Chìm tàu gần đảo Cồn Cỏ: Không đi tàu hàng thì biết ra đảo bằng cái gì?

12/10/2016 14:00 GMT+7

Đại tá Hoàng Hữu Chiến, chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Trị bức xúc khi nói về vụ chìm tàu Cửa Tùng 01: Không cho họ đi tàu hàng thì họ biết ra đảo bằng cái gì?

Theo đại tá Chiến, từ trước đến nay, chưa có tàu chở khách từ đất liền ra đảo Cồn Cỏ và ngược lại. Mọi người muốn ra đảo Cồn Cỏ đều phải đi tàu công vụ của đảo, tàu của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh hoặc đi nhờ tàu cá, tàu hàng...
Khoan nói chuyện trách nhiệm, hãy nhìn vào thực trạng
Sáng 12.10, phát biểu liên quan đến vụ chìm tàu hàng Cửa Tùng 01 chở 44 người gần khu vực gần đảo Cồn Cỏ trưa 11.10, đại tá Hoàng Hữu Chiến cho rằng: "Hãy nhìn nhận ở góc độ thực trạng chứ khoan nhìn góc độ trách nhiệm".
“Nói về luật, đã là tàu hàng thì không được chở khách. Nhưng đây rõ ràng là thực trạng kéo dài hàng chục năm qua mà chưa có cách giải quyết... chứ không thể đổ hết trách nhiệm lên lái tàu và cơ quan chức năng. Những người đi trên tàu hàng bị chìm đều là cán bộ chiến sĩ, lực lượng vũ trang, cán bộ đảo, công nhân ra xây dựng đảo... Không cho họ đi tàu hàng thì họ biết ra đảo bằng cái gì?”, đại tá Chiến nói.
Trong số các nạn nhân có 16 cán bộ chiến sĩ thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Đại tá Chiến cho biết lực lượng công an, quân sự nếu có điện vào đất liền họp khẩn thì "tàu cá cũng phải nhảy", vì không phải lúc nào cũng có tàu công vụ để đi.
Theo đại tá Chiến, vụ chìm tàu Cửa Tùng 01 "hãy khoan nhìn nhận góc độ trách nhiệm mà hãy nhìn nhận đây là một thực trạng cần phải giải quyết của cả tỉnh Quảng Trị về nguy cơ mất an toàn".
“Bây giờ buộc kỷ luật anh em đồn, trạm biên phòng ở Cửa Tùng thì chưa hợp lý. Vì thực sự khi tàu hàng xuất bến, người ta leo lên, toàn là cán bộ chiến sĩ, đồng đội... cả, làm sao cản được. Tôi nói thật, bản thân cả tàu tuần tra biên phòng của chúng tôi nhiều khi cũng phải cho người ta đi nhờ ra đảo Cồn Cỏ dù biết nguyên tắc là không đúng”, đại tá Chiến phân bua.
Các xe y tế nhanh chóng đưa các nạn nhân vụ chìm tàu đi kiểm tra sức khỏe ẢNH: NGUYỄN PHÚC
May mà tránh được một thảm họa 
Đại tá Chiến cho rằng, để giải quyết thực trạng này không có cách nào khác là phải có tàu khách ra đảo Cồn Cỏ.
“Tôi được biết tàu của Chủ tịch nước tặng đảo Cồn Cỏ cũng sắp hoàn thành. Lúc đấy, có tàu khách, có bến bãi, có vé, lực lượng biên phòng sẽ siết chặt công tác quản lý để đảm bảo an toàn. Trong trường hợp tàu khách mà xảy ra sự cố nghiêm trọng như trên, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý trách nhiệm”, đại tá Chiến khẳng định.
Thân nhân nạn nhân duy nhất chết trong vụ chìm tàu gào khóc tại bến cảng ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Đại tá Chiến nói thêm: “Nhìn nhận một cách thấu đáo thì với vụ chìm tàu hôm qua (11.10), chúng ta phải cảm ơn lực lượng cứu hộ và ngư dân. Họ đã đến hiện trường nhanh, cứu người nhanh... Chứ không thì câu chuyện ngày hôm qua sẽ trở thành một thảm họa mang tầm quốc tế chứ không phải đơn giản”.
Đại tá Chiến cho biết ông cũng chưa có được thông tin cụ thể về nguyên nhân trực tiếp của vụ chìm tàu.
Sẽ có tàu khách hiện đại
Liên quan đến phát ngôn của đại tá Hoàng Hữu Chiến, một lãnh đạo của UBND tỉnh Quảng Trị đã xác nhận thực trạng "chưa có tàu khách ra đảo Cồn Cỏ" là chính xác.
"Việc tàu hàng chở hành khách là sai rõ ràng nhưng cũng phải thấy rằng việc chưa có tàu khách vào ra Cồn Cỏ đã gây khó khăn cho người dân, cán bộ, chiến sĩ trên đảo, buộc họ phải xin đi nhờ", vị này nói.  
Trong sáng 12.10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính cho hay dự kiến đầu năm 2017 Quảng Trị sẽ cho khai trương chuyến vận chuyển hành khách từ đất liền ra đảo Cồn Cỏ.
"Tàu sẽ rất hiện đại, đã hạ thủy, dự kiến sẽ có 1 đôi tàu với giá thành 20 tỉ đồng/chiếc", ông Chính thông báo.
Cũng trong sáng 12.10, PV Thanh Niên đã liên lạc được với ông Hồ Thanh Ngọc (Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Tuấn, chủ sở hữu tàu Cửa Tùng 01).
Ông Ngọc cho hay hiện ông mới bình tâm trở lại và đang lo việc hậu sự cho nạn nhân tử vong sau vụ chìm tàu.
“Chúng tôi bây giờ rơi cảnh 'mất của thua thân' rồi. Chúng tôi cho họ đi nhờ chứ có lấy đồng nào đâu. Bản thân người ta cũng năn nỉ quá nên thủy thủ đoàn mới cho đi. Giờ đây, thiệt hại về tàu và hàng của chúng tôi là rất lớn. Nhưng thực sự là ngay lúc tàu đang chìm, tôi đã gọi ra cho thuyền trưởng phải chấp nhận bỏ tàu, cứu người. Còn người thì còn của...”, ông Ngọc nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.