Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris nằm trong số những lãnh đạo chính phủ hàng đầu tham dự Hội nghị An ninh Munich, sự kiện thường niên quy mô lớn tập trung vào quốc phòng và ngoại giao, Reuters cho hay.
Các quan chức cấp cao Ukraine dự kiến cũng sẽ phát biểu tại hội nghị, khai mạc ngày 17.2 và kéo dài đến ngày 19.2, tại khách sạn Bayerischer Hof sang trọng ở thành phố miền nam nước Đức.
Hội nghị năm ngoái diễn ra chỉ vài ngày trước khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ. Khi quân đội Nga ồ ạt tiến về biên giới Ukraine, các nhà lãnh đạo phương Tây ở Munich đã cảnh báo Tổng thống Nga Vladimir Putin về những hậu quả thảm khốc nếu ông đưa quân sang nước láng giềng.
Năm nay, các nhà lãnh đạo sẽ phải tìm cách giải quyết hàng loạt hệ lụy của xung đột quân sự nghiêm trọng nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến 2.
Chiến sự Ukraine phủ bóng hội nghị an ninh Munich
Cuộc chiến ở Ukraine sẽ lại khơi dậy cuộc tranh luận kéo dài tại Munich về các vấn đề như châu Âu nên tăng cường năng lực quân sự ra sao, châu Âu nên dựa vào Mỹ đến mức nào trong việc đảm bảo an ninh cho mình và các chính phủ nên chi bao nhiêu cho quốc phòng.
Các đại biểu cũng sẽ thảo luận về tác động toàn cầu sâu rộng của chiến sự, từ nguồn cung năng lượng đến giá lương thực.
Hội nghị An ninh Munich đôi khi được coi như thước đo quan hệ giữa Nga và phương Tây. Vào năm 2007, Tổng thống Putin đã công kích Mỹ trong một bài phát biểu hiện được nhiều người cho là điềm báo về lập trường cứng rắn hơn nhiều của Moscow đối với các nước phương Tây.
Năm nay, Nga không được mời tham dự sự kiện. Ngược lại, Mỹ cử đến Munich một phái đoàn được cho là có quy mô lớn nhất trước nay, bao gồm Phó Tổng thống Harris, Ngoại trưởng Antony Blinken và một phần ba Thượng viện Mỹ.
"Chúng tôi mong đợi tín hiệu đoàn kết từ cộng đồng xuyên Đại Tây Dương", Chủ tịch hội nghị Christoph Heusgen nói với các phóng viên trong tuần này.
Mỹ sẵn sàng bảo vệ các nước Baltic, duy trì hiện diện quân sự ở khu vực
Quan chức ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, Vương Nghị, dự kiến cũng sẽ có mặt tại Munich. Ngoại trưởng Blinken đang cân nhắc một cuộc gặp giữa hai người, trong bối cảnh quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đã trở nên căng thẳng hơn sau khi quân đội Mỹ bắn hạ một vật thể bay mà họ cho là khinh khí cầu do thám của Trung Quốc.
Bình luận (0)