắc thông thường… “Giờ tôi quen với những tiểu tiết khác thường của chiếc Rumi này rồi vì dùng xe di chuyển mỗi ngày, nên khi đi bằng xe máy khác tôi phải dành ra 2 ngày để tập sử dụng lại mới quen được. Có đôi khi bạn bè bảo xe dùng bất tiện, nhưng vì mình thích thì mình thấy các nhược điểm, rắc rối chỉ là cá tính riêng, thành ưu điểm hết”, anh Tuấn chia sẻ.
|
|
Không chỉ có cách sử dụng “ngược ngạo”, Rumi Formichino còn được xem là chiếc xe mô hình, dành cho những tay chơi ưa táy máy. Toàn bộ thân xe được chia làm 3 phần, đầu máy và đuôi xe, được kết nối với nhau bằng 18 con ốc chia đều cho hai bên. Những lúc rảnh rỗi, muốn “vọc” xe, chủ nhân có thể tháo rời chiếc xe trong vòng 3 phút rất dễ dàng. Anh Tuấn chia sẻ thêm: “Không biết có phải nhà thiết kế thích lắp ghép các chi tiết hoặc xem chiếc xe là loại đồ chơi tiêu khiển lúc rỗi rãi hay không. Lúc thấy người ta trình diễn kỹ thuật tháo rời xe, tôi vô cùng ngạc nhiên và muốn sở hữu ngay lập tức. Rất may chiếc xe làm từ nhôm nên cũng nhẹ, chủ xe không gặp khó khăn gì trong việc tháo rời và lắp lại như cũ. Đồng thời, nhờ ưu điểm này, chiếc xe rất cơ động, nếu muốn di chuyển hay đem đi xa mà không phải lái có thể tháo từng phần vận chuyển cũng dễ”.
Chiếc xe trở thành dấu hiệu nhận biết về sự xuất hiện của chủ nhân, cứ thấy chiếc xe thấp thấp như con kiến nhỏ màu trắng đâu đó thì chắc chắn sẽ thấy... anh Tuấn. Nhờ có những người như anh giữ gìn mà các chiếc xe hiếm như Rumi Formichino mới xuất hiện giữa đời thường.
Bình luận (0)