Núi còn hoang sơ
Ở núi Dài mùa này trời mưa rúc rắc, đường trơn trượt, xe rất khó chạy. Con đường vừa mới xây xong với chiều ngang hơn 1 m, dài khoảng 3.500 m ngoằn ngoèo, uốn lượn lên tận đỉnh, có chỗ còn bỏ trống dở dang. Từ dưới chân núi lên ô Sìn nhà cửa rất ít, chủ yếu là những lán trại nhỏ của sơn dân dùng để giữ vườn.
|
Gia đình ông Lê Công Tảo (50 tuổi) là một trong những chủ vườn canh tác hiệu quả và cho huê lợi cao nhất trên ô Sìn. Ông Tảo quê gốc ở thị trấn Ba Chúc, lên ô Sìn lập vườn đã hơn 30 năm. Hiện tại ông có khu vườn khoảng 5 ha trồng những loại cây ăn trái có giá trị cao như: măng cụt, sầu riêng, bưởi da xanh, quýt. Ông Tảo cho biết: “Sau giải phóng, tôi lên ô Sìn khai khẩn. Hồi ấy, chủ yếu trồng vườn tạp xen canh dưới tán rừng nên huê lợi rất thấp. Đến mùa khô thì gặp hỏa hoạn thiêu rụi hoàn toàn cây ăn trái. Đến năm 1996, chương trình trồng rừng phòng hộ phủ xanh đất trống đồi núi trọc của Chính phủ được triển khai nên tôi trồng keo, sao xen canh cây ăn quả. Sau này, tôi mới quyết định đào ô tích trữ nước quanh năm để tưới vườn và chữa lửa…”.
Cũng theo lời ông Tảo, khoảng năm 1992, gia đình ông trồng su. Vào đợt thu hoạch, mỗi ngày thuê người gánh khoảng 500 kg su xuống núi bán, trừ hết chi phí lời hơn 200.000 đồng/ngày. Để vườn cho huê lợi cao, điều quan trọng là phải canh giữ không cho thú rừng đến ủi, phá. “Sợ nhất là heo và khỉ, hai loài này phá phách dữ lắm. Thậm chí heo rừng còn xuất hiện nhan nhản ban ngày, sẵn sàng ủi lật tung từng gốc su. Có được thành quả như ngày hôm nay, chúng tôi phải đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức”, ông Tảo nói.
|
Mở ra triển vọng
Chỉ tay về con đường xây chưa hoàn chỉnh, ông Tảo kể: “Ngày trước đường lên ô Sìn hiểm trở, phải đi bộ, chủ yếu vạch cây rừng mà đi. Xung quanh khu vực này chỉ có vài hộ, ban ngày họ lên giữ vườn, trời sụp tối là nhanh chân xuống núi, chứ không dám ở lại. Điều kiện sống trên núi Dài khắc nghiệt nên không ai chịu ở. Mỗi lần thu hoạch cây ăn trái, mướn người gánh xuống đồng bằng vừa mất thời gian vừa tốn chi phí cao. Sau đó, có mấy anh em ở Chợ Mới lên đây sang đất trồng dó bầu, thấy đường sá đi lại khó khăn, họ bàn chuyện xây đường và được bà con ở đây ủng hộ”.
Biết mọi người trồng vườn trên ô Sìn đều chung ước nguyện là có con đường lên núi, ông Tảo đứng ra làm “chủ xị” vận động kinh phí. Hộ nào có đất, có vườn trên núi cũng ủng hộ nhiệt tình. “Nhóm của anh Đức tiếp tôi đi vận động từng nhà, người góp công, người góp của. Con đường được xây dựng băng qua hàng loạt khu vườn của sơn dân trên núi, ai nấy cũng vui mừng bởi từ nay không còn phải đi bộ lên núi nữa. Hiện tại, chúng tôi vận động được khoảng 120 triệu đồng, có bao nhiêu là tranh thủ mua cát, đá, xi măng về xây đường bấy nhiêu”, ông Tảo nói.
Đường lên ô Sìn không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người trồng vườn mà còn mở ra triển vọng làm du lịch sinh thái. Ông Ba Châu, người sống nhiều năm ở ô Sìn giải thích: “Trước đây chưa có đường, phải tổn chi phí gánh hàng xuống núi 2.000 đồng/kg, bây giờ chỉ tổn khoảng 1.000 đồng/kg. Như vậy nhiều hộ ở ô Sìn trồng 5 - 10 ha vườn thì mỗi năm tiết kiệm được chi phí vận chuyển hàng chục triệu đồng. Hơn nữa khu vực ô Sìn có diện tích hơn 200 ha, khí hậu quanh năm mát mẻ, nếu làm du lịch thì ngon lành”.
Chau Som Senh
Bình luận (0)