Chiêu trò tăng vốn ảo trên sàn chứng khoán trước vụ ông Trịnh Văn Quyết

Mai Phương
Mai Phương
26/08/2022 15:34 GMT+7

Ông Trịnh Văn Quyết và các đồng phạm vừa bị khởi tố bổ sung tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bên cạnh tội làm giá chứng khoán .

Nhà đầu tư tháo chạy khỏi cổ phiếu "họ" FLC

Chiều 26.8, đồng loạt các cổ phiếu thuộc hệ sinh thái FLC như FLC, HAI, KLF bị nhà đầu tư bán tháo về giá sàn sau khi ông Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC - cùng các đồng phạm như bà Hương Trần Kiều Dung và hai em gái Trịnh Thị Thúy Nga, Trịnh Thị Minh Huế bị khởi tố thêm tội danh lừa đảo chiếm đoạt tiền. Riêng FLC còn dư gần 7 triệu đơn vị ở giá sàn phía bên bán trong khi phía mua trắng bảng. Trong khi đó, cổ phiếu ROS của Công ty CP Xây dựng Faros (ROS) bị mất thanh khoản sau khi Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã chính thức có thông báo sẽ hủy niêm yết cổ phiếu này từ ngày 5.9.

Ông Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC đã tăng vốn ảo tại FLC Faros

Hoàng Anh

Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01), ông Trịnh Văn Quyết và các đồng phạm đã làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống của Công ty CP Xây dựng Faros (ROS). Cụ thể, từ năm 2014 - 2016, vốn điều lệ của ROS từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng tương ứng với 430 triệu cổ phần. Sau đó, 430 triệu cổ phiếu ROS được niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM và ông Trịnh Văn Quyết đã bán ra để chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư. Bước đầu, cơ quan công an xác định, tính đến ngày 24.2.2021, ông Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế bán toàn bộ cổ phiếu ROS mang tên Trịnh Văn Quyết và cổ phiếu ROS mang tên 5 cá nhân khác (do ông Quyết nhờ đứng tên), thu được tổng cộng hơn 6.400 tỉ đồng và rút tiền mặt để chiếm đoạt.

Cổ phiếu ROS của FLC Faros được giao dịch phiên đầu tiên trên HOSE vào 1.9.2016, với giá tham chiếu 10.500 đồng, tương đương giá trị vốn hoá ở thời điểm đó là hơn 4.500 tỉ đồng. Ngay từ phiên chào sàn, ROS đã tăng trần liên tiếp 12 phiên. Đà tăng tiếp tục được nối dài sang 2017 với mức đỉnh gần 220.000 (thị giá điều chỉnh gần 180.000 đồng) trong nửa cuối năm 2017, trở thành một trong những cổ phiếu đắt giá nhất thị trường...

Khởi tố bổ sung đối với ông Trịnh Văn Quyết cùng 2 em gái

Tay trái bán cổ phiếu tay phải mua dù không có tiền...

Chiêu trò tăng vốn ảo của ông Trịnh Văn Quyết cũng đã từng diễn ra trên sàn chứng khoán trước đó. Vụ gần nhất bị cơ quan điều tra xác định xảy ra ở Công ty CP Ðầu tư khoáng sản Bình Thuận (KSA). Cụ thể, tháng 9.2015, KSA phát hành hơn 67 triệu cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 373 tỉ đồng lên 1.044 tỉ đồng. Trong đó, có hơn 56 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu và 11 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ cho đối tác chiến lược.

Ông Trịnh Văn Quyết, bà Phạm Thị Hinh đã làm thủ tục tăng vốn ảo cho công ty lên hàng ngàn tỉ đồng

Ngọc Thắng

Thực tế chỉ có bà Phạm Thị Hinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị KSA đứng tên mua 1,2 triệu cổ phiếu. Để được công nhận kết quả chào bán và chấp thuận lưu ký toàn bộ cổ phiếu phát hành thêm, bà Hinh lập danh sách phân phối số cổ phiếu phát hành cho 10 cá nhân, công ty là những người thân quen. Để có tiền nộp mua cổ phiếu, bà Hinh đã đứng ra vay trực tiếp 59,2 tỉ đồng. Số tiền 501,3 tỉ đồng còn lại, bà nhờ Nguyễn Thị Bích Hạnh (nhân viên BIDV) làm thủ tục cho 18 cá nhân khác vay với mục đích vay tiêu dùng. Tài sản đảm bảo là số dư tài khoản của Công ty KSA.

Theo phương án phát hành, nguồn tiền thu được dùng để đầu tư vào các dự án của KSA. Thực tế, những người đứng đầu các công ty này đều là người quen của bà Hinh. Hồ sơ mở tài khoản ngân hàng của các công ty đều được ký sẵn và do bà Hinh trực tiếp mở. Việc nộp, rút tiền, ủy nhiệm chi đều do các cá nhân, công ty ký sẵn đưa cho ngân hàng. Sau đó, toàn bộ số tiền này được rút ra để thanh toán cho khoản vay ban đầu và bà Hinh đã ký sổ cổ đông xác nhận số cổ phiếu trên đã phân phối cho 11 công ty và cá nhân. Số cổ phiếu nói trên cũng đã được lưu ký và niêm yết và cựu lãnh đạo KSA “bắt tay” với nhân viên chứng khoán tạo cung cầu giả tạo đối với cổ phiếu KSA nhằm hưởng lợi.

Hiểu một cách đơn giản, số tiền mà bà Hinh mua cổ phiếu phát hành thêm để tăng vốn được vay từ ngân hàng. Nhưng sau khi nộp vào công ty thì lại được chính bà rút ra để trả nợ cho ngân hàng. Công ty đã ghi nhận trên sổ sách kế toán là tăng vốn nhưng thực tế lại không có số tiền này. Chưa hết, mặc dù không có số tiền thực tế nộp vào công ty nhưng lãnh đạo này vẫn có số lượng cổ phiếu khủng trong tay để đem bán trên sàn chứng khoán, bỏ túi hàng ngàn tỉ đồng tiền tươi thóc thật.

Sau giai đoạn tăng vốn là chiêu trò sử dụng nhiều tài khoản chứng khoán khác nhau để tạo cung cầu giả tạo, làm giá cổ phiếu...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.