Một trong những điểm chung nhất thể hiện qua các ý kiến tại hội thảo, đó là mô hình tổ chức bộ máy chính quyền quản lý thành phố (TP) hiện hành tỏ ra bất cập trên nhiều mặt, không phù hợp với xã hội đô thị, dẫn đến một loạt các mâu thuẫn khá gay gắt trong quản lý đô thị (QLĐT): cơ sở hạ tầng quá tải, ô nhiễm môi trường ngày càng nặng, trình độ bộ máy quản lý chưa tương xứng...
Một mô hình tổ chức bộ máy CQĐT mới, hiện đại là cần thiết cho sự phát triển TP. Nhưng mô hình CQĐT mới sẽ như thế nào? Tiến sĩ Nguyễn Đăng Sơn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng cho rằng, hiện chính quyền cả 3 cấp TP, quận (huyện), phường (xã) đều có UBND và HĐND như nhau, dẫn đến việc giải quyết công vụ cho dân chậm trễ, trì trệ. Tiến sĩ Sơn đề nghị chỉ ở cấp TP mới có đủ HĐND và UBND; còn cấp quận, phường chỉ có UBND, không tổ chức HĐND, và chỉ là "cấp quản lý hành chính".
Theo mô hình này, UBND quận sẽ được giao nhiều quyền hơn và trở thành đơn vị hành chính cơ bản của TP; phường chỉ là "cánh tay nối dài của quận", có nhiệm vụ như một văn phòng, phục vụ trực tiếp những vấn đề gắn liền với nhân dân như thủ tục hành chính, hộ tịch, công chứng, thi hành án dân sự...
Thạc sĩ Lê Thị Mỹ Hà, Viện Nghiên cứu xã hội TP.HCM, không chỉ đồng tình với việc bỏ HĐND cấp quận, phường mà còn đề xuất bỏ luôn chính quyền cấp quận, chỉ còn cấp TP và cấp phường. Thạc sĩ Hà cũng cho rằng TP cần có một thị trưởng là người đứng đầu bộ máy hành chính, điều hành toàn bộ sự vận động của TP và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Giúp việc cho thị trưởng có các phó thị trưởng và hội đồng cố vấn chính sách, hệ thống các cơ quan chuyên môn tổ chức theo ngành dọc đến tận đơn vị cơ sở... Thị trưởng và những người đứng đầu các cơ quan chuyên môn có thể bị miễn nhiệm hoặc bất tín nhiệm qua các cuộc thăm dò dư luận xã hội theo đúng luật...
Từ kinh nghiệm thực tiễn, ông Võ Công Thành, đại biểu HĐND Q.8, cũng đồng tình với việc bỏ HĐND cấp quận, phường vì "hoạt động hiệu quả không cao". Theo ông Thành, một HĐND quận có đến 40 người, nhưng chỉ có vài người chuyên trách, còn những người khác rất ít dành thời gian cho công việc của HĐND. Ông Thành cũng đề xuất thêm nhiều đại biểu chuyên trách ở HĐND cấp TP, ít nhất là 60% tổng số, để nâng cao tính hiệu quả.
Đội ngũ cán bộ hành chính hiện nay, theo ông Nguyễn Trung Thông, Phó ban Cải cách hành chính TP, thì có trình độ học vấn không phải thấp: 65% có 1 bằng đại học, 20% có trình độ trung cấp - cao đẳng, 5% trên đại học... nhưng kỹ năng tác nghiệp lại chưa cao, phải đào tạo thêm, nhất là cán bộ cấp cơ sở.
Vai trò của người dân cũng được đề cập trong việc xây dựng CQĐT hiện đại. Nhiều ý kiến cho rằng CQĐT hiện đại là "nhà nước thu nhỏ lại, tư nhân phình ra", Nhà nước chỉ làm chức năng quản lý, đề ra chính sách hợp lý, còn huy động người dân tham gia phát triển TP; xây dựng trong người dân thói quen ứng xử đô thị, tuân thủ luật pháp triệt để...
Hơn thế, theo đại biểu Nguyễn Minh An, Viện nghiên cứu xã hội TP.HCM, cần phát huy vai trò người dân trong phản biện, giám sát và đóng góp vào hoạt động của CQĐT... "Trên các báo hiện nay đều có đường dây nóng để kịp thời nhận các phản ánh bức xúc của người dân, như Từ thư bạn đọc (Sài Gòn Giải Phóng), Bạn đọc viết (Tuổi Trẻ), Ý kiến (Thanh Niên), Diễn đàn (Người Lao Động)... Báo Thanh Niên mở diễn đàn "Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ?" từ ngày 27.3 đến 30.6.2006 thu hút hàng vạn ý kiến của bạn đọc trong và ngoài nước, thể hiện tâm huyết, sự trăn trở của người dân VN mong muốn đất nước ngày càng hùng mạnh... Từ diễn đàn trên, Báo Thanh Niên đã cùng với các đơn vị kinh tế, các doanh nhân, nhà khoa học, nhà giáo dục tâm huyết trong và ngoài nước thành lập "Quỹ đào tạo nhân tài nước Việt" ra mắt ngày 5.8.2006 với đóng góp ban đầu gần 6 tỉ đồng..." - đại biểu An minh chứng về đóng góp của người dân.
Đức Trung
Bình luận (0)