Thực tế, tình trạng “thổi” giá đất thông qua các phiên đấu giá công khai đã có từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, gần đây, do thị trường bất động sản có biến động mạnh ở những khu vực giáp ranh quận-huyện, nên các đối tượng “làm giá” xuất hiện nhiều hơn, trắng trợn hơn.
Một cán bộ từng có nhiều năm làm công tác đấu giá đất tại quận Hà Đông kể: Giá sàn của các phiên đấu giá bao giờ cũng được Hội đồng định giá xác định rất nghiêm túc nhưng giá trúng thường cao hơn gấp nhiều lần, “có những mức giá bỏ quá cao sức tưởng tượng”. Giá đất qua mỗi phiên đấu giá thường tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 bất kể thị trường có thể đang “đóng băng”. Vị này tiết lộ, người trúng đấu giá thường là giới đầu cơ.
Không khó để nhận ra, nguyên nhân chính khiến đất đấu giá tăng chóng mặt chính là do bàn tay của giới đầu cơ nhà đất. Anh Ích, một người có thâm niên buôn bán đất khu vực Cầu Giấy tiết lộ: Các dự án chuẩn bị đấu giá thường được dân đầu cơ “giám sát” thông tin rất chặt chẽ. Họ sẽ mua đất xung quanh khu vực dự án chuẩn bị đấu giá (với giá thấp), sau đó làm thủ tục đăng ký đấu giá, khi đấu thì bỏ giá rất cao nhằm đẩy giá đất trong khu vực, bán thu lời từ những khu đất đã mua; sau đó thì sẵn sàng bỏ cọc. Điều này lý giải cho hiện tượng, khi thị trường trầm lắng thì dân buôn đất tham gia các phiên đấu giá đất càng tích cực và thông tin về việc các lô đất trúng giá cao ở các dự án đấu giá gần đây không phải không có tác dụng “kích động” tâm lý của một số người về một thị trường “có dấu hiệu hồi phục” (?).
GS. TSKH Đặng Hùng Võ khi được hỏi về hiện tượng này phân tích: Mục đích của đấu giá là để có được mức giá cao nhất nên chuyện các “cò” dùng ngay các hoạt động công khai này để “thổi” giá đất hoàn toàn có thể xảy ra. Theo ông Võ thì việc đấu giá đất, nhìn qua có thể thấy giúp cho chính quyền địa phương thu được thêm tiền (so với hình thức giao đất trước đây) nhưng nó cũng khiến cho tình trạng chênh lệch giá đất (giá Nhà nước quy định và giá thị trường) trở nên trầm trọng. “Trong cơn sốt đất năm 2007, đấu giá đất giống như đổ thêm dầu vào lửa”, ông Võ nói.
Để ngăn chặn tình trạng giới đầu cơ “thổi giá” sau các phiên đấu giá, tại phiên họp hôm 17.11, lãnh đạo các quận huyện đề nghị UBND TP cho phép rút ngắn thời gian nộp tiền trúng giá và nâng mức đặt “cọc” tham gia đấu giá đất. Nhấn mạnh chủ trương coi đấu giá đất là một nguồn thu cho địa phương tái đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Vũ Hồng Khanh cho rằng, đấu giá đất nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng đất cho phát triển nhà ở của người dân. Do đó, các phiên đấu giá phải đảm bảo sự công bằng, song cũng cần tránh thất thu cho Nhà nước. Về các trường hợp trúng đấu giá nhưng lại “bỏ cọc chạy lấy người”, UBND TP yêu cầu, theo đúng quy định hiện hành, quá 30 ngày, nếu người trúng không nộp tiền, sẽ hủy kết quả đấu giá. UBND TP cũng lưu ý, các Hội đồng đấu giá khi lập phương án đấu giá phải quy định chặt chẽ các khoản phí, lệ phí tham gia đấu giá theo quy định.
Giáo sư Đặng Hùng Võ thì cho rằng, để giải quyết dứt điểm tình trạng này nên thay hình thức đấu giá đất bằng hình thức đấu thầu dự án. Các nhà thầu khi đó sẽ phải chứng minh năng lực tài chính, khả năng thực hiện dự án chứ không phải là việc bỏ giá cao cho từng lô đất riêng lẻ.
Minh Đức
Bình luận (0)