Máy bay Romania, Belarus xuất kích
Không quân Ukraine ngày 18.10 thông báo đã bắn hạ 80 trong số 135 máy bay không người lái (UAV) do Nga phóng đến trong đêm, theo trang The Kyiv Independent. Bên cạnh đó, 40 chiếc có thể đã bị hạ do các hệ thống tác chiến điện tử. Không có báo cáo về thiệt hại do các mảnh vỡ rơi xuống hoặc các vụ UAV rơi trúng mục tiêu.
Lầu Năm Góc khuyến khích Ukraine sử dụng UAV tự phát triển để đánh đất Nga, không cần tên lửa Mỹ
Giữa đợt tấn công, Bộ Quốc phòng Romania cho biết đã điều động các chiến đấu cơ đối phó một vật thể bay chưa xác định tiếp cận. Vật thể bay vào không phận quốc gia thành viên NATO trước khi radar mất dấu gần thị trấn Amzacea, cách biên giới Ukraine khoảng 200 km về phía nam.
Trong khi đó, Không quân Ukraine và nhóm quan sát Hajun của Belarus cho biết 2 UAV đã bay về hướng biên giới Belarus. Các máy bay của nước đồng minh của Nga cũng đã xuất kích để phản ứng.
Đây không phải là lần đầu tiên Romania điều động máy bay để đề phòng giữa những cuộc tấn công của Nga tại Ukraine. Từng có một vài lần tên lửa và UAV Nga được tìm thấy trên lãnh thổ các nước láng giềng của Ukraine.
Trong ngày 18.10, quân đội Ukraine cho rằng lực lượng Nga đã hứng chịu ngày tổn thất nhiều thứ hai từ đầu chiến sự. Theo đó, Nga mất 1.530 binh sĩ trong ngày 17.10, chỉ thấp hơn con số 1.740 binh sĩ trong ngày 13.5. Ukraine không liệt kê rõ số người thiệt mạng và bị thương song theo trang The Kyiv Independent, con số trên được cho là bao gồm số binh sĩ thiệt mạng, bị thương, mất tích và bị bắt.
Nga chưa bình luận về thông tin này. Bộ Quốc phòng Nga thông báo Ukraine tổn thất gần 15.500 binh sĩ trong tuần qua.
Ukraine nói về vũ khí hạt nhân
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 17.10 cho biết ông đã nói với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp giữa hai người hồi tháng 9 rằng Ukraine sẽ trở thành thành viên NATO hoặc sẽ theo đuổi năng lực hạt nhân để tự vệ.
Tổng thống Zelensky phủ nhận Ukraine đang phát triển vũ khí hạt nhân
"Hoặc là Ukraine sẽ có vũ khí hạt nhân để phục vụ việc bảo vệ, hoặc chúng tôi phải là một phần của một liên minh. Ngoài NATO, chúng tôi không biết liên minh nào khác hiệu quả như vậy. Tôi tin ông Trump đã nghe tôi và nói rằng đó là quan điểm công bằng", ông Zelensky nói. Mặc dù vậy, Tổng thống Ukraine nhấn mạnh ông sẽ chọn làm thành viên NATO thay vì theo đuổi vũ khí hạt nhân.
Nhà lãnh đạo nhắc đến Bản ghi nhớ Budapest mà Ukraine đồng ý vào năm 1994 để từ bỏ kho vũ khí hạt nhân nhằm đổi lấy đảm bảo an ninh từ Nga, Mỹ và Anh. Ông nói Ukraine đã mất lá chắn hạt nhân trong khi các nước khác vẫn giữ kho hạt nhân đã không gánh chịu cuộc chiến nào.
Trong một cuộc họp báo sau đó, ông Zelensky đảo ngược tuyên bố ban đầu khi quả quyết: "Chúng tôi chưa bao giờ nói rằng chúng tôi đang chuẩn bị tạo ra vũ khí hạt nhân hay thứ gì như vậy. Ông nhấn mạnh sau khi Bản ghi nhớ Budapest thất bại, Ukraine không còn lựa chọn nào khác để đảm bảo an ninh ngoài việc gia nhập NATO.
Báo Bild của Đức hôm 17.10 dẫn một nguồn tin Ukraine cho rằng Kyiv đang chuẩn bị phát triển vũ khí hạt nhân. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Heorhii Tykhyi sau đó tuyên bố Ukraine không có kế hoạch phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt và vẫn cam kết với việc không phổ biến hạt nhân.
Phát biểu tại một sự kiện tại Brussels (Bỉ) ngày 18.10, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak một lần nữa khẳng định Kyiv không cân nhắc phát triển vũ khí hạt nhân và các báo cáo gần đây về chủ đề này được dẫn dắt bởi sự diễn dịch không chính xác phát biểu của Tổng thống Zelensky. "Chúng tôi không có những suy nghĩ này về hạt nhân. Chúng tôi từ chối nó", Reuters dẫn lời ông Yermak.
Bình luận về việc này, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 18.10 nhấn mạnh sẽ không cho phép Ukraine sở hữu vũ khí hạt nhân. Nhà lãnh đạo cho rằng những bình luận về khả năng Kyiv có được điều đó là sự khiêu khích rất nguy hiểm.
'Kế hoạch chiến thắng' của Tổng thống Ukraine ra mắt trong thời điểm bấp bênh
Lính Triều Tiên đã đến Nga?
Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIS) của Hàn Quốc ngày 18.10 xác nhận CHDCND Triều Tiên đã quyết định đưa khoảng 10.000 binh sĩ đến hỗ trợ Nga tại Ukraine và đã bắt đầu điều động. Theo Yonhap, sau cuộc họp khẩn về an ninh do Tổng thống Yoon Suk Yeol triệu tập, NIS xác nhận khoảng 1.500 binh sĩ Triều Tiên đã được đưa bằng tàu đổ bộ sang Nga trong giai đoạn 1 từ ngày 8-13.10. Đợt thứ hai dự kiến sẽ sớm được đưa sang Nga.
Trong khi đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine Kyrylo Budanov nói với chuyên san The War Zone rằng gần 11.000 binh sĩ Triều Tiên đang huấn luyện ở miền đông Nga và "sẽ sẵn sàng (chiến đấu tại Ukraine) vào ngày 1.11". "Chúng tôi không có bức tranh toàn cảnh vào lúc này", ông Budanov nói.
Triều Tiên chưa bình luận về các thông tin trên trong khi người phát ngôn Dmitry Peskov của Điện Kremlin hôm 10.10 tuyên bố rằng những thông tin trên truyền thông về sự liên quan của quân nhân Triều Tiên trong chiến dịch đặc biệt của Nga có vẻ là tin giả. Hãng TASS dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin nói hồi tháng 6 rằng Nga không cần sự hỗ trợ của ai trong chiến dịch tại Ukraine.
Mỹ đề nghị duy trì hỗ trợ Ukraine
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 18.10 hối thúc các đồng minh duy trì ủng hộ Ukraine trước mùa đông khó khăn và trong bối cảnh kết quả khó lường của cuộc bầu cử Mỹ. Nhà lãnh đạo đang có mặt tại Đức trong chuyến thăm được cho là cuối cùng trước khi mãn nhiệm vào đầu năm sau.
Kế hoạch chiến thắng của Ukraine: Thêm nhiều tên lửa Storm Shadow, ATACMS hơn nữa
Tổng thống Biden nói sẽ thảo luận với Thủ tướng Đức Olaf Scholz về nỗ lực tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine và củng cố cơ sở hạ tầng điện dân sự của nước này bằng tài sản bị đóng băng của Nga.
Chuyến đi của ông Biden diễn ra chỉ hơn 2 tuần trước khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra, khi cựu Tổng thống Donald Trump đang tìm cách quay lại Nhà Trắng.
Trong cuộc gặp ông Biden ngày 18.10, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier nhắc lại giai đoạn quan hệ lạnh nhạt của châu Âu và Mỹ dưới thời ông Trump. "Chỉ vài năm trước, khoảng cách đã gia tăng rất rộng đến mức chúng ta gần như mất nhau. Khi ngài là tổng thống đắc cử, ngài đã khôi phục hy vọng của châu Âu về liên minh xuyên Đại Tây Dương trong một đêm về nghĩa đen", ông Steinmeier nói, khẳng định tầm quan trọng của NATO và Mỹ.
Bình luận (0)