Chỉnh sửa sách giáo khoa Cánh Diều: Không ai muốn mua 'áo mới' phải mặc 'áo sửa'

18/11/2020 08:13 GMT+7

Đó là ví von của ông Trịnh Ngọc Thạch, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục , Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khi nói về 'Điều chỉnh và bổ sung ngữ liệu sách giáo khoa tiếng Việt 1' (sách Cánh Diều).

Sách Cánh Diều chiếm thị phần lớn nhất trong số 5 cuốn sách giáo khoa (SGK) tiếng Việt lớp 1 được phê duyệt, dù là nhà trường lựa chọn nhưng phụ huynh chính là người phải bỏ tiền ra mua sách cho con mình với giá thành như tất cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác.
Tuy nhiên, khi xảy ra bức xúc về nội dung cuốn sách, khi Bộ GD-ĐT kết luận cần phải chỉnh sửa thì đơn vị biên soạn, phát hành SGK này chưa có bất cứ động thái nào xin lỗi chính thức hay có phương án bồi thường cho người mua và sử dụng sản phẩm lỗi.
Một phụ huynh có con học trường tiểu học tại Q.Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết: “Gần hết một học kỳ từ khi con vào lớp 1, nhưng phụ huynh không biết hỏi ai về việc con chúng tôi sẽ tiếp tục học cuốn sách này thế nào. Phụ huynh có con học lớp 1 hoang mang hỏi nhau vậy thì chỉnh sửa, thu hồi hay bồi thường ra sao? Với những mặt hàng không quan trọng như SGK nhưng mỗi khi một sản phẩm kém chất lượng thì người mua có quyền mang trả lại, đổi sản phẩm khác kèm lời xin lỗi của người bán hàng nhưng SGK tại sao lại không?”.
Ông Trịnh Ngọc Thạch, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng sách phải thay đến 11 bài chưa kể một loạt từ ngữ thì không thể nói là sai sót nhỏ và khi sửa sẽ ảnh hưởng rất lớn. Ví như khi ta bỏ tiền đi mua một cái áo mới nhưng lại không mặc được mà phải sửa rất nhiều thì không ai muốn mặc nữa mà muốn trả lại để mua áo khác phù hợp hơn.
Ông Thạch cũng chia sẻ phương án bỏ đi thay mới sẽ gây thiệt hại lớn cho đơn vị sản xuất cả về kinh phí và uy tín nhưng phải đặt quyền lợi của người dùng, ở đây là học sinh lên trên hết. Nếu Bộ GD-ĐT và các nhà khoa học thấy vẫn có thể sửa được thì phải làm hết sức bài bản, nghiêm túc. Bộ GD-ĐT phải chọn ra một hội đồng thẩm định mới, độc lập với hội đồng thẩm định cũ. Hội đồng này phải có đủ uy tín, kinh nghiệm dạy lớp 1; công tâm và khách quan để đại diện cho Bộ GD-ĐT, cho quyền lợi của người dân, tiến hành thẩm định tài liệu chỉnh sửa này.
Ông Thạch cho rằng, khi đã có một hội đồng thẩm định như vậy thì quyết định quan trọng nhất sẽ thuộc về hội đồng thẩm định. “Trong trường hợp xấu nhất hội đồng thẩm định đề nghị phải dừng sử dụng cuốn sách này vì không thể sửa được thì Bộ GD-ĐT cũng phải tôn trọng quyết định ấy”, ông Thạch nói.
Nhiều ý kiến băn khoăn không rõ khi sử dụng tài liệu chỉnh sửa này thì học sinh lớp 1 sẽ phải làm thế nào để có thể đáp ứng được yêu cầu của người lớn, học sinh sẽ phải tự đối chiếu để xem đến bài này thì lại chuyển sang phần tài liệu chỉnh sửa được phát để đọc, để thay từ ngữ hay sao?
Có con học lớp 1 tại Trường tiểu học Lê Văn Thọ (Q.12, TP.HCM), chị Kim Cương cho biết rất đau đầu với bộ sách mới của con vì không biết phải hướng dẫn, kèm con học thêm tại nhà thế nào. Ngoài việc sách có nhiều câu, từ khó hiểu thì chị cũng không biết nên sử dụng ngữ liệu thay đổi thế nào cho phù hợp. Tương tự, cũng có con học theo bộ sách Cánh Diều, chị Nguyễn Thu Hà (ngụ Q.4, TP.HCM) cho biết bản thân cũng không hiểu phần tài liệu bổ sung sẽ được sử dụng ra sao.
Hiện con chị Hà đã học đến bài 53, nếu theo tài liệu bổ sung mới thì bài Quạ và chó đã được thay thế bằng bài đọc Phố Thợ nhuộm nhưng khi hỏi con thì được biết hiện các con vẫn được GV dạy theo bài Quạ và chó. “Như vậy, tài liệu bổ sung này sẽ được sử dụng thế nào, khi nào sẽ được áp dụng và học sinh có phải thay đổi bài học không, hay tùy thuộc vào giáo viên?”, phụ huynh này băn khoăn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.