"Không phải thai phụ nào bị nhiễm Zika thì thai nhi cũng bị teo não”, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo chống dịch Zika tại TP.HCM - Ảnh: Nguyên Mi |
Chiều nay (5.4), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp tục làm việc với UBND TP.HCM về các biện pháp phòng chống dịch bệnh Zika.
Theo Bộ trưởng, bệnh do vi rút Zika thường nhẹ, không có triệu chứng đặc trưng, chỉ sốt, mỏi mệt (đau mỏi vai), phát ban. Với người lớn hầu như không có vấn đề gì và có thể khỏi sau 3-4 ngày điều trị triệu chứng.
“Bệnh do vi rút Zika thường nhẹ, còn nhẹ hơn sốt xuất huyết. Bị sốt xuất huyết có thể phải nghỉ, không đi làm được, chứ với Zika thì vẫn khỏe, có thể đi làm bình thường”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định.
|
|
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thông tin: Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vi rút Zika có liên quan đến chứng đầu nhỏ (teo não) ở trẻ sơ sinh nếu người mẹ khi mang thai (3 tháng đầu) bị nhiễm Zika.
Tuy nhiên, “Không phải thai phụ nào bị nhiễm Zika thì thai nhi cũng bị teo não”, bà Tiến cho biết.
Vì vậy, Bộ Y tế khuyến cáo thai phụ trong 3 tháng đầu nếu có triệu chứng sốt, nhức mỏi, phát ban, có liên quan (đi/về) đến vùng có dịch bệnh Zika thì đến các bệnh viện phụ sản khám để được tư vấn, làm xét nghiệm.
“Không cần thiết thai phụ nào cũng phải xét nghiệm Zika”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Bà Tiến đánh giá, hiện tại, ở Việt Nam, Zika là bệnh mới nên người dân chưa biết kiến thức, có thể hoang mang, lo lắng. Với Zika hiện giờ cũng như bệnh tay chân miệng những năm trước khi mới xuất hiện. Nó cũng chỉ là một bệnh thông thường. Điều quan trọng đầu tiên là truyền thông cho người dân hiểu biết kiến thức về bệnh và cách phòng bệnh.
“Trong tình hình biến đổi khí hậu như hiện giờ thì càng ngày sẽ càng có thêm nhiều bệnh, vi rút mới xuất hiện”, bà Tiến nhận định.
Qua buổi họp, bà Tiến đề nghị UBND TP cùng với ngành y tế tăng cường các biện pháp phòng dịch, tuyên truyền cho người dân kiến thức về bệnh; đồng thời, chỉ đạo ngành y tế TP triển khai phun xịt hóa chất diệt muỗi, lăng quăng để phòng bệnh Zika và cả sốt xuất huyết; kiểm tra giám sát nơi nào có tình trạng muỗi kháng hóa chất diệt côn trùng thì đổi thuốc mới cho có hiệu quả hơn.
Bình luận (0)