Ba đối tượng phạm pháp hình sự đang điều trị tâm thần bắt buộc tại Viện Pháp y tâm thần T.Ư Phân viện phía nam (Bộ Y tế) đã cưa song sắt bỏ trốn vào rạng sáng 22.11.
Bệnh nhân Võ Văn Út tường thuật lại khá chi tiết về hành động bỏ trốn - Ảnh: Lê Lâm
|
Ngày 26.11, bác sĩ Bùi Thế Hùng - Phó viện trưởng Viện Pháp y tâm thần T.Ư Phân viện phía nam (đóng tại TP.Biên Hòa, Đồng Nai), xác nhận 3 bệnh nhân bỏ trốn là Đặng Ngọc Liêm (34 tuổi, ngụ Đồng Nai), Nguyễn Giang Anh (26 tuổi, ngụ Bạc Liêu) và Võ Văn Út (32 tuổi, ngụ Long An). Đến chiều 25.11, Út bị Công an H.Cần Đước (Long An) bắt giữ và giao Bệnh viện Tâm thần T.Ư 2.
Cưa đứt 11 thanh sắt phi 10
Theo hồ sơ, Liêm bị Cơ quan CSĐT Công an TP.Biên Hòa khởi tố vào tháng 10.2014 về tội “trộm cắp tài sản”. Còn Út, thì cách đây 4 năm đã ra tay giết chết chính mẹ ruột của mình và sau đó bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Long khởi tố về tội “giết người”. Riêng Giang Anh bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu khởi tố tháng 6.2014 về 3 tội “giết người”, “hiếp dâm” và “cướp tài sản”. Quá trình điều tra, cả 3 bị can có kết luận bị bệnh tâm thần nên được tạm đình chỉ điều tra để chữa bệnh bắt buộc theo luật định.
Tường trình với cán bộ bệnh viện cũng như khi tiếp xúc với PV, Võ Văn Út cho rằng chính Liêm là người cưa những thanh sắt trên cửa thông gió. Lúc Liêm chuẩn bị thoát ra ngoài, tình cờ Út và Giang Anh tỉnh dậy phát hiện nên cả hai cùng trốn theo, “chứ trước đó không ai rủ rê, lôi kéo”.
Tuy nhiên, lãnh đạo bệnh viện cho rằng Liêm không thể cưa gãy những thanh sắt trong một đêm, mà phải thực hiện mất nhiều đêm liền vì ô cửa thông gió (dài 1,2 m, cao 0,6 m) được chắn đến 11 thanh sắt phi 10. Ngoài ra, ô cửa thông gió cách mặt đất 2,5 m nên Liêm phải đứng trên thành giường để hành động.
Lý giải về lưỡi cưa mà Liêm có để thực hiện hành vi bỏ trốn, bác sĩ Hùng khẳng định: “Chắc chắn là người nhà đưa vào nhưng không biết là thời gian nào. Theo quy chế thăm nuôi, tất cả đồ dùng mang vào đều phải qua kiểm tra, nhưng đối với người đi thăm nuôi lại được miễn. Vào ngày 14 và 20.11, người nhà của Liêm vào thăm nuôi, có thể họ giấu lưỡi cưa trong người rồi lợi dụng lúc nhân viên sơ hở, không để ý tuồn vào cho Liêm”.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, để phòng ngừa các trường hợp bỏ trốn tương tự, bác sĩ Hùng đã chỉ đạo xây bít cửa thông gió, đồng thời xem xét lắp camera ở khu vực thăm nuôi.
Nguyễn Giang Anh khi bị bắt tại Cơ quan CSĐT Công an Bạc Liêu - Ảnh: công an cung cấp
|
Đón xe ôm về nhà...
Cũng theo lời Út, để trốn được ra ngoài, cả ba đã dùng mền, mùng đu lên cửa thông gió chui ra, rồi trèo qua tường rào cao 2 m đi bộ ra đường. Út đón xe ôm về nhà (H.Cần Đước), đến nơi thì kêu người nhà trả tiền 200.000 đồng, còn Giang Anh và Liêm đi đâu không rõ.
Giải thích về hành động của Út bị tâm thần mà biết đón xe về đến nhà, bác sĩ Nguyễn Thành Công - Trưởng khoa Bắt buộc chữa bệnh, trả lời: “Vì sao Út đón xe ôm về được đến nhà chúng tôi không rõ, nhưng chắc chắn vì tâm thần nên Út mới chạy về nhà, quanh quẩn ở đó gần một ngày rồi bị công an bắt. Chứ nếu không tâm thần hoặc tâm thần nhẹ thì Út đã bỏ trốn, khó mà bắt được”.
Vị trí ô cửa thông gió ba bệnh nhân trốn thoát ra ngoài (đã được xây bít lại) - Ảnh: Lê Lâm
|
Bác sĩ Công nói tiếp: “Trước đó, chúng tôi đã suy đoán lộ trình bỏ trốn của ba đối tượng này có thể trở về nhà nên thông báo đến công an các địa phương đón lõng. Đối tượng Giang Anh do có nhiều địa chỉ nên không biết về chỗ nào, hai nhân viên vẫn đang còn dưới Kiên Giang để tìm Giang Anh. Riêng Liêm, do tinh thần tương đối tỉnh táo nên khi thoát ra ngoài chắc chắc rất khôn khéo, không về nhà, mà bản thân gia đình lại hỗ trợ cho đối tượng nên rất khó bắt giữ”.
Tâm thần phân liệt, chậm phát triển, rối loạn kích thích...
Trả lời câu hỏi “Liệu 3 người này giả bị bệnh tâm thần để khi được vào bệnh viện chữa trị thì tìm cách bỏ trốn?”, bác sĩ Hùng nói: “Làm gì có chuyện đó. Khi mới nhập viện, cả ba đều có biểu hiện tâm thần. Do sử dụng ma túy trước đó quá liều nên Liêm bị rối loạn tâm thần. Nặng nhất là Út và Giang Anh. Út được xác định bị tâm thần phân liệt. Còn Giang Anh được xác định bị chậm phát triển, rối loạn kích thích với phản ứng hỗn hợp, lo âu, trầm cảm, điều trị gần 1 năm nay. Sau một thời gian điều trị, thì Liêm phục hồi nhanh nhất, do uống thuốc và tránh xa ma túy nên tỉnh táo trở lại, tinh thần ổn định, thông minh, tinh ranh hơn những người khác”.
|
Bình luận (0)