Lạm phát là sự gia tăng mức giá chung của toàn nền kinh tế trong một khoảng thời gian nhất định. Ở một số thời điểm trong ngắn hạn, giá tăng có thể do cầu kéo khi tổng cầu trong nền kinh tế gia tăng kéo theo giá cả gia tăng; hoặc chi phí đẩy khi cung sụt giảm đột ngột hay giá các yếu tố đầu vào nhập khẩu tăng lên. Tuy nhiên, khi mức giá cứ liên tục tăng cao trong nhiều năm, trong khi giá cả ở các nước chung quanh (có độ mở tương tự, thậm chí là cao hơn) luôn được giữ ổn định, thì thủ phạm chính của lạm phát là do yếu tố tiền tệ của bản thân nền kinh tế đó chứ không phải do các yếu tố bên ngoài.
Hiểu một cách đơn giản, có quá nhiều tiền được bơm vào nền kinh tế làm cho tốc độ tăng của nó cao hơn mức gia tăng của hàng hóa và gây ra lạm phát. Điều này có thể thấy rất rõ ở Trung Quốc trong thời gian qua. Khi nước này triển khai gói kích thích kinh tế, một lượng tiền lớn đã được bơm vào nền kinh tế vào năm 2009 làm cho mức tăng cung tiền lên đến 28,4%, cao hơn rất nhiều so với mức tăng bình quân 16,7% của 10 năm trước đó. Kết quả là Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát cao cho dù tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn trên 10%, và họ đã phải chuyển từ chính sách nới lỏng tiền tệ vừa phải sang thắt chặt tiền tệ cẩn trọng. VN chắc hẳn không phải là một ngoại lệ của lạm phát.
Để giảm lạm phát, hoặc giảm bớt lượng tiền đang lưu thông, hoặc tăng lượng hàng hóa, hoặc cả hai nhằm làm cho quan hệ hàng - tiền trở nên cân đối hơn. Biện pháp thứ nhất thường được thực hiện trong ngắn hạn. Với vai trò là người in tiền duy nhất, ngân hàng trung ương (NHT.Ư) sẽ sử dụng các nghiệp vụ để thu bớt tiền đã phát hành về. Hệ quả tức thời là LS sẽ gia tăng do cung tiền giảm. Trên thực tế, khi chúng ta hay nghe NHT.Ư nước nào đó cắt giảm hay tăng LS thì bản chất của nó là tiền sẽ được bơm thêm hay rút bớt ra khỏi nền kinh tế.
Từ phân tích trên cho thấy, để LS giảm thì chỉ có cách bơm thêm tiền vào nền kinh tế và hậu quả của nó là lạm phát sẽ trầm trọng hơn.
Câu chuyện chưa dừng lại ở động thái rút tiền mà cần xem xét tổng thể hơn. Nếu tiền được rút về cất trong kho của NHT.Ư thì lượng tiền trong nền kinh tế sẽ giảm và áp lực tăng giá cũng giảm theo. Ngược lại, nếu tiền được rút từ hệ thống NH lại đem cho chính phủ vay để chi tiêu thì lượng tiền trong nền kinh tế không giảm, trong khi lượng hàng hóa sẽ giảm đi do đầu tư công thường kém hiệu quả hơn đầu tư của các doanh nghiệp. Lúc này lạm phát sẽ trầm trọng hơn.
Để chống lạm phát, trong ngắn hạn phải đồng thời áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ và chi tiêu ngân sách một cách nhất quán. Trong dài hạn cần có cơ chế để sao cho đồng vốn được phân bổ hiệu quả nhằm tạo ra giá trị gia tăng cao nhất cho nền kinh tế.
Tóm lại, chính sách tiền tệ hợp lý hiện nay là làm LS tăng chứ không phải ngược lại. Lập luận giảm LS thoạt nhìn thì có vẻ hợp lý, nhưng bản chất là sai đối với cả nền kinh tế.
Huỳnh Thế Du
Bình luận (0)