Chiến lược cai thuốc để giảm tác hại thuốc lá: Cần nhưng chưa đủ

03/06/2022 16:00 GMT+7

Sau nhiều năm triển khai luật Phòng, Chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) 2012, nhận thức của người dân về tác hại của khói thuốc lá và lợi ích của môi trường không khói thuốc được nâng lên. Tỷ lệ cai thuốc thành công dù khiêm tốn nhưng cũng đã góp phần cải thiện tình trạng sức khỏe cộng đồng.

Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng một cộng đồng không khói thuốc như nhiều quốc gia khác, cần bổ trợ thêm nhiều hành động thực tiễn. Một trong những điều cấp thiết cần nhìn nhận chính là vai trò của các sản phẩm thay thế thuốc lá điếu với hàm lượng các chất gây hại thấp hơn và đã được khoa học công nhận bằng những nghiên cứu, số liệu thực tiễn.

Tỷ lệ cai thuốc lá thành công: Cần nhìn thẳng vào sự thật

Theo kết quả điều tra tình hình sử dụng thuốc lá của 34 tỉnh, thành phố do Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá thực hiện trong năm 2019-2020, tỷ lệ hút thuốc lá chung ở người trưởng thành là 21,7%, giảm không đáng kể so với năm 2015 là 22,5%.

Chuyển động ở các quốc gia khác cũng còn xa mục tiêu đặt ra. Báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, mục tiêu cai bỏ thuốc lá từ các quốc gia vào năm 2025 chỉ có thể đạt 23% thay vì 30% như đã đề ra. Như vậy, vẫn có hơn 70% người hút thuốc sẽ tiếp tục hút thuốc và tiếp tục gây tác động xấu lên môi trường, những người xung quanh, cũng như tạo ra và duy trì một thế hệ hút thuốc lá thụ động.

Khói thuốc lá có chứa khí CO gây xơ cứng động mạch, dẫn đến các bệnh về tim mạch. Ảnh: ShutterStock.

Dù biết hút thuốc lá sẽ gây nghiện, ung thư, thậm chí tử vong nhưng số người hút mới có xu hướng tăng theo thời gian. Trong khi đó tỷ lệ cai thuốc lá thành công ở những người đang hút lại rất thấp. Khi một người bỏ thuốc lá, họ thường gặp phải hội chứng thèm thuốc như mệt mỏi, căng thẳng, bứt rứt, khó chịu, lo âu, dễ kích động, khó ngủ, mất tập trung, thèm ăn, giảm nhịp tim… Điều này thường khiến họ quay lại sử dụng thuốc lá với tần suất sử dụng nhiều hơn.

Vì vậy, với tình trạng tỷ lệ hút mới tăng trong khi tỷ lệ cai thuốc thấp, chỉ áp dụng riêng lẻ chiến lược cai thuốc là chưa đủ. Theo đó, cần các giải pháp bổ trợ khác để có thể đồng thời giải quyết cho hai nhóm đối tượng bao gồm những người quyết tâm cai thuốc (chiếm 30%) và những người lựa chọn tiếp tục hút thuốc (chiếm 70%). Để làm được điều này, các sản phẩm thay thế thuốc lá điếu có hàm lượng các chất gây hại thấp hơn dành cho những người hút thuốc lá, sẽ đóng vai trò quan trọng đáng kể.

Cơ hội thứ hai để giảm tác hại cho người hút thuốc lá

Nghiên cứu PATH mới nhất của Mỹ cho thấy, việc chuyển đổi sang thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) thay vì tiếp tục hút thuốc lá điếu giúp người hút thuốc giảm 34% nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Được công bố trên tạp chí Circulation, nghiên cứu PATH đánh giá dân số về thuốc lá và sức khỏe) chỉ ra nguy cơ mắc bệnh tim mạch (CVD) trên nhóm người chỉ sử dụng thuốc lá điện tử giảm 34% so với người hút thuốc lá điếu. Nguyên nhân chính là vì thuốc lá điện tử hay TLTHM nói chung đã loại bỏ được quá trình đốt cháy, loại bỏ khói, đồng nghĩa với loại bỏ 95% tác nhân gây hại. Từ đó, có thể thấy vai trò của các sản phẩm không khói thay thế thuốc lá điếu cần sớm được công nhận.

Theo ThS-BS Lê Đình Phương, Trưởng Khoa Nội tổng quát và Y học Gia đình, Bệnh viện FV, với người nghiện thuốc lá, lời khuyên đầu tiên là hãy bỏ thuốc lá tuyệt đối. Tuy nhiên, khi tất cả nỗ lực thất bại, giải pháp dung hòa giảm tác hại của thuốc lá bằng các sản phẩm không khói là cách lựa chọn thay thế: "Thay vì hút một điếu thuốc lá với tất cả các chất độc hại, hãy cho họ giải pháp chỉ hút mỗi nicotin, giảm những độc tính khác; đồng thời khí thở ra chỉ chứa hơi nước và tỷ lệ thấp chất gây ung thư, việc gây hại do hút thuốc thụ động cũng thấp hơn", ThS-BS Lê Đình Phương nhận định.

Đồng thời, hiện nay vai trò khoa học của các sản phẩm giảm tác hại được ứng dụng trong các sản phẩm thuốc lá không khói cũng đang được các tổ chức y tế toàn cầu kiểm chứng và công nhận. Các sản phẩm thuốc lá không khói như thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, thuốc lá ngậm snus… dù không an toàn tuyệt đối nhưng đã được chứng minh có thể loại bỏ được phần lớn hàm lượng các chất gây hại so với thuốc lá điếu đốt cháy thông thường.

Tăng tỷ lệ cai thuốc lá điếu thành công là mục tiêu của nhiều quốc gia, tuy nhiên đây cũng là bài toán không dễ giải

Ảnh: ShutterStock

Từ nghiên cứu PATH có thể thấy, nhìn từ góc độ khoa học thì các sản phẩm thay thế thuốc lá điếu không khói có chứa nicotin như thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử sẽ có ý nghĩa tích cực trong chiến lược bổ trợ cho các chính sách kiểm soát thuốc lá của quốc gia. Chiến lược này có thể giúp giảm áp lực cho cả người hút thuốc và các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có ngành y tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.