Bí ẩn “mực xé khô” từ bên kia biên giới

01/11/2010 23:36 GMT+7

Kết quả xét nghiệm mẫu mực xé khô tại Hải Phòng không tìm thấy xenluloza nhưng thành phần dinh dưỡng chỉ bằng một nửa so với tiêu chuẩn. Chất liệu làm nên mực xé khô vẫn là một... bí ẩn.


Kết quả giám định mực xé khô: Thành phần protein và lipit thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn

Theo Bảng thành phần các loại thực phẩm VN của Bộ Y tế, trong đó có nêu thành phần dinh dưỡng của sản phẩm mực khô gồm: Trong 100g mực khô có hàm lượng tro 6,7g; hàm lượng protein 60,1g; hàm lượng lipit 4,5g. Trong mực khô không có xenluloza và không có màu kiềm.

Trong khi đó, kết quả giám định mực xé khô, lấy mẫu từ Đội 1, Chi cục quản lý thị trường (QLTT) TP Hải Phòng (mẫu lấy ngày 29.4.2010), Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, Bộ Y tế cho kết quả: Trong 100g mẫu, không phát hiện thấy phẩm màu kiềm và xenluloza nhưng hàm lượng tro chỉ có 5,83 g; hàm lượng protein chỉ có 33,39g (bằng 55,55% tiêu chuẩn); hàm lượng lipit chỉ có 0,75g (chỉ bằng 16,66% tiêu chuẩn).

Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, hôm qua, ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bộ Y tế cho biết, khi Báo Thanh Niên nêu hiện tượng ở Hải Phòng, Cục đã cho  kiểm tra lại các kết quả xét nghiệm, cho thấy chưa có kết quả nào khẳng định mực làm từ nguyên liệu là nhựa hay cao su. “Hàm lượng dinh dưỡng không đạt tiêu chuẩn chất lượng trong mẫu như báo nêu có thể do quá trình bảo quản dài ngày nên chất lượng giảm sút”, ông Khẩn giả thiết.

Về nghi ngờ mực khô làm từ nguyên liệu nào khác như sợi xenluloza, khi đốt có mùi khét như vải may quần áo, được ông Khẩn giải thích: "Chúng tôi cũng có tìm chỉ tiêu xác định mực "nhân tạo" nhưng đến thời điểm này chưa thấy các bằng chứng".

Biện pháp vẫn là khuyến cáo người dân tự tránh!

Ông Nguyễn Bình Minh, Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hải Phòng cho biết, chủ yếu loại mực xé khô được trung chuyển qua Hải Phòng rồi đưa về các tỉnh miền Trung. Còn theo một lãnh đạo cấp đội của Chi cục QLTT thì vụ lực lượng QLTT kiểm tra phát hiện hơn 1 tấn mực xé khô vừa rồi cũng là khi chủ hàng đang cho tập kết hàng lên xe ô tô khách mang biển kiểm soát Nghệ An, vận chuyển vào tỉnh này. Tại Hải Phòng, loại mực xé khô trên khi vận chuyển về từ bên kia biên giới, chủ yếu được chủ hàng đưa về tiêu thụ tại các chợ cóc, chợ quê. Theo vị này, cơ quan quản lý rất khó phát hiện và xử lý mặt hàng này, biện pháp chủ yếu vẫn là tuyên truyền để người dân biết, chủ động phòng tránh (?).

Thông tin nghi ngờ về mực "cao su" đã dấy lên từ hồi đầu tháng 4.2010. Báo Thanh Niên đã có nhiều bài phản ánh. Cục ATVSTP sau đó có thông báo cho biết, qua xét nghiệm các mẫu đều không phát hiện sự hiện diện của phẩm màu công nghiệp; các chỉ số về vi sinh và hóa học đều đạt tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế.

Dẫu vậy, nghi ngờ của dư luận về mực “cao su” cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng.

Hà Nội bày bán nhiều mực xé khô…

Tại Hà Nội, không khó khi muốn mua mực xé khô giống loại của Chi cục QLTT Hải Phòng bắt giữ. Ở chợ Đồng Xuân, hầu như quầy bán đồ khô nào cũng có loại mực xé khô sẵn. Mực được đóng trong các túi nylon cột bằng dây thun. Dấu hiệu duy nhất để nhận ra đó là dòng chữ “mực xé”, “mực xé ăn liền” dán ngoài túi nylon. Giá của mỗi kg mực xé ăn liền như thế này dao động từ 190.000 - 250.000 đồng/kg.

Trong khi, giá các loại mực nguyên con bán tại chợ Đồng Xuân đều có giá thấp nhất không dưới 300.000 đồng/kg, cao nhất có khi lên đến 500.000 đồng/kg, thì mức giá rẻ đến khó tin của loại mực xé ăn liền là một câu hỏi cần có lời giải đáp từ cơ quan chức năng.   

Trần Đan

Hải Sâm - Liên Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.