Chính phủ sẽ chỉ đạo quyết liệt để kiềm chế mức tăng giá cả

25/07/2007 16:48 GMT+7

Trong giờ nghỉ giải lao của buổi họp Quốc hội (QH) sáng ngày 25.7, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh đã trả lời báo chí về tình hình chỉ số giá cả, lạm phát tiếp tục tăng mạnh trong tháng 7.

Thanh Niên: Thưa Bộ trưởng, chỉ số giá cả (CPI) trong tháng 7 đã tăng 0,94%, đưa  CPI của 7 tháng đầu năm đạt tới mức 6,19%, vượt mức nhiều chuyên gia đánh giá về chỉ số CPI của cả năm 2007. Theo Tổng cục Thống kê thì chỉ số CPI trong tháng 8 còn tăng cao hơn. Theo Bộ trưởng, Chính phủ cần làm gì để kiềm chế lạm phát?

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh (ảnh): Sắp tới Chính phủ sẽ quyết liệt trong điều hành cả vĩ mô và vi mô. Về vĩ mô, phải đảm bảo cân đối tiền tệ, tín dụng, ngân sách, hàng hóa để làm sao giữ được giá theo chỉ đạo của QH; trong đó có mấy biện pháp rất quan trọng như điều hòa lãi xuất, tỷ giá, hút nguồn vốn ngoại tệ, phát hành trái phiếu... để làm sao cân đối cung cầu về tiền tệ, tín dụng.

Thanh Niên: Dự báo 6 tháng cuối năm đầu tư gián tiếp, trực tiếp vào Việt Nam rất lớn. Nếu thu hút ngoại tệ vào và đưa tiền đồng ra thì sẽ dẫn đến nguồn cung tiền rất lớn?

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Chính phủ vừa phải thu hút ngoại tệ về để tăng dự trữ, mặt khác phải có những giải pháp như phát hành trái phiếu Chính phủ. Hiện nay trái phiếu Chính phủ đang phát hành rất tốt; đẩy mạnh đầu tư, giải ngân thì sẽ thu hút nguồn vốn đó, đồng thời ngân hàng thực hiện các biện pháp thị trường mở để làm sao điều hòa cân đối tiền tệ trên thị trường, không gây tác động đến giá cả.  

Thanh Niên: Làm thế nào để cân đối giữa điều hành chống lạm phát và tăng trưởng kinh tế, vì mục tiêu QH đề ra là trong 6 tháng cuối năm là phải tăng trưởng kinh tế 9% để đạt mục tiêu 8,5% cho cả năm?

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Chính phủ sẽ áp dụng rất nhiều biện pháp. Ví dụ về đầu tư cho xã hội, hiện chúng ta huy động được ở mức rất cao thông qua cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp. Thị trường hiện đang phát triển tương đối tốt thì điều hòa cung cầu của thị trường cũng là một biện pháp. Điều hòa cung cầu về hàng hóa để không bị thiếu hàng, nếu cần thiết Chính phủ sẽ cho nhập hàng để đảm bảo đáp ứng yêu cầu ngay. Về mặt tiền tệ, như tôi đã nói, phải vừa làm thế nào hút được ngoại tệ vào, đồng thời cũng phải có giải pháp hút tiền đồng. Những biện pháp đó Chính phủ đang thực hiện và 6 tháng vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ.

Thanh Niên: Một trong những nguyên nhân khiến lạm phát tăng là do phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Tới đây giải pháp cụ thể thế nào?

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Về cơ cấu, 6 tháng đầu năm nhập khẩu tương đối lớn, chủ yếu là nguyên vật liệu và các nhiên liệu dùng cho sản xuất. Như vậy, 6 tháng cuối năm chúng ta phải tính toán làm sao cho phù hợp. Đối với giá của nước ngoài, chúng ta cũng điều hành bằng nhiều biện pháp, kết hợp cả với thuế trong nước để làm thế nào giá không tăng đột biến. Ví dụ như xăng dầu, nếu giá quốc tế tăng cao thì chúng ta phải hạ thuế để làm sao kinh doanh xăng dầu trên thị trường trong nước không bị biến động mạnh, không tác động xấu đến sản xuất và tiêu dùng trong nước.

M.Q

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.