Chúng tôi đưa ông về nhà, trên đường tôi hỏi xin số điện thoại, ông nói: “Nhà có điện thoại nhưng tôi không biết số, tôi có bao giờ gọi cho ai đâu”. Nhà ông Hồ Giáo ở thị xã Quảng Ngãi. Ông sống với vợ là bà Huỳnh Thị Thành, con gái Hồ Thị Tuyết Minh, con rể Huỳnh Ngọc Quang và một cháu ngoại còn bé. Trong nhà không treo bằng anh hùng, không treo huân chương, không treo ảnh ông chụp với các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ngoài bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được treo như bao nhà khác. Tôi không hỏi lý do, vì ông là Hồ Giáo, không thể có lý do làm mình làm mẩy nào.
Hỏi nhỏ chuyện riêng, ông tủm tỉm cười: “Năm 1982 tôi mới lấy vợ, khi ấy tôi đã lớn (52 tuổi). Ở Sông Bé đi phép về Quảng Ngãi, thằng cháu con bà chị tôi làm mối cho bà này, bả là bộ đội chuyển ngành làm ở cửa hàng ăn uống thị xã”. Ông thật thà kể tiếp: “12 ngày phép nhưng mất 6 ngày đợi tàu xe, chỉ còn có 6 ngày. Bọc vé tàu trong túi rồi, tôi dự định dành 2 tiếng để gặp, nhưng rủi là lúc đó có khách, nên chỉ còn nửa tiếng, tàu xe lúc đó rất khó khăn, không trễ được”. “Chỉ nửa tiếng bác làm gì mà lấy được vợ?”. “Chỉ chào rồi hỏi thăm cha mẹ có còn không, anh chị em như thế nào... Nói chuyện thế thôi, sau đó tôi phải đi cho kịp tàu.
Bà Huỳnh Thị Thành (vợ ông Hồ Giáo) với cháu ngoại -Ảnh: Hiển Cừ |
Vào đó mới viết thư”. “Bác viết thư nói gì ?”. Lại cười: “Thì giới thiệu tôi trước đây ở bộ đội, chuyển ngành làm cái này cái kia, cha mẹ mất hết, còn mấy đứa em... Hoàn cảnh của tôi như thế, nếu cô ưng tôi thì tôi về tổ chức, không ưng thì thôi”. “Cô ấy trả lời như thế nào?”. “Tôi viết ba lá thư. Viết thư đã khó, gửi được thư rồi chờ mãi không thấy gì hết. Mãi rất lâu tôi mới nhận thư trả lời đồng ý. Đồng ý rồi thì làm đám cưới. Cũng may hồi đó đúng kỳ họp Quốc hội (ông Hồ Giáo là đại biểu Quốc hội 3 khóa liền), tôi họp xong mua một túi bánh kẹo từ Hà Nội về đám cưới luôn. Hồi đó đơn giản chứ như bây giờ thì cưới không nổi đâu anh”.
Cưới xong ông lại vào Sông Bé, mỗi năm về phép một lần, mãi đến năm 1991 vợ chồng mới sum họp. Bà Huỳnh Thị Thành năm nay 62 tuổi, người hiền lành thật thà như đếm. Bà bảo hồi đó nhận thư ông bà chỉ viết lại “vài chữ đồng ý” thôi.
Căn nhà cấp bốn rộng khoảng 120 mét vuông gia đình ông Hồ Giáo đang ở không phải do nhà nước cấp cho một lão đồng chí hai lần anh hùng, mà là của vợ chồng ông tự mua, từ tiền lương công nhân mà ông bà tiết kiệm được trong nhiều năm và của một số người giúp đỡ, đầu tiên mua với giá một cây sáu vàng với diện tích là một nửa của nhà bây giờ, sau đó mới tích cóp mở rộng thêm. Ai giúp ông cái gì ông đều nhớ rõ.
Ông kể một công ty Canada (có lẽ là Việt kiều, ông không nói rõ) đọc bài báo ông Huỳnh Dũng Nhân viết về ông, đã giúp ông hai chỉ rưỡi, Viện chăn nuôi cho hai triệu, Bộ Nông nghiệp cho một triệu, Công ty hàng hải Khánh Hòa cho hai triệu rưỡi... Bà Thành nhớ lại: “Khi ở Sông Bé, dành dụm được bao nhiêu ổng đều gửi về cho tôi, khi hai triệu, khi năm trăm, khi hai trăm, khi một trăm ngàn. Ổng nói nếu hồi ở Ba Vì mà dành dụm thì bây giờ chắc giàu rồi, hồi đó tiền lương ăn tiêu còn dư ổng cho người ta hết”. Tôi hiểu “giàu” theo quan niệm của vợ chồng ông Hồ Giáo là hơn bây giờ một chút, chứ lương công nhân dù không ăn tiêu gì cũng có đáng là bao.
Tôi lại tò mò hỏi bà Thành vì sao chính quyền không cấp đất cho anh hùng Hồ Giáo làm nhà, trong khi rất nhiều cán bộ khác thì được cấp, bà Thành nói: “Thật ra là có cấp, nhưng họ chỉ một cái ao rất sâu. Vợ chồng tôi làm gì có tiền mà lấp được cái ao đó nên không nhận. Họ lại chỉ một chỗ khác cạnh nghĩa địa, ở đó sợ quá nhận làm gì”.
Gặp bạn cũ ở Ba Vì - Ảnh: Trà Sơn |
Vào nhà ông Hồ Giáo tôi lại nhớ câu “tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc” (biết đủ là đủ, đợi cho đủ thì biết bao giờ mới đủ). Ông làm việc ở trại trâu Hành Thuận mỗi tháng được nhà nước trả bảy trăm ngàn đồng, lương hưu của ông bây giờ lên một triệu tám (ông tính tròn hai triệu), lương hưu của bà một triệu tư, lương con rể một triệu tám, lương giáo viên con gái một triệu tư. Ông cho biết ngày tết ông được tặng “vài cân gạo, vài cân thịt và ba bốn trăm ngàn”.
Thu nhập của ông, ông “kê” chung không tính toán, nhưng cần hiểu rằng công lao động chăn trâu của ông nhà nước chỉ trả bảy trăm ngàn một tháng, là tiền công lao động rẻ mạt nhất trong thị trường lao động hiện nay. Không thể nói là ông “làm thêm”, vì ông làm toàn thời gian, không chỉ toàn thời gian mà còn vượt rất xa cái toàn thời gian ấy. Cũng không thể tính lương hưu một triệu tám và phụ cấp anh hùng ba trăm ngàn của ông vào đây được, đó là khoản tiền không làm gì ông vẫn được hưởng, vì nó là lao động quá khứ của chính ông. Tôi phải nói rõ điều ai cũng biết này vì thấy quá bất nhẫn.
Chừng đó thu nhập cho 5 nhân khẩu. Đối với ông Hồ Giáo như vậy là đủ. Thời gian gần đây ông không xách theo cặp lồng cơm để ăn trưa, mấy anh thanh niên nuôi heo gần đó nấu cơm trưa cho ông ăn, tiền ăn trưa mỗi tháng một trăm ngàn. Tôi hỏi bà Thành đến bao giờ thì vợ chồng con gái bà ra ở riêng, bà nói: “Ở chung như vậy là được rồi, ở riêng lấy tiền đâu mua nhà anh”.
Anh hùng Hồ Giáo, hai lần anh hùng, năm lần gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, người được Thủ tướng Phạm Văn Đồng thương yêu như con, nhưng chưa bao giờ, đúng hơn là không bao giờ ông “khoe” với ai về điều đó. Mà ông khoe để làm gì kia chứ, ông có ý định nhờ vả ai việc gì đâu. Có lẽ đời ông chỉ có một nguyện vọng riêng, đó là mong cô con gái độc nhất của ông được công tác gần nhà.
Nguyện vọng đó là hoàn toàn chính đáng đối với một người cống hiến trọn vẹn cả cuộc đời cho nhà nước như ông, càng chính đáng hơn khi vợ chồng ông sinh con rồi mà do bận nhiệm vụ nhiều năm sau ông mới được gần con mặc dù đất nước đã hòa bình, nhưng chị Hồ Thị Tuyết Minh con gái ông học sư phạm ra trường “được” ngành giáo dục địa phương đưa lên dạy tận trên vùng xa Sơn Bao.
“Tôi biểu ổng đi xin cho con về dạy gần nhà nhưng ổng không chịu, ổng nói biết có được không mà xin”, bà Thành kể. Ông Thanh Thảo thấy không chịu được, tức khí viết luôn bài lên tiếng trên Báo Thanh Niên, nhưng mãi đến năm ngoái chị Minh mới được điều về thị xã, sau ba năm tít mù trên núi. Nhưng không sao, cuối cùng con gái ông vẫn được về gần nhà.
Tôi hỏi ông có vị lãnh đạo nào đến thăm ông ở trại trâu không, ông bảo không. Điều này thì đúng, cũng không nhất thiết đến thăm ông với 4 con trâu làm gì. Hỏi tết nhất có ai đến thăm ông không, ông bảo không luôn. Điều này ông sai. Vì tôi hỏi vợ ông thì bà nói có, chỉ do ông không biết mà thôi. Ông có ở nhà đâu mà biết. Ông chưa bao giờ ăn tết ở nhà ban ngày, tết nhất ông vẫn ở trại trâu như những ngày thường, lãnh đạo đến thăm nhà làm sao ông biết. Còn vợ ông thì có lẽ thấy chuyện thăm viếng này bình thường thôi nên không nói lại với ông.
Hồ Giáo chăm sóc trâu bò như bố chăm sóc cho con, người ta mới bảo ông yêu thương trâu bò là do vậy.
Điều đó không sai. Nhưng bảo vì ông yêu thương trâu bò mà 79 tuổi rồi vẫn không nghỉ là không chính xác. Hỏi ông có muốn nghỉ không? Ông trả lời: “Không, ở nhà cực quá”. “Ở nhà làm gì mà cực?”. “Không làm gì nên cực”. Hỏi giờ nếu người ta mang 4 con trâu đó ra Hà Nội (tôi có nghe nói vậy) thì ông có buồn không? Trả lời: “Buồn lắm. Tôi sẽ về quê kiếm một miếng đất để làm. Đất thị xã khó chứ đất ở quê dễ kiếm”. “Làm sao bác có tiền mua được trâu bò mà nuôi?”. “Có trâu bò thì vui hơn, nhưng không có thì tôi làm việc khác, ở không cực lắm, tôi không chịu được”. Bạn đọc nghĩ sao về điều đó? Ông là một người lao động, không lao động ông không sống được, chỉ đơn giản vậy thôi.
Khi tôi viết bài này ông Thanh Thảo gọi điện nói: “Hồ Giáo là tấm kính chiếu yêu. Người chính trực soi vào đó sẽ thấy mình chính trực. Yêu quái đội lốt người mà soi vào đó, sẽ hiện nguyên hình”. Xin mượn lời ông Thanh Thảo để kết thúc ký sự này ở đây.
Quảng Ngãi – TP.HCM, tháng Mười âm lịch 2008
Bình luận (0)