Tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cách đây 2 tháng, vấn đề này vẫn gây ra hai luồng quan điểm trái chiều. Không ít ý kiến cho rằng, đã tố cáo là phải đàng hoàng, chính danh. Luồng quan điểm này cũng lo ngại với tình trạng "ném đá giấu tay", "thọc gậy bánh xe" phổ biến, thì việc công nhận tố cáo nặc danh có thể làm loạn đất nước!
Đúng là không thể phủ nhận vẫn còn nhiều trường hợp lợi dụng tố cáo nặc danh để gây nhiễu loạn thông tin, nói xấu cán bộ, nhất là ở những thời điểm nhạy cảm như chuẩn bị sắp xếp nhân sự, bổ nhiệm cán bộ hay sắp bầu cử, đại hội… Nhưng ngay báo cáo của Thanh tra Chính phủ cũng cho hay, cả trong các tố cáo chính danh thì số có nội dung tố cáo sai chiếm đến 59,3%, còn lại 28,3% có đúng, có sai. Vì vậy, nếu chỉ vì quan ngại quy định giải quyết tố cáo nặc danh sẽ gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong quá trình xem xét, giải quyết, thì thật không thỏa đáng. Chả lẽ pháp luật chỉ dừng lại ở việc quy định nhằm tạo thuận lợi cho các cơ quan chức năng mà không thuận lợi cho người tố cáo? Với quyền lực công được nắm trong tay và rất nhiều công cụ khác nữa, cơ quan có thẩm quyền giải quyết có thể thực hiện công việc này và đi đến kết luận không quá khó khăn. Có điều, đằng sau những thuận lợi của lực lượng công quyền lại là những điểm bất lợi đối với người đi tố cáo. Bởi trong bối cảnh cơ chế bảo vệ người tố cáo ở nước ta chưa được hoàn thiện, chưa phát huy hiệu quả và trên thực tế, không ít vụ việc người tố cáo đúng đã bị trù dập, thậm chí trả thù. Có trường hợp danh tính của người tố cáo sau khi đã cung cấp cho cơ quan chức năng lại… vào tay chính cá nhân bị họ tố cáo.
Vậy nên, có lẽ việc có chính danh hay nặc danh không quan trọng bằng tính thuyết phục trong nội dung tố cáo. Trong trường hợp thông tin tố cáo được thể hiện rõ, kèm theo chứng cứ rành mạch, thì cá nhân, cơ quan có thẩm quyền giải quyết chỉ việc làm một công việc khá đơn giản là đi xác minh xem nội dung tố cáo có đúng hay không? Có bao nhiêu phần trăm là sự thật?… Do đó, để kiểm soát và giải quyết vừa có tình, vừa có lý đối với các loại đơn thư mang tính chất nặc danh, nên chăng luật hóa tố cáo nặc danh vào luật? Nếu có chứng cứ cụ thể, đáng tin cậy thì cần tiến hành điều tra, làm rõ và có những cơ sở pháp lý để bảo vệ người tố cáo. Ngược lại, trường hợp thư nặc danh không đúng sự thực, có dụng ý xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân, tổ chức hay xã hội, việc điều tra, xác minh sẽ làm rõ để giải tỏa thắc mắc, minh oan cho người vô tội.
Trong bối cảnh nền thể chế nói chung và hệ thống pháp luật về bảo vệ người tố cáo hay bảo vệ nhân chứng nói riêng chưa được hoàn thiện, việc thực thi pháp luật hiện còn nhiều vấn đề cần phải bàn, thì việc loại bỏ tố cáo nặc danh, coi trọng tính chính danh hơn là nội dung, tính chính xác của thông tin cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đã loại trừ một kênh thông tin rất có giá trị trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, tham nhũng, bỏ đi một công cụ, phương tiện hữu hiệu để phòng ngừa tội phạm. Thực tế thời gian qua cho thấy, không ít thông tin “vỉa hè” tưởng như tào lao, thất thiệt, song khi báo chí, cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra thì phát hiện không ít sự thật.
Vấn đề làm sao có cơ chế tiếp thu, sàng lọc thông tin chứ không thể ném tất cả vào sọt rác chỉ vì lý do đơn giản là không rõ tên tuổi người tố cáo. Nói như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nếu chỉ vì đơn nặc danh mà vứt vào sọt rác là chưa hết trách nhiệm. Với các đơn thư có nội dung, bằng chứng cụ thể, rõ ràng thì cần phải được xem xét và trong trường hợp cần thiết sẽ có kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất.
Bình luận (0)