Từ ngày 21.3, Bộ Tài chính áp mức thuế nhập khẩu để tính giá cơ sở là bình quân gia quyền các mức thuế nhập ưu đãi theo thực tế nhập khẩu hàng quý, lấy số liệu quý trước tính cho quý sau. Hiện mức thuế nhập khẩu đang áp dụng để tính giá cơ sở là 18,35% đối với xăng, 2,32% đối với diesel và 0% đối với dầu hỏa và dầu mazút.
|
Tại văn bản hỏa tốc vừa gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính đã bác bỏ quan điểm này. Theo Bộ Tài chính, thuế nhập khẩu chỉ là một trong các yếu tố cấu thành giá cơ sở, mà mức thuế suất để tính thuế nhập khẩu ổn định theo quý (lấy quý trước tính cho quý sau) cũng tương tự như việc lấy theo bất kỳ một mức thuế nhập khẩu nào, ví dụ như thuế nhập khẩu ưu đãi hay thuế nhập khẩu đặc biệt.
Thế nhưng, chuyên gia Ngô Trí Long lại cho rằng việc giá cơ sở được tính theo chu kỳ 15 ngày song mức thuế suất tính thuế nhập khẩu bình quân gia quyền theo quý, tức có độ trễ gấp 6 lần là bất cập, không theo kịp tín hiệu thị trường. Nhìn vào bảng số liệu mà cơ quan điều hành xăng dầu công bố khi điều hành xăng dầu ngày 5.4.2016 (chu kỳ điều chỉnh tiếp sau thời điểm áp dụng cách tính thuế mới) sẽ thấy ngay bất cập này. Cụ thể, bình quân giá dầu diesel 0,05S từ ngày 21.3 - 4.4 là 45,68 USD/thùng. Theo tính toán của liên bộ Tài chính - Công thương, con số này thấp hơn bình quân chu kỳ trước đó 0,17 USD/thùng. Trong trường hợp này, đáng lẽ giá bán lẻ dầu diesel trong nước đã có cơ hội để hạ giá. Thế nhưng, do thay đổi mức thuế gia quyền bình quân khiến thuế nhập khẩu dầu đang từ 0,6% đã tăng lên 2,32% nên liên bộ đã phải tăng chi quỹ bình ổn từ 983 đồng/lít lên 1.017 đồng/lít để... giữ nguyên giá bán. Thế là việc tăng xả quỹ đáng ra chỉ thực hiện trong khi giá thế giới tăng cao, thì thời điểm này quỹ lại phải chi để "bình ổn" khi giá dầu đi xuống.
Với các ý kiến cho rằng, cách tính thuế bình quân gia quyền theo hướng dẫn của Bộ Tài chính sẽ khiến việc điều hành giá xăng dầu thiếu tính công khai, minh bạch vì số liệu cụ thể để tính toán ra các mức thuế bình quân gia quyền khó theo dõi, giám sát, chưa hài hòa quyền lợi giữa nhà nước, người tiêu dùng và các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh xăng dầu và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, ông Ngô Trí Long dẫn chứng mức thuế 18,35% đối với xăng mà Bộ Tài chính đang áp dụng để tính giá cơ sở chênh lệch tới 8% so với mức thuế nhập khẩu xăng dầu từ thị trường Hàn Quốc (10%) gây bất bình đẳng giữa các DN, có thể dẫn đến nguy cơ các đầu mối tìm cách chuyển sang thị trường Hàn Quốc để hưởng lợi. "Sẽ không loại trừ có DN làm ăn gian dối, họ sẵn sàng san sẻ một phần lợi từ mức chênh lệch thuế 8% để "cưa đôi" với các nhà nhập khẩu Hàn Quốc. Khi đó, nhà nước thất thu mà DN nhập khẩu được lợi, trong khi người tiêu dùng thì không", ông Long cảnh báo.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính lại cho rằng nếu thuế nhập khẩu được tính theo mức thuế nhập khẩu ưu đãi như thời gian trước thì các DN kinh doanh xăng dầu được hưởng lợi, người tiêu dùng thiệt thòi mà báo chí từng phản ánh. Còn nếu thuế nhập khẩu được tính theo mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thấp nhất trong các biểu thuế thì người tiêu dùng được hưởng lợi, nhưng lại ảnh hưởng đến quyền lợi của các DN kinh doanh xăng dầu. Đặc biệt, sẽ xảy ra tình trạng các DN không muốn bị lỗ nên chỉ nhập xăng dầu từ nguồn được áp dụng mức thuế nhập khẩu thấp nhất. Khi đó, nguồn cung không đáp ứng đủ sẽ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia.
"Trong giai đoạn này, thuế nhập khẩu trong công thức tính giá cơ sở được tính theo mức thuế nhập khẩu bình quân gia quyền là hợp lý nhất, giải quyết được hài hòa quyền lợi giữa nhà nước, DN và người tiêu dùng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia", Bộ Tài chính bày tỏ.
Bình luận (0)