46 năm ngày giải phóng Campuchia khỏi Pol Pot (7.1.1979 - 7.1.2025)

Chiến thắng của chính nghĩa trên đất Campuchia

07/01/2025 06:00 GMT+7

Ngày 7.1.1979, các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia cùng Quân tình nguyện Việt Nam tiến vào thủ đô Phnom Penh, lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot để mở ra thời kỳ mới cho người dân Campuchia.

Kết quả của 46 năm trước được nhiều chuyên gia về các vấn đề quốc tế đánh giá là dấu ấn cho tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, cao cả.

Hành động chính nghĩa, vai trò then chốt

Nhận xét về họa diệt chủng Pol Pot với chế độ Khmer Đỏ tại Campuchia từ năm 1975 - 1979, tạp chí TIME mô tả đó là chế độ "gây ra thảm sát tồi tệ nhất thế kỷ 20, di sản của nạn diệt chủng vẫn ám ảnh Campuchia".

Và làm thế nào người dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng này, tài liệu nghiên cứu của Đại học Minnesota (Mỹ) chỉ ra: "Trong bốn năm cai trị tàn bạo của họ, Khmer Đỏ gây ra cái chết của gần một phần tư người Campuchia… Chế độ này cuối cùng sụp đổ khi quân VN tiến sang Campuchia".

Chiến thắng của chính nghĩa trên đất Campuchia- Ảnh 1.

Trưa 7.1.1979, các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia cùng Quân tình nguyện VN tiến vào Phnom Penh

ẢNH: TTXVN

Phân tích trên trang Modern Diplomacy, GS Pankaj Jha (chuyên về vấn đề quốc tế, Đại học O.P. Jindal Global, Ấn Độ) chỉ ra: "Việc Việt Nam gửi quân đến Campuchia vào cuối năm 1978 trước nhất là bảo vệ hàng triệu người Campuchia đang chạy trốn khỏi các trung tâm đô thị đến các vùng nông thôn vì hàng triệu người đã chết và bị hành quyết bởi chế độ Khmer Đỏ. Quân đội Việt Nam, mặc dù gặp nhiều hạn chế về vật chất, nhưng đã cố gắng bảo vệ người dân Campuchia".

"Thực tế, Việt Nam là quốc gia duy nhất đã giải cứu Campuchia khỏi những khó khăn của chế độ Pol Pot", GS Pankaj Jha nhấn mạnh và khẳng định: "Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong việc xem xét quá trình chuyển giao và trao đổi quyền lực an toàn trong nội bộ Campuchia giữa các phe phái khác nhau".

Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam không chỉ giúp góp phần đánh đổ chế độ Pol Pot mà còn góp phần then chốt để mang đến sự ổn định chính trị cho Campuchia.

Chiến thắng của chính nghĩa trên đất Campuchia- Ảnh 2.

Người dân Campuchia mang nước thốt nốt đến cho bộ đội tình nguyện VN trong những ngày giúp dân Campuchia thu hoạch lúa

ẢNH: TTXVN

San sẻ khó khăn cả thời hậu chiến

Phân tích trên tờ Times of India, chuyên gia SD Pradhan, cựu Phó cố vấn An quốc gia Ấn Độ - cựu giáo sư thỉnh giảng Đại học Illinois (Mỹ), từng nhấn mạnh: "Gần như tất cả người Campuchia, dù bị ảnh hưởng bởi những luận điệu chính trị khác nhau, vẫn luôn hoan nghênh người Việt Nam như những người giải phóng người dân Campuchia ra khỏi thời kỳ tàn bạo và khủng khiếp do Pol Pot gây ra. Cộng hòa Nhân dân Campuchia được tuyên bố ra đời vào ngày 10.1.1979, do ông Heng Samrin làm tổng thống. Tuy nhiên, vấn đề sinh tồn và tái thiết của quốc gia này là thách thức lớn mà chính phủ mới phải đối mặt. Người Việt Nam đã giúp khôi phục hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng hành chính, hỗ trợ tiếp nhận viện trợ quốc tế. Tài sản tư nhân đã được khôi phục; trường học mở cửa trở lại và việc tu tập theo đạo Phật cũng trở lại; các thành phố đã được tái định cư; và với sự tự do đi lại, thương mại nội bộ phát triển mạnh mẽ. Tháng 6.1980, trong bối cảnh vẫn đang gặp không ít khó khăn nhưng Việt Nam đã cung cấp khoảng 180.000 tấn lương thực và lúa giống cho Campuchia. Khi thế giới biết rõ hơn sự tàn bạo của Khmer Đỏ, các khoản quyên góp cũng bắt đầu đến từ các nước phương Tây nhưng sự hỗ trợ chính đến từ khối Liên Xô".

Chiến thắng của chính nghĩa trên đất Campuchia- Ảnh 3.

Bộ đội Việt Nam và Campuchia cùng bảo vệ đền Angkor Wat (tháng 7.1982)

ẢNH: TTXVN

"Việt Nam đã hỗ trợ Campuchia trong việc tái thiết và quản lý quản trị đất nước. Đó không phải là một nhiệm vụ dễ dàng vì Khmer Đỏ của Pol Pot tiếp tục hoạt động từ rừng rậm ở biên giới Thái Lan", vị chuyên gia đánh giá và chỉ ra thêm rằng: "Việt Nam đã chịu thiệt hại cho nỗ lực giúp đỡ Campuchia, khi trở thành mục tiêu bị tấn công".

Phản bác một số luận điệu chỉ trích sai sự thật về Việt Nam, ông Pradhan cũng nhấn mạnh: "Vào thời điểm đó, Việt Nam tham gia loại bỏ Khmer Đỏ vì lý do nhân đạo và cũng để bảo vệ biên giới của mình khỏi các cuộc tấn công ngày càng tăng của Khmer Đỏ. Chế độ Khmer Đỏ nếu còn tiếp tục tồn tại, có thể gây ra hậu quả không thể khắc phục được cho Campuchia và các cuộc đột kích biên giới của Khmer Đỏ ở biên giới có thể leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn diện với Việt Nam. Hành động của Việt Nam có tính chất là "phản kích kịp thời" chứ không phải là xâm lược".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.