Chiến lược mới của bà Harris

12/08/2024 06:00 GMT+7

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đang áp dụng chiến lược tranh cử mới nhằm vô hiệu hóa áp lực từ đảng Cộng hòa, đẩy đối thủ Donald Trump vào tình thế phải ứng phó.

Những tuần qua, đảng Cộng hòa liên tục công kích bà Harris về vấn đề di trú. Giờ đây, nữ phó tổng thống quyết định áp dụng chiến lược nhằm hóa giải một trong những điểm yếu lớn nhất của bà trong mắt cử tri.

Quan điểm cứng rắn hơn

Theo chiến lược mới, bà Harris - người sẽ đại diện đảng Dân chủ tranh cử tổng thống - được mô tả từng là một tổng chưởng lý cứng rắn trước tội phạm và tập trung giữ gìn an ninh biên giới khi còn tại chức ở bang California. Bà Harris cam kết nếu đắc cử sẽ tăng cường an ninh biên giới và chỉ trích đối thủ Trump lợi dụng ảnh hưởng để chôn vùi thỏa thuận về an ninh biên giới ở quốc hội.

"Tôi từng là tổng chưởng lý của một bang biên giới", The New York Times dẫn lời bà Harris phát biểu tại cuộc mít tinh hôm 9.8 ở Arizona, bang chiến địa và là nơi cử tri luôn quan tâm hàng đầu đến vấn đề di trú. "Tôi truy lùng các băng nhóm xuyên quốc gia, các tổ chức ma túy và buôn người. Tôi truy tố hết tội phạm này đến tội phạm khác, và tôi đã thắng", phó tổng thống nhấn mạnh. Bà cũng hứa hẹn nếu đắc cử "sẽ tuyển thêm hàng ngàn đặc vụ biên giới và truy quét nạn buôn lậu fentanyl cũng như buôn người".

Khi nào hai đối thủ tranh cử Trump - Harris sẽ tranh luận?

The New York Times lưu ý chưa từng có ứng viên tổng thống nào khác của đảng Dân chủ theo đuổi quan điểm cứng rắn về vấn đề an ninh biên giới kể từ thời Tổng thống Bill Clinton (2 nhiệm kỳ 1993 - 2001). Quan điểm này phản ánh sự thay đổi của ý kiến cử tri kể từ khi ông Trump rời Nhà Trắng năm 2021. Hiện ngày càng nhiều người Mỹ, bao gồm con số đáng kể cử tri Dân chủ và gốc Mỹ Latin, ủng hộ các biện pháp cứng rắn về di trú.

Chiến lược mới của bà Harris- Ảnh 1.

Bà Kamala Harris vận động tranh cử ở Las Vegas ngày 10.8

REUTERS

Về phần mình, ông Trump sử dụng những lời lẽ nặng nề để tấn công bà Harris về vấn đề biên giới. Bên cạnh đó, tờ USA Today cho hay ông đang quay lại áp dụng chiến thuật công kích cá nhân như từng làm với bà Hillary Clinton vào năm 2016. "Ông Trump nên bám sát các vấn đề và những giá trị cụ thể, tránh những đòn tấn công với ý đồ hạ thấp nhân cách đối thủ", theo đồng minh thân cận của ông Trump là cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Newt Gingrich. Ông Gingrich cảnh báo những chiêu trò tấn công cá nhân này có thể quay ngược lại gây hại cho ứng viên đảng Cộng hòa.

Cục diện bang chiến địa

Chiến thuật của ông Trump đến nay đang không ngăn được đà tiến của bà Harris. Kết quả khảo sát do The New York Times và Đại học Siena công bố hôm 10.8 cho thấy bà Harris dẫn trước ông Trump ở 3 bang chiến địa Michigan, Pennsylvania và Wisconsin đến 4%.

Cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 5 - 9.8 với các cử tri tiềm năng ở Michigan, Pennsylvania và Wisconsin. Nếu cuộc bầu cử được tổ chức vào thời điểm này, tỷ lệ ủng hộ bà Harris sẽ là 50% so với 46% dành cho ông Trump. Trong trường hợp có tên ứng viên đảng thứ ba và ứng viên độc lập Robert F. Kennedy Jr. trên lá phiếu, bà Harris dẫn trước với khoảng cách 5% ở Michigan, 2% ở Pennsylvania và 6% ở Wisconsin.

Cuộc khảo sát mới cho thấy bà Harris không những thu hẹp khoảng cách với đối thủ Trump trên toàn quốc, mà còn vươn lên dẫn trước ở một số tiểu bang đóng vai trò then chốt cho cuộc bầu cử năm nay.

Chiến dịch ông Trump bị tin tặc tấn công

Reuters hôm qua dẫn lời ông Steven Cheung, người phát ngôn chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump, xác nhận một số tài liệu và liên lạc nội bộ đã rơi vào tay tin tặc nước ngoài, với ý đồ can thiệp bầu cử Mỹ. Trước đó, Politico đưa tin đã nhận được các email từ một tài khoản nặc danh cung cấp tài liệu từ chiến dịch tranh cử của ông Trump. Dù không đề cập đích danh, ông Cheung dẫn thông báo của Microsoft hôm 9.8 cáo buộc Iran đang gia tăng các hoạt động nhằm can thiệp bầu cử Mỹ, bao gồm vụ tấn công tin tặc một chiến dịch tranh cử.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.