Khoảng 1 triệu nạn nhân của thời kỳ độc tài của Franco sẽ được trả lại công lý, được bồi thường về tinh thần và vật chất. Quá trình xử lý vấn đề quá khứ nhạy cảm nhất nhưng cũng tồi tệ nhất này ở Tây Ban Nha được Quốc hội nước này bắt đầu vào cuối năm ngoái bằng một nghị quyết, được coi như sự khởi đầu của việc viết lại một thời kỳ lịch sử đất nước. Đương nhiên, việc đảng Xã hội trở lại cầm quyền là một nhân tố quyết định quan trọng, nhưng thật ra cuối cùng điều gì đến sẽ phải đến. Công lý có phần muộn màng sau nhiều thập kỷ, nhưng cuối cùng đã chiến thắng.
Sau cái chết của nhà độc tài Franco, các chính phủ dân sự ở Tây Ban Nha náu dưới lập luận "để chuyển giao ổn thỏa sang nền dân chủ'' gần như giữ im lặng về vấn đề này. Cái bóng phủ của Franco còn quá lớn, ảnh hưởng của giới quân sự thân Franco còn quá sâu đậm và hoàng tộc mới được tái lập cũng do Franco thiết kế mà nên. Nhưng về sau, trong bối cảnh Tây Ban Nha càng liên kết sâu rộng hơn vào EU và muốn duy trì ảnh hưởng đối với những khu vực thuộc địa cũ đã giành độc lập và phát triển ngày càng tự tin hơn, thì việc xử lý ổn thỏa những vấn đề do lịch sử để lại càng không thể tránh khỏi. Đảng Xã hội có được con chủ bài tranh cử mới, nhưng dư luận chung trong và ngoài Tây Ban Nha cũng muốn biết sự thật về những tội ác của chế độ độc tài Franco. Với bước đi này, đảng Xã hội và Thủ tướng J.L.Zapatero còn tạo uy tín và vị thế mới trong việc đối phó với trào lưu ly khai ở một số khu vực lãnh thổ.
Thảo Nguyên
Bình luận (0)