Chính kịch - sao cho hấp dẫn?

22/05/2005 22:39 GMT+7

Đó là câu hỏi đau đầu của nhiều nhà quản lý cũng như nghệ sĩ. Nghệ sĩ Minh Hoàng tâm sự: "Đã làm nghề, ai cũng có khao khát muốn làm nghiêm túc. Nhưng phải nghĩ đến nồi cơm của anh em nữa. Cho nên giải bài toán giữa sự tử tế, chuyên sâu và tính hấp dẫn, thị trường không hề đơn giản. Nhưng không lẽ chúng ta bó tay? Tôi nhất định thử nghiệm một đề tài truyền thống mà không cần tài trợ, cứ quăng nó ra thị trường coi nó có sống nổi không".

Đó là vở Trôi theo dòng đời tại Sân khấu Phú Nhuận. Không ngờ nó đã lấy được nước mắt và tiếng cười cũng như những tràng pháo tay dòn dã của người xem. Cũng có chiến tranh giải phóng Sài Gòn, có bộ đội, có màu áo thanh niên xung phong, có chuyện kinh doanh, lừa đảo... Lồng trong ấy là số phận của những con người, muốn đổi thay, muốn vươn lên. Rất dễ "lên gân". Ấy thế mà vở diễn lại cuốn khán giả đi mải miết... Hình như ai cũng có thể tìm thấy bóng dáng của mình, hoặc ký ức quen thuộc của suốt 30 năm trên mảnh đất này.

"Mỗi đạo diễn phải tìm cho mình cái chìa khóa mở kịch bản. Ngay vấn đề nghiêm túc, căng thẳng tôi cũng muốn diễn giải bằng sự dung dị như củ khoai, củ sắn, còn cái gai góc thì cứ giấu bên trong, khán giả tự tìm ra mới sướng, và lúc đó mình với họ như Bá Nha với Tử Kỳ. Càng làm cho vở mềm mại thì càng thực, khán giả mới tin".
NSƯT Thành Lộc

Đạo diễn Thành Lộc cũng nổi tiếng với Ngôi nhà anh túc (IDECAF), một vở tố cáo xã hội khá gay gắt, từ chuyện ông cán bộ ham danh, mua bán bằng cấp, bà vợ ham lợi, lấn chiếm nhà người, đến việc những kẻ khác thì ham hưởng thụ tình ái, hút sách, tiếng tăm... Càng dễ bị "lên gân". Nhưng Thành Lộc đã dùng thứ ngôn ngữ khác để biểu hiện, biến hiện thực thành một triết lý sâu sắc hơn, mang đậm chất thiền, như anh nói. Vấn đề không phải là phê phán nữa, mà nên hiểu sâu hơn vào bản chất con người luôn dẫy đầy tham - sân - si. Trong con mắt thiền, muốn thấy chuyện lớn thì thành lớn, thấy nó nhỏ thì thành nhỏ. Khán giả "giải mã" được những chi tiết này sẽ thú vị vô cùng.

Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B còn có vở Cõi tình vé bán chạy đến bất ngờ. Không trang hoàng lộng lẫy, cũng chẳng tình tiết gay cấn, mà chỉ có 3 diễn viên gần như... nói suốt. Vậy mà người xem cứ rung động theo từng màn, từng lớp. Phải chăng khi xử lý không gian nhỏ hẹp của nhà hát, nghệ sĩ đã thành công bằng cách tiếp cận khán giả với sự tinh tế của tâm lý, và diễn biến nội tâm được thể hiện với nét diễn thật tài tình, không giả tạo, không cường điệu. Đó chính là ưu điểm của sân khấu nhỏ. Hiểu rõ đặc trưng của không gian thể hiện để chọn kịch bản và cách dàn dựng phù hợp, làm sao không hấp dẫn!

Đó là ba đơn cử thành công nhất hiện nay. Từ đó, tìm ra lời giải của bài toán không đến nỗi quá khó.

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.