Chính quyền quân sự Thái Lan củng cố quyền lực

21/09/2006 23:52 GMT+7

Hôm qua, chính quyền quân sự Thái Lan do tướng Sondhi Boonyaratkalin đứng đầu tiếp tục củng cố quyền lực sau cuộc đảo chính đêm 19.9. Trong khi đó, Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra đang hướng tới việc lập chính phủ lưu vong.

Phanh phui tham nhũng dưới thời Thaksin

Chính quyền Sondhi hôm qua tuyên bố họ đang tạm giữ 4 thành viên hàng đầu của nội các Thaksin “nhằm đảm bảo cho tình hình nhanh chóng trở lại bình thường”. Chánh văn phòng Thủ tướng Newin Chidchob và Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường Yongyuth Tyapairat tự nộp mình cho chính quyền quân sự hôm qua, trong khi Phó thủ tướng Chidchai Vanasathidya và Tổng thư ký nội các Prommin Lertsuridej bị bắt giữ trước đó. Báo The Nation (Thái Lan) cùng ngày đã công bố danh sách 100 người gồm chính khách, doanh nhân và những người gần gũi với ông Thaksin đang "bị theo dõi" và có thể bị chính quyền quân sự điều tra.

Chính quyền Sondhi đã giao cho người đứng đầu Cơ quan kiểm toán quốc gia, bà Jaruvan Maintaka, điều tra hành vi tham nhũng của chính phủ Thaksin. Trước đây, bà Jaruvan là một trong số ít quan chức có nỗ lực phanh phui tham nhũng trong chính quyền Thaksin và nhờ được hoàng gia hậu thuẫn mới không bị mất chức. Các nhà phân tích cho rằng chứng minh được hành vi tham nhũng của ông Thaksin sẽ hợp pháp hóa cuộc đảo chính.

Hôm qua, chính quyền quân sự cũng ra lệnh cấm các đảng phái hội họp và cấm thành lập đảng mới. Họ cũng đảm nhận các chức năng và quyền hạn của quốc hội, bị giải tán sau khi phe đảo chính bãi bỏ hiến pháp.

Cuộc đảo chính do Sondhi chỉ huy được Quốc vương và nhiều người dân Thái ủng hộ như một cách giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị. Tuy nhiên, phe đối lập hôm qua đã kêu gọi chính quyền quân sự tổ chức bầu cử trong vòng 6 tháng, thay vì 1 năm như đã thông báo. Cộng đồng quốc tế cũng tiếp tục lên tiếng. Mỹ coi việc phế truất ông Thaksin là "bước thụt lùi về dân chủ" và cảnh báo viện trợ, hợp tác quân sự và các quan hệ thương mại giữa hai nước có thể bị ảnh hưởng.

Ông Thaksin lập chính phủ lưu vong?

Hôm qua, chiếc máy bay của hãng hàng không Thai Airways mà ông Thaksin đáp sang New York (Mỹ) đã bị buộc phải hạ cánh xuống sân bay quân sự tại Bangkok thay vì xuống một sân bay thương mại. Lính đặc nhiệm đã lục soát máy bay, hành động được một trợ lý của ông Thaksin mô tả là nhằm đảm bảo cựu lãnh đạo Thái Lan không "lẻn" về nước. Khoảng 20 nhà báo và quan chức cấp thấp của chính phủ Thaksin có mặt trên máy bay nhưng không có Ngoại trưởng Kantathi Suphamongkhon và người phát ngôn chính phủ Surapong Suebwonglee. Ông Kantathi được cho là đã sang Paris (Pháp), nơi ông có một căn hộ, còn ông Surapong thì ở lại New York. Theo Tân Hoa xã, cựu Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Somkid Jatusripitak đã trở về Bangkok vào hôm qua sau chuyến công tác ở Paris.

Về ông Thaksin, theo AP, nhà cựu lãnh đạo Thái Lan phát biểu khi đến London rằng “sẽ nghỉ ngơi, tập trung vào công việc từ thiện”. Ông cũng kêu gọi giới quân sự Thái Lan nhanh chóng thu xếp cuộc bầu cử mới, tuy nhiên ông không cho biết ông có định về nước hay không. Trong khi đó, Báo Daily Mail (Anh) dẫn lời các quan chức Anh cho biết ông Thaksin đã đạt được một thỏa thuận ngầm với chính quyền quân sự ở Bangkok rằng ông sẽ ở London cùng với gia đình cho đến lúc tình hình trong nước "hạ nhiệt". Thỏa thuận này có thể thay đổi nếu ông Thaksin toan tính gầy dựng lại quyền lực. Theo Hãng tin Reuters, những người am hiểu chính trị ở Thái Lan cho biết ông Thaksin không phải là người "thích thua cuộc". Sự ủng hộ dành cho ông và đảng Thai Rak Thai vẫn rất sâu sắc tại khu vực nông thôn. Cũng theo Báo Daily Mail, ông Thaksin đang tiến hành những bước đầu tiên để lập chính phủ lưu vong.

T.Q

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.