Chiêm ngưỡng anh Hồ Giáo

26/11/2008 22:25 GMT+7

Báo chí đã viết nhiều về Hồ Giáo, đã có truyện về Hồ Giáo, có thơ về Hồ Giáo, có bài hát về Hồ Giáo. Nhưng mấy chục năm nay Hồ Giáo vẫn là một đơn nhất, không lặp lại. Kỳ 1: "Hỏi anh: có thú vui gì...

Tôi đến trại trâu Mura của ông Hồ Giáo vào ngày 23 tháng 10 âm lịch - cái ngày gắn với câu ca của bà con xứ Quảng: "Ông tha bà chẳng tha/Làm ra cái lụt hăm ba tháng mười". Kinh nghiệm dân gian quá chính xác. Ngày này mà không có lụt lớn thì là ngày cuối cùng của mùa mưa bão.

Quảng Ngãi bắt đầu tạnh, trời chỉ còn mưa lất phất. Trại trâu "đóng" tại xã Hành Thuận (huyện Nghĩa Thành), cách thành phố Quảng Ngãi khoảng 6 km. Nghe nói hằng ngày ông Hồ Giáo sáng đến chiều về, đi bộ một quãng đường 12 km. Nói là trại nhưng không rào giậu, là một dãy nhà cũ lợp ngói, bên trong là một hàng chuồng phần lớn trống không, chỉ 4 ngăn có 4 con trâu to vạm vỡ, đen mướt. Không một bóng người. "Ông ấy đi cắt cỏ ngoài kia kìa, các anh đi vòng qua phía sau thì gặp", một thanh niên đi ngang qua chỉ chúng tôi.

"Ở Quảng Ngãi này ai cũng biết ông Hồ Giáo là người chăn bò hai lần được phong anh hùng, ai cũng biết giờ ông đã sắp 80 tuổi rồi mà vẫn còn chăn trâu. Hằng ngày ông vẫn đi từ thị xã đến trại trâu, ai đi qua đều nhìn thấy. Nhưng người ta chỉ biết vậy thôi. Hồ Giáo vẫn là một bí mật, ngay cả đối với người Quảng Ngãi", nhà thơ Thanh Thảo nói đầy ẩn ý trước khi nhờ một anh bạn đưa tôi đến đây. Tôi hiểu ý ông Thanh Thảo. Báo chí đã viết nhiều về Hồ Giáo, đã có truyện về Hồ Giáo, có thơ về Hồ Giáo, có bài hát về Hồ Giáo. Nhưng mấy chục năm nay Hồ Giáo vẫn là một đơn nhất, không lặp lại. Phải nhìn ở một góc khác mới hiểu được người chăn bò siêu phàm này.

 
Ông Hồ Giáo mặc áo mưa đi cắt cỏ - ảnh: H.H.V
Tôi không hiểu vì lý do gì mà có đến mấy thế hệ học trò cứ nhầm lẫn Hồ Giáo là nguyên mẫu của nhân vật Nhẫn trong truyện Cỏ non của nhà văn Hồ Phương. Truyện Cỏ non tôi không rõ được đưa vào sách giáo khoa năm nào, nhưng nó được giải thưởng của Báo Văn Nghệ năm 1959, năm đó ông Hồ Giáo còn là anh bộ đội, chưa về nông trường Ba Vì để đi chăn bò. Giáo viên nhầm lẫn, học sinh nhầm lẫn, thậm chí nhiều nhà báo viết về ông Hồ Giáo, đã gặp người thật việc thật, mà cứ nghĩ mình vừa gặp nguyên mẫu của Cỏ non. Cho đến gần đây ông Hồ Phương mới cải chính (xem Nhà văn Hồ Phương: Đừng nhầm nhân vật trong Cỏ non với anh Hồ Giáo! đăng trên website Báo VH-TT ngày 12.6.2008). Sự nhầm lẫn như vậy không có hại gì, nó chỉ khiến cho người ta nghĩ về ông Hồ Giáo không giống như ông Hồ Giáo thật.

Giữa đám cỏ voi cao quá đầu, Hồ Giáo đang mặc áo mưa lom khom cắt, lom khom bó cỏ thành từng bó, sắp vào chiếc xe cút kít. Thấy khách đến ông không ngạc nhiên, không khó chịu, không vui mừng, cũng không hỏi gặp ông có việc gì. Nghe lời chào, ông ngước mặt lên mỉm cười, rồi tiếp tục lom khom cắt cỏ.

Tôi hiểu thông điệp của ông là: lúc này không có chuyện gì quan trọng hơn cắt cỏ.

Hỏi anh: có thú vui gì ?
Anh cười: vui thú đời đi chăn bò...

Nghĩ đến Hồ Giáo ai cũng nhớ hai câu thơ đó. Ông Tố Hữu viết bài thơ Gặp anh Hồ Giáo hồi trước là để cổ vũ tinh thần lao động xã hội chủ nghĩa, nhưng ông Thanh Thảo bảo hai câu thơ trên đây có lẽ là hai câu thật nhất về Hồ Giáo.

Ông vừa cắt cỏ vừa nói chuyện với chúng tôi. Tôi hỏi ông vì sao sau khi tập kết ông lại đến Ba Vì đi chăn bò, ông chậm rãi: "Tập kết ra Bắc tôi vẫn là bộ đội, ở Sư đoàn 350 bảo vệ thủ đô. Đến năm 1960 theo lời kêu gọi của Bác Hồ giảm 8 vạn quân, ai ở miền Bắc thì về nhà, ai ở miền Nam ra thì được chuyển ngành, ưng đi đâu thì đi. Tôi nghĩ mình bộ đội cũng là nông dân, làm nghề nông là chắc chắn nhất. Làm việc khác tôi không thích, như ngành xây dựng xây xong công trình rồi đi mất, mình không ở lại với cái mình làm ra. Nghĩ thế nên tôi tình nguyện đi Ba Vì làm chăn nuôi luôn. Về đó nuôi heo 5 năm, sau nông trường có bò tôi được điều qua nuôi bò sữa, nuôi bò sữa miết đến năm 1976 chuyển về Sông Bé nuôi trâu sữa, nuôi trâu sữa miết đến năm 1991 thì về hưu...". Tự thấy đã đáp ứng đủ yêu cầu của khách, ông dừng lại không nói nữa.

"Bác có thành tích gì ở Ba Vì mà được phong anh hùng?", tôi hỏi tiếp, một câu hỏi hơi vô duyên. Ông nói: "Phong anh hùng là cho cả nuôi bò lẫn nuôi heo. Trình độ chăn nuôi của mình hồi đó chưa như bây giờ. Có cái phức tạp người khác không làm được nhưng tôi làm được. Ví dụ bò sinh khó, heo bị bịnh, bê bị bịnh, thuốc tây chữa khó hết, còn tôi thì chữa hết". "Bác học ở đâu mà biết chữa?". "Hồi nhỏ ở quê đã biết một ít, ra đây học bà con xung quanh. Đầu tiên là từ chuyện thụ tinh nhân tạo cho heo, anh em học năm sáu tháng về làm không có kết quả. Tôi chỉ đi theo phụ việc, coi họ làm rồi làm có kết quả luôn. Biết nông trường phối tinh lợn được, dân nhờ giúp. Tôi xuống giúp, cũng có kết quả. Giúp họ rồi mình hỏi họ kinh nghiệm. Ví dụ như lợn đi tả, phân trắng, phải chữa như thế nào, bà con chỉ tôi vào rừng, xuống dưới khe suối có một thứ lá như lá gừng, nhổ về phơi khô nấu nước; bò, bê, nghé, trâu, heo bị đi tả đổ vào cho uống là hết bịnh ngay. Cả con người bị bịnh, uống cũng hết. Tôi hái rất nhiều lá đó về phơi khô để dành cho nông trường...".

Tôi không cần phải nói lại những thành tích và niềm say mê lạ lùng của Hồ Giáo đối với nghề chăn nuôi. Sách báo đã tốn nhiều giấy mực. Nhưng từ miệng ông nói ra thì đại để là như vậy. Ông chỉ biết làm, không biết nói những lời hoa mỹ.
Hình như chuyện gì ông vụng về thì ông nhớ rất kỹ. Ông bảo cuộc đời ông khó nhất là đi học. Sau khi trở thành anh hùng lần thứ nhất, ông học mãi vẫn không qua khỏi lớp hai. "Ở nông trường mỗi tuần tôi học 3 buổi tối, thứ hai thứ tư thứ sáu, nhiều khi có mấy chữ mà học ba bốn ngày không thuộc. Bộ Nông trường cho tôi xuống Bắc Ninh học. Đi đợt đó có 3 người chưa hết lớp hai, là tôi, một ông ở Cà Mau, một ông người Lào. Ông Bí thư trường bổ túc nói: trường này tối thiểu phải xong lớp bốn mới nhận, riêng ba anh thuộc diện đặc biệt không xong lớp nào hết. Phải ở lại đây học cho đến bao giờ đỗ cấp 2 mới được về.

 
Ông Hồ Giáo - ảnh: H.H.V
Học khó quá anh ơi, một bài toán chia 2 con số mà ba đứa tôi ướt hết cả áo vẫn không chia được. Nhưng tôi quyết tâm học, học cho xong để về. Học ngày học đêm, mười tháng tôi dớt (*) luôn cái bằng cấp hai. Lớp có 43 người chỉ một mình tôi đậu. Hai ông kia phải vào Đồng Dao học tiếp". Xếp bó cỏ vào xe cút kít, ông cười nói thêm: "Tôi cũng gặp may. Ba bốn ngày trước khi thi tôi tập trung ôn bài, hôm đó đề thi ra đúng phần tôi học kỹ, bây giờ gọi là trúng tủ đó". "Môn toán tôi dở chứ môn văn tôi điểm mười", ông lại cười tươi như hoa.

Rồi ông hứng thú kể tiếp: "Sau khi hoàn thành việc học, ông Bí thư gọi tôi bảo: Chuyến này anh về chắc chắn sẽ đi xa. Tôi hoảng quá. Đi học tiếp thì tôi sợ quá, chuyển đi làm việc khác chắc tôi không làm được. Tôi chỉ biết nuôi bò nuôi heo thôi, nên rất lo. Hỏi ổng tôi sẽ đi đâu thì ổng nói: Xuống Hải Phòng. Hỏi xuống Hải Phòng để làm chi thì ổng bảo: Để nhận bò. Trời đất ơi, vậy mà ổng làm tôi lo quýnh lên. Đó là đợt bò sữa đầu tiên do Cuba viện trợ, tôi xuống cảng Hải Phòng nhận đưa thẳng về Ba Vì. Ông bí thư này trước là thiếu tá quân đội chuyển ngành về đây. Ổng là đồng hương Quảng Ngãi của tôi, vui tính lắm".

Sắp xong 12 bó cỏ vào xe, trời dứt mưa hẳn. Ông đứng thẳng cởi áo mưa, tôi thấy rõ lưng ông đã còng. Ông đã quá già. 79 tuổi ít người lưng còn thẳng. Chúng tôi nói để chúng tôi kéo xe giúp, ông bảo: "Các anh kéo không nổi đâu. Tránh ra cho tôi lấy trớn".

(Còn tiếp)

Hoàng Hải Vân

----------------------
* Dớt: lấy, đoạt, giật (tiếng lóng miền Trung)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.