Chính khách mê bóng đá

08/09/2009 23:52 GMT+7

Bóng đá luôn là niềm đam mê của hàng triệu con tim trên toàn thế giới và giới chính khách cũng không thể nào thoát khỏi hấp lực của trái bóng tròn.

Trên thế giới có không ít cầu thủ bóng đá bộc lộ tham vọng gia nhập chính trường sau khi giải nghệ. Thậm chí có người đã thực sự dấn thân như cựu danh thủ George Weah từng chạy đua tranh cử Tổng thống Liberia, hay như cựu danh thủ Yordan Letchkov đã trở thành Thị trưởng thành phố Sliven ở miền đông nam Bulgaria.

Ngược lại, nhiều chính trị gia cũng rất mê bóng đá và họ sẵn sàng xỏ giày ra sân bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, không như trường hợp các danh thủ bóng đá lao vào chính trường, mơ ước trở thành ngôi sao bóng đá thực thụ của các chính khách là bất khả, ít nhất là do vấn đề tuổi tác.

Những lãnh đạo “say” trái bóng

Nổi tiếng nhất trong số này phải kể đến Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi, ông chủ Câu lạc bộ AC Milan. Mặc dù hiếm khi thấy ông mặc áo xỏ giày tham gia bất cứ trận đấu nào, có thể là do giới hạn của tuổi tác (ông 72 tuổi), nhà lãnh đạo quốc gia hình chiếc ủng luôn lưu tâm theo dõi các trận đấu của đội tuyển quốc gia Ý. Kế đến là các nguyên thủ của đất nước có giải ngoại hạng nổi tiếng, đó là nước Anh. Có tới 3 trong số 4 thủ tướng Anh gần đây đều quan tâm đến môn thể thao vua, trong đó, cựu Thủ tướng Tony Blair đích thực là người hâm mộ cuồng nhiệt của bóng đá. Khi còn là thủ tướng, ông Blair từng tuyên bố một cách tự hào là người hâm mộ “ruột” của đội Newcastle United và không ít lần thử tài đá banh trong các đợt tập huấn hoặc đá phạt trực tiếp khi đến sân vận động.

Ông này cũng nổi tiếng với màn thi tài tâng bóng bằng đầu với cựu huấn luyện viên Newcastle United Kevin Keegan khi mới chân ướt chân ráo dọn vào số 10 phố Downing năm 1997, theo The Times. Tuy nhiên, không nguyên thủ nào bị “bẽ mặt” như trường hợp của Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk. Theo hãng tin AP, hồi đầu năm nay, ngài thủ tướng đã phải xin lỗi trước toàn dân về tội trốn họp quốc hội để đi đá banh. Không cưỡng nổi “cơn ghiền” bóng đá, ông Tusk đã xỏ giày chơi bóng với những người bạn thay vì đến tòa nhà quốc hội chứng kiến một cuộc bỏ phiếu về vấn đề quỹ phúc lợi xã hội tại Hạ viện. Chẳng may hành động này đã lọt vào ống kính của kênh truyền hình tư nhân TVN và chẳng mấy chốc được công chiếu cho bàn dân thiên hạ thấy.

Trong số những nhân vật có tiếng tăm mê bóng đá, có một số ít người bị chính các “thần tượng” ghẻ lạnh. Hãng tin BBC vào năm 2001 đưa tin Câu lạc bộ Arsenal thuộc tứ đại gia của bóng đá Anh đã cấm trùm khủng bố Osama bin Laden khét tiếng của tổ chức al-Qaeda đến sân nhà Highbury xem đội này thi đấu. Lệnh cấm trên đã được đưa ra sau khi có nguồn tin cho hay ông trùm đã trở thành người hâm mộ cuồng nhiệt của đội khi đến London vào thập niên 1990. Báo Scotman cũng dẫn lời Giovanni Di Stefano, Giám đốc Câu lạc bộ Dundee FC, cho hay nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein khi còn sống là người hâm mộ cuồng nhiệt giải bóng đá Scotland và ông này từng có ý định mua một đội bóng tại xứ sở đàn ông mặc váy.

World Cup cho chính khách

Với sức hấp dẫn mãnh liệt, bóng đá từ lâu đã được sử dụng làm một phương thức ngoại giao có tác dụng giúp vượt qua những khác biệt về văn hóa và mang con người lại với nhau. Một trận đấu đẹp, đầy tinh thần thể thao được xem là công cụ chính trị vô cùng quan trọng có thể củng cố quan hệ ngoại giao giữa 2 nước. Trước nỗi đam mê vô bờ bến đối với bóng đá của giới chính khách trên toàn cầu, các nghị sĩ Hàn Quốc đã có sáng kiến lập nên tổ chức tương tự như liên đoàn bóng đá thế giới dành riêng cho các chính khách.

Hồi tháng trước, các nghị sĩ Hàn Quốc và Israel đã có cuộc tranh tài đầy hào hứng trên mặt sân mini ở sân vận động World Cup ở Seoul. Ý tưởng này đã được nảy sinh tại vùng đất xa xôi ở Trung Đông, theo lời giải thích của tân Đại sứ Israel tại Seoul Tuvia Israeli. Khi phái đoàn Quốc hội Hàn Quốc đến Tel Aviv, theo phép lịch sự, đoàn nghị sĩ đến từ quốc gia Đông Á ngỏ lời mời những người đồng nhiệm Israel đến thăm xứ sở nhân sâm vào lần tới. Thế là một thành viên Knesset (Hạ viện Israel) trả lời rằng họ sẽ tới Hàn Quốc với điều kiện các nghị sĩ Hàn cũng chơi bóng đá.

Lời nói bông đùa trên đã gợi lên ý tưởng đầy thú vị đối với đoàn Hàn Quốc. “Điều đó thật hay, chúng tôi có thể có thời gian vui vẻ mà lại biết thêm bạn mới. Tôi phát hiện ngoại giao thể thao là điều hết sức tự nhiên và đầy cuốn hút”, báo Korea Herald dẫn lời nghị sĩ Park Jin của đảng cầm quyền Đại Dân tộc (GNP). Nghị sĩ Park, Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề đối ngoại trong quốc hội, đã biến lời vui vẻ bên bàn họp trở thành sự thật và đang chuẩn bị thành lập Hiệp hội Bóng đá quốc hội thế giới. Tất nhiên, sự kiện “đinh” của tổ chức này chính là giải bóng đá thế giới dành cho thành viên quốc hội. “Chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức những trận đá giao hữu với những quốc gia như Israel và các nước tại châu u, châu Mỹ và châu Á để dần dần tiến đến việc tổ chức giải bóng đá thế giới dành cho giới nghị sĩ”, ông Park nói. Ý tưởng trên nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của phía Israel.

Biết đâu chừng chuyện này có thể tạo ra một tiêu chuẩn mới cho việc lựa chọn các nghị sĩ tương lai.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.