Chính phủ tiếp tục thanh tra các đơn vị vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ

02/11/2006 14:15 GMT+7

Chỉ ít ngày sau cuộc thanh tra công ty Daewoo - Hanel, vào ngày 31.10.2006, Thanh tra Bộ Văn hóa - Thông tin phối hợp với Phòng Chống tội phạm công nghệ cao, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Bộ Công an đã tiếp tục tiến hành một cuộc thanh tra đột xuất nằm trong khuôn khổ Chiến dịch xử lý vi phạm bản quyền phần mềm năm 2006 do Chính phủ phát động.

Đợt này các cơ quan chức năng đã phát hiện thêm hai công ty kinh doanh máy tính lớn tại Hà Nội là Công ty Phát triển Tin học IDC có địa chỉ tại 17 Lý Nam Đế, Hà Nội và Công ty tin học SingPC có địa chỉ 5 Quốc Tử Giám, Hà Nội vi phạm nghiêm trọng những quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.

Tại công ty Phát triển Tin học IDC, Đoàn thanh tra liên ngành đã kiểm tra và lập biên bản vi phạm 11 máy tính thương hiệu Mekong Green và 18 chiếc đĩa CD-ROM lậu có chứa các chương trình phần mềm khác nhau và tại Công ty tin học SingPC, đoàn thanh tra liên ngành đã kiểm tra và lập biên bản vi phạm 15 máy tính thương hiệu SingPC được cài đặt sẵn nhiều phần mềm bất hợp pháp để bán cho khách hàng và để sử dụng nội bộ như Microsoft Windows, Microsoft Office, Microsoft FrontPage, Từ điển Lạc Việt, Vietkey, Symantec Norton Antivirus, WinRAR.

Lần thanh tra này, đoàn thanh tra liên ngành đã kiểm tra một số máy tính đang được các nhân viên của công ty sử dụng tại văn phòng làm việc và phát hiện ra các máy tính này cũng được cài đặt nhiều chương trình phần mềm không có bản quyền. 

Kết quả thanh tra cho biết tổng giá trị các phần mềm bất hợp pháp được cài đặt sẵn trên các máy tính nói trên ước tính xấp xỉ 400 triệu đồng. Đặc biệt hơn nữa là, đây là lần thứ 2 công ty SingPC bị thanh tra về vấn đề vi phạm bản quyền phần mềm. Lần đầu tiên, đoàn thanh tra liên ngành đã xử phạt hành chính công ty SingPC là vào tháng 5.2005.

Theo điều 131, tội xâm phạm quyền tác giả, Bộ luật Hình sự, người nào thực hiện một hành vi gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị phạt tiền lên đến hai mươi triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm; những người phạm tội nhiều lần sẽ bị phạt tiền đến một trăm triệu đồng và cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Theo ông Vũ Xuân Thành, Chánh thanh tra Bộ Văn hóa - Thông tin, "Sau đợt thanh tra các doanh nghiệp sử dụng phần mềm vi phạm bản quyền vào đầu tháng 10, đợt kiểm tra này là một trong những hoạt động tiếp theo nằm trong chiến dịch xóa bỏ nạn vi phạm bản quyền phần mềm do Chính phủ khởi xướng, cụ thể là chúng tôi tiếp tục kiểm tra các công ty kinh doanh máy tính có cài đặt các chương trình phần mềm vi phạm bản quyền vào máy tính trước khi bán cho khách hàng. Chủ trương của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan là nhất quán trong việc đẩy mạnh thực thi quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có phần mềm để tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh đồng thời thúc đẩy đầu tư phát triển, thu hút đầu tư nước ngoài và phục vụ cho công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam”.

Mặc dù Việt Nam vẫn bị đánh giá là quốc gia có tỷ lệ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ khá cao, nhưng những nỗ lực gần đây nhất của Chính phủ, đặc biệt trong việc thanh tra các doanh nghiệp kinh doanh máy tính và các doanh nghiệp sử dụng phần mềm không có bản quyền, đã cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong việc đầy lùi và dần xóa bỏ hoàn toàn nạn vi phạm bản quyền và thực hiện đầy đủ những cam kết của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.

H.N.C

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.