Mục đích hành động này của Nga không phải cái gì khác ngoài chiếm chỗ và giữ phần ở Bắc cực – một việc mà trên thực tế Canada đã làm trên bề mặt băng đá và nếu Nga không làm dưới đáy biển thì tới một lúc nào đó cũng sẽ có nước này hay nước kia làm. Cái mà tất cả các đối tác này để ý đến là nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng ở khu vực chưa được khai thác, là những tuyến đường giao thông vận tải trở nên ngày càng quan trọng hơn và có thể khai phá được thêm trước bối cảnh khí hậu trái đất ấm thêm lên và băng giá ở cả Bắc cực lẫn Nam cực cứ tan dần.
Khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên và giao thông là có ý nghĩa rất quyết định đối với sự phát triển của bất cứ quốc gia nào trong tương lai. Thật ra, Nga đã làm việc mà không ít đối tác khác cũng muốn làm, đã dự định làm nhưng chưa làm vì chưa có khả năng thực hiện hoặc chưa ngờ rằng Nga sẽ đi bước trước như vậy. Cũng ở đây cho thấy cái thế và thực lực của các đối tác quyết định chứ không hẳn các ràng buộc và quy định của Công ước LHQ về Biển. Mỹ đâu đã phê chuẩn Công ước này và ngay đến cả những tuyên bố chủ quyền của Canada ở Bắc cực cũng đâu có được các nước có ranh giới với Bắc cực công nhận hoàn toàn.
Điều chắc chắn là rồi đây sẽ có cuộc tranh giành chủ quyền quyết liệt ở Bắc cực và sẽ còn cả ở Nam cực và trong không gian vũ trụ. Cuộc chạy đua này sẽ rất đa dạng, từ hành động trên thực tế tạo sự đã rồi để xác lập chủ quyền đến tăng cường nghiên cứu, từ hợp tác để tìm kiếm và tập hợp đồng minh để kiện tụng nhau để vừa giữ phần vừa tiếp tục chiếm chỗ.
La Phù
Bình luận (0)