Điểm đáng chú ý là thay vì đề xuất giao địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm triển khai 12 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, tại tờ trình lần này Chính phủ đề xuất Bộ GTVT là đầu mối tổ chức thực hiện dự án, trừ các dự án trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có đề xuất riêng.
Chính phủ đề xuất giao Bộ GTVT triển khai các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 thay vì giao cho địa phương như trước đó |
ngọc thắng |
Phạm vi đầu tư dự án được đề xuất gồm các đoạn: Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km). Tổng chiều dài khoảng 729 km đi qua 12 tỉnh, thành phố.
Về quy mô tuyến, Chính phủ cho biết, theo quy hoạch, tuyến cao tốc sẽ có quy mô cơ bản 6 làn xe, khu vực cửa ngõ các trung tâm kinh tế - chính trị lớn quy mô 8 - 10 làn xe, đoạn Cần Thơ - Cà Mau quy mô 4 làn xe.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực nhà nước còn khó khăn, để phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn, đảm bảo hiệu quả đầu tư, Chính phủ kiến nghị đầu tư phân kỳ mặt cắt ngang quy mô 4 làn xe (bề rộng nền đường 17 m), thực hiện giải phóng mặt bằng 1 lần.
Về hình thức đầu tư, Chính phủ vẫn giữ nguyên đề xuất đầu tư toàn bộ 12 dự án thành phần dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025 theo hình thức đầu tư công. Sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước.
Gần 150.000 tỉ đồng vốn đầu tư
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án thành phần khoảng 146.990 tỉ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng và thiết bị khoảng hơn 95.800 tỉ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư khoảng hơn 19.000 tỉ đồng.
Trên cơ sở tiến độ triển khai, giai đoạn 2021 - 2025 cần bố trí khoảng 119.666 tỉ đồng (khoảng 81,4% tổng mức đầu tư), phần còn lại hơn 27.300 tỉ đồng chuyển tiếp bố trí giai đoạn 2026 - 2030.
Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội thông qua, dự kiến bố trí cho dự án khoảng hơn 47.100 tỉ đồng. Số vốn cần bổ sung khoảng gần 72.500 tỉ đồng kiến nghị cân đối từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho các dự án có tác dụng lan tỏa, liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và từ nguồn vốn ngân sách đã bố trí cho ngành giao thông trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025.
Chính phủ cũng đặt ra lộ trình thực hiện dự án gồm: chuẩn bị dự án năm 2021 - 2022; thiết kế kỹ thuật, dự toán và giải phóng mặt bằng tái định cư năm 2022 - 2023; khởi công năm 2023 và cơ bản hoàn thành năm 2025.
Với tiến độ trên, trường hợp không phát sinh các tình huống phức tạp, đến cuối năm 2025 có thể thông xe kỹ thuật toàn bộ các dự án thành phần và đưa vào khai thác một số đoạn tuyến. Còn các đoạn có yêu cầu kỹ thuật phức tạp (xây cầu, hầm lớn, nền đường phải xử lý đất yếu...) sẽ hoàn thành đưa vào khai thác năm 2026.
Bình luận (0)