Anh nói quân Nga ở miền Nam đang kiệt sức
Tại mặt trận phía nam Orikhiv thuộc tỉnh Zaporizhzhia, quân Ukraine đối đầu với Tập đoàn quân hỗn hợp số 58 của Nga. Đây là các trung đoàn Nga bám trụ nhiều tuần và liên tục chiến đấu nhằm đẩy lùi các đợt tấn công của Ukraine trong hơn 8 tuần qua.
Orikhiv là thị trấn tiền tuyến và thường xuyên trúng tên lửa, đạn pháo từ Nga.
Xem nhanh: Ngày 523 chiến dịch, binh sĩ Ukraine đối mặt giao chiến tàn khốc; UAV nào tấn công Moscow?
Còn ở mặt trận phía nam Velyka Novosilka của tỉnh Donetsk, tình báo Anh nhận định các đơn vị của Tập đoàn quân hỗn hợp số 5 thuộc Nga đang hứng chịu áp lực đặc biệt từ nhiều đợt phản công của Ukraine và hiện cần được luân phiên lực lượng.
Các đơn vị Nga tại hai mặt trận trên được cho đến từ Quân khu miền Nam và miền Đông của quân đội Nga, và đang trải qua tình trạng thiếu đạn dược và lực lượng dự bị.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga luôn khẳng định đẩy lùi mọi đợt phản công của Ukraine, và quân đội của chính quyền Kyiv tiếp tục hứng chịu tổn thất lớn về binh lực lẫn vũ khí, khí tài.
Cùng ngày, giới hữu trách các địa phương của Ukraine hôm 1.8 cho biết lực lượng Nga trong vòng 24 giờ đã tấn công 9 tỉnh của Ukraine.
Binh sĩ Ukraine nói phản công khốc liệt, đẫm máu; Nga liệt kê tổn thất
Các tỉnh trên bao gồm Dnipropetrovsk, Donetsk, Kharkiv, Kherson, Sumy, Chernihiv, Luhansk, Mykolaiv và Zaporizhzhia. Ít nhất 12 người chết, hơn 104 người khác bị thương trong những đợt tấn công này. Phía Nga chưa bình luận về thông tin trên.
Moscow trúng đòn UAV lần 2 trong 3 ngày liên tiếp
Cũng trong ngày 1.8, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận lực lượng phòng không nước này đã bắn hạ 2 máy bay không người lái (UAV) ở huyện Odintsovo và Naro-Fominsk gần thủ đô Moscow.
Một UAV thứ ba trúng thiết bị phá sóng của Nga và rơi xuống tòa nhà cao tầng ở quận thương mại của thủ đô Nga. Nơi đây đặt văn phòng của Bộ Phát triển Kinh tế, Bộ Kỹ thuật số, Bộ Công nghệ và Thương mại. Và hôm 1.8 đánh dấu lần thứ hai trong vòng 3 ngày tòa nhà bị UAV rơi trúng.
Chính quyền thủ đô Nga cho hay không có thương vong trong cả hai vụ việc.
UAV lại lao vào cùng tòa nhà ở Moscow, Nga tố Ukraine tấn công
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thừa nhận mối đe dọa từ UAV đối với Moscow là xác thực và rõ ràng. Chính quyền Nga đã tăng cường các biện pháp bảo vệ an ninh cho thành phố thủ đô.
Trong khi đó, cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak cảnh báo sẽ có thêm những đợt tấn công kế tiếp diễn ra ở Nga trong thời gian tới, vì chiến sự đã bắt đầu lan sang lãnh thổ nước này.
Hôm 1.8, Nga cho biết đã bắn hạ một UAV bên trên bầu trời Sevastopol, thành phố trên bán đảo Crimea và là nơi đặt tổng hành dinh của Hạm đội Biển Đen Nga, theo TASS dẫn lời giới chức địa phương.
Mỹ muốn sản xuất thêm đạn dược hạng nặng cho Ukraine
Mỹ đang nâng cao năng lực sản xuất quân sự do đang cạn dần kho đạn pháo 155 mm sau những đợt viện trợ cho Ukraine. Tuy nhiên, cho dù mọi chuyện diễn ra theo kế hoạch, phải chờ đến năm 2025 Mỹ mới có thể đáp ứng nhu cầu đạn dược của Ukraine trên chiến trường.
"Chúng ta đang ở thời điểm khi mà Mỹ cung cấp đạn dược cho Ukraine theo khả năng, và cố hết sức theo khả năng đó, trong khi duy trì kho đạn ở mức độ cần thiết trong trường hợp xung đột bùng nổ", chuyên gia quân sự Stacie Pettyjohn nói với tờ The Financial Times hôm 1.8.
Chuyên gia Pettyjohn là giám đốc chương trình quân sự thuộc Trung tâm An ninh mới của Mỹ (CNAS) và đồng tác giả báo cáo mới về khả năng kho vũ khí dẫn đường của Mỹ có đáp ứng được nhu cầu của Lầu Năm Góc trong trường hợp nổ ra xung đột với Trung Quốc hay không. Báo cáo có đề cập đến tình trạng thiếu đạn pháo 155 mm của Mỹ.
Nỗi lo chung của phương Tây và Ukraine
Tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden dựa vào lý do Lầu Năm Góc đang hết dần các loại đạn pháo thiết yếu nhằm giải thích quyết định gửi đạn chùm cho Ukraine.
Tính đến tháng 5, Mỹ viện trợ hơn 2 triệu đạn pháo 155 mm cho Ukraine, so với số lượng 790.000 quả được Lầu Năm Góc đặt hàng trong thập niên qua, báo cáo CNAS chỉ ra.
Giới chức quân sự Mỹ ước tính quân đội Kyiv sử dụng hơn 90.000 đạn pháo 155 mm/tháng trong các cuộc giao tranh với Ukraine. Tính đến tháng 3, Mỹ chỉ có thể cung cấp 20.000 đạn pháo/tháng và đặt mục tiêu nâng cao sản lượng sản xuất hằng tháng lên 50.000 quả vào năm 2024 và 90.000 quả trong năm 2025.
Bình luận (0)