Chiến lược xoay trục tây nam của Nhật Bản

18/04/2017 10:01 GMT+7

Nhật Bản đang đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với các nước ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để ứng phó tình hình an ninh diễn biến phức tạp.

Dự kiến vào tháng 5, tàu khu trục chở trực thăng Izumo, chiến hạm lớn nhất của Nhật kể từ sau Thế chiến 2, bắt đầu chuyến hải hành kéo dài 3 tháng đến Ấn Độ Dương. Reuters dẫn một số nguồn thạo tin tiết lộ trong khuôn khổ chuyến đi, tàu Izumo sẽ diễn tập với hải quân Mỹ ở Biển Đông cũng như thăm Singapore, Philippines, Indonesia và Sri Lanka.
Theo giới quan sát, đây là một phần trong chiến lược xoay trục tây nam của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe trong bối cảnh Mỹ tuyên bố chấm dứt chiến lược xoay trục sang châu Á. Bước đi này được cho là nhằm ứng phó những diễn biến phức tạp trong khu vực như tình hình bán đảo Triều Tiên; Trung Quốc gia tăng hiện diện quân sự ở Biển Đông và biển Hoa Đông cũng như mở rộng ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương.
Tàu tuần tra đầu tiên do Nhật Bản viện trợ cho Cảnh sát biển Việt Nam, tại Đà Nẵng ngày 5.2.2015 Cảnh sát biển Việt Nam
Tầm nhìn Vientiane
Theo chuyên san The National Interest, ASEAN đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược xoay trục tây nam. Vào tháng 11.2016, tại cuộc họp với những người đồng cấp ASEAN ở thủ đô Vientiane của Lào, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Tomomi Inada công bố sáng kiến Tầm nhìn Vientianen, lần đầu tiên chỉ ra bức tranh đầy đủ về phương hướng hợp tác quốc phòng giữa nước này và Đông Nam Á.
Theo đó, Nhật sẽ hỗ trợ ASEAN xây dựng khả năng tình báo, giám sát và trinh sát (ISR) cũng như tìm kiếm và cứu hộ (SAR) trên không lẫn trên biển. Tokyo cũng sẽ chia sẻ kinh nghiệm về luật pháp quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh biển, tiến hành hợp tác xây dựng khả năng trong nhiều lĩnh vực như an ninh mạng và lập kế hoạch xây dựng quốc phòng. Ngoài ra, còn có chuyển giao thiết bị, công nghệ, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, tiếp tục tham gia các cuộc tập trận chung đa quốc gia và mời đại diện từ ASEAN đến quan sát những đợt huấn luyện của Lực lượng phòng vệ Nhật.
Giới chức quốc phòng Nhật cho hay các bên đang tích cực thảo luận để cụ thể hóa các dự án liên quan đến Tầm nhìn Vientiane. “Chắc chắn việc hỗ trợ xây dựng khả năng an ninh biển là chủ đề chính trên bàn nghị sự”, 2 chuyên gia Satoru Nagao và Koh Swee Lean Collin nhận định trong bài bình luận mới trên The National Interest. Theo các nhà bình luận này, Thủ tướng Abe lâu nay đã xúc tiến nhiều sáng kiến xây dựng khả năng an ninh và an toàn biển cho những quốc gia có nhu cầu.
Hồi tháng 1.2017, trong cuộc họp báo với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở Hà Nội, ông Abe tuyên bố Nhật sẽ cung cấp tàu tuần tra đóng mới cho VN và hỗ trợ mạnh mẽ nâng cao năng lực chấp pháp trên biển của VN. Trước đó, ông Abe cũng thông báo tặng Malaysia 2 tàu tuần tra.
Hỗ trợ trên không
Bên cạnh đó, Nhật Bản còn cung cấp máy bay để hỗ trợ một số nước ASEAN tăng cường khả năng giám sát biển (MDA). Gần đây nhất là hôm 27.3, Bộ Quốc phòng Nhật giao cho Philippines 2 chiếc đầu tiên trong 5 máy bay TC-90 theo hợp đồng thuê ưu đãi. Tuy trên giấy tờ là máy bay huấn luyện nhưng TC-90 vẫn sở hữu khả năng vượt trội so với dòng máy bay Islander đã “lão hóa” mà hải quân Philippines đang sử dụng tuần tra biển.
Theo 2 chuyên gia Nagao và Koh, 5 chiếc TC-90, với giá thuê 28.000 USD/năm, sẽ giúp mở rộng tầm bao phủ radar được lắp đặt trên bờ của Philippines. Reuters dẫn lời Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Philippines Eduardo Ano tuyên bố một trong những khu vực sẽ triển khai phi đội TC-90 đến tuần tra là dải đất ngầm Benham Rise. Khu vực này không bị nước nào tranh chấp và được LHQ xác định thuộc thềm lục địa Philippines nhưng tàu Trung Quốc đã bị phát hiện tiến hành khảo sát tại đây trong giai đoạn tháng 7 - 12.2016.
Ngoài TC-90, Nhật Bản cũng cân nhắc xuất khẩu máy bay trinh sát săn ngầm P-3C đã qua sử dụng cho những quốc gia Đông Nam Á có nhu cầu nâng cao khả năng giám sát biển. Theo giới quan sát, trang bị máy bay là cách bổ sung năng lực an ninh biển hiệu quả và nhanh chóng song song với trang bị tàu tuần tra và sẽ đặc biệt hữu hiệu trong trường hợp cần ứng phó khẩn cấp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.