Chỉnh trang dòng kênh, thay đổi phận người

02/05/2016 06:14 GMT+7

Kênh Tân Hóa - Lò Gốm từng là điểm đen về ô nhiễm của TP.HCM, nhưng nay như khoác lên mình bộ áo mới.

Đẹp, sạch sẽ, khang trang, uốn lượn qua các quận 6, 11, Tân Phú, dòng kênh sau chỉnh trang đã làm thay đổi diện mạo phía tây TP, thay đổi cuộc sống của hơn 1,2 triệu người.
Ký ức dòng kênh đen
Ông Hồ Văn An (69 tuổi, ngụ 374 An Dương Vương, P.10, Q.6), cư dân lâu năm tại lưu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm, nhớ lại: “Trước đây hai bên bờ kênh người dân chen nhau đóng cọc gỗ ra giữa dòng, dựng lên những căn nhà xập xệ, bít dòng chảy.
Nước thải sinh hoạt được xả thẳng xuống dòng kênh. Đủ loại rác cũng được vứt thẳng xuống ngày này qua ngày khác, phần vì đường Lò Gốm lúc đó quá nhỏ, xe không thể đi vào gom rác, phần do ý thức người dân chưa cao, khiến dòng kênh ô nhiễm nghiêm trọng. Một số đoạn, rác chất dày đến nỗi người dân có thể đi trên rác từ bên này sang bên kia kênh dễ dàng.
Thêm nữa, ô nhiễm kéo dài khiến chuột bò lúc nhúc, muỗi phát triển dày đặc tấn công không chỉ người dân sống ở hai bên bờ mà cả sâu bên trong khu vực cũng vô cùng khốn khổ. Nhà cửa thì lụp xụp, đường đi lại nhỏ như hẻm nên người dân không thể buôn bán hoặc kinh doanh gì”.
Ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc Ban Quản lý dự án nâng cấp đô thị TP.HCM, vẫn tràn ngập cảm xúc khi nhắc đến dòng kênh đã gắn bó với ông nhiều năm trời. Trước khi thực hiện dự án, dọc theo con kênh này có hơn 470.000 người sinh sống cùng khoảng 15.000 doanh nghiệp, cơ sở gia công vừa và nhỏ.
Dòng kênh khi đó lưu chứa không biết bao nhiêu chất thải rắn, chất thải công nghiệp, nước thải của hộ gia đình, cơ sở sản xuất gia công và các xí nghiệp, nghĩa là ô nhiễm rất trầm trọng. Hơn nữa, rất nhiều căn nhà lụp xụp lấn chiếm dọc hai bên kênh dẫn đến tình trạng mất vệ sinh, không an toàn về điều kiện cư trú và sức khỏe của một bộ phận người nghèo.
“Nơi đây cũng từng là rốn ngập do lòng kênh lúc đó có vị trí sâu, cạn khác nhau, các nút thắt dòng chảy dày đặc làm thu hẹp diện tích bề mặt nước và gây ngập úng mỗi khi có mưa lớn, triều cường, đặc biệt nghiêm trọng hơn khi xảy ra tổ hợp 2 yếu tố mưa và triều”, ông Liêm nói.

Dòng kênh đen ngòm vào năm 2005 Ảnh: Diệp Đức Minh

Đại công trường ngàn người suốt 3 năm
Để có được dòng kênh xanh hôm nay, đã có 332 cán bộ cấp quản lý và kỹ sư tham gia điều hành các gói thầu xây lắp, cùng với gần 1.000 công nhân tham gia miệt mài trong suốt 3 năm.
Trong năm 2013 và 2014, các nhà thầu tổ chức thi công kè bờ kênh, xây dựng công bao thu gom nước thải, giếng tách dòng, đường giao thông và các cây cầu bắc qua kênh. Hệ thống cống bao, giếng tách dòng nước thải sinh hoạt và nước mưa dài khoảng 7.530 m, đặt dưới độ sâu 4,5 - 8,7 m.
Hệ thống thoát nước có đường kính 0,2 - 1 m, bao gồm ống thoát nước và hố ga, hố thu mặt nước; được đặt sâu dưới mặt đường từ 1 - 4 m. Theo thiết kế ban đầu có 10 cầu bắc ngang kênh, năm 2014 từ nguồn vốn đầu tư của hiệp định tín dụng bổ sung việc xây dựng mới cầu Hậu Giang, cầu Ông Buông 1 và cầu Ông Buông 2…
Dự án cũng được UBND TP và Ngân hàng Thế giới cho phép sử dụng vốn dư để triển khai bổ sung các công trình trong lưu vực kênh, đến cuối năm 2014 có 53 công trình các tuyến đường, hẻm, cụm hẻm và 70 công trình trường học, trạm y tế và các công viên trong lưu vực đã hoàn thành việc đầu tư nâng cấp, sửa chữa.
Tuy nhiên, theo đơn vị thi công, họ đã gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Chẳng hạn, tháng 11.2013, do thi công trong điều kiện diện tích mặt bằng chật hẹp, thời tiết bất thường (mưa, triều cường) nên một số vị trí dọc tuyến kênh như đường Hòa Bình, Âu Cơ, Đồng Đen, Bàu Cát… bị ngập nước, ảnh hưởng đến sinh hoạt khiến người dân bức xúc. Càng khó khăn hơn khi tiến độ thi công rất chậm chạp. “Một số người dọc tuyến kênh phản ánh rằng khi thi công phần cống hộp lúc thời tiết khô ráo không làm, khi mưa lại thi công gây ngập nhà dân. Tuy nhiên, trên thực tế, ít ai biết rằng do một số hộ chưa bàn giao mặt bằng nên nhà thầu không thể thi công đại trà trên công trường”, giám đốc một đơn vị thi công kể lại.
Chưa hết, nhiều hộ dân, cơ sở kinh doanh xả rác ra tuyến kênh, đặc biệt là khu vực cầu Hòa Bình và đường Trịnh Đình Thảo, khiến việc dẫn dòng thoát nước phục vụ thi công dự án gặp trở ngại lớn, làm chậm tiến độ và ngập nước. Ban quản lý phải nhiều lần cầu cứu UBND Q.Tân Phú xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm, xả rác…
Hàng triệu người được hưởng lợi
Theo ông Lê Thanh Liêm, dự án hoàn thành đã có nhiều tác động tích cực, làm thay đổi rõ rệt cảnh quan khu vực, đồng thời nâng cao chất lượng sống ở đô thị phía tây nam TP với hơn 1,2 triệu dân trong lưu vực trực tiếp được hưởng lợi. Giờ đây, 1/3 số lượng phương tiện, dân cư ở cửa ngõ phía tây nam có thể chọn 2 con đường ven kênh để lưu thông vào khu vực Chợ Lớn (quận 5, 6, 11) và khu vực quận Tân Bình, Tân Phú. Còn với người dân như ông An, khi dự án hoàn thành, cuộc sống như thay đổi hoàn toàn, bởi không chỉ có không gian sạch đẹp mà việc buôn bán kinh doanh cũng thuận lợi và đắt khách. Tình trạng ngập lụt mỗi khi mưa lớn cũng không còn.
Nhiều người từ nơi khác đến không khỏi ngạc nhiên về diện mạo mới của con kênh. Những căn nhà lụp xụp trước đây đã được thay bằng bờ kè chạy dọc đường Lê Văn Chí và đường Lò Gốm rộng rãi, sạch sẽ kéo dài hơn 10 km, từ đại lộ Võ Văn Kiệt (Q.6) đến đường Hòa Bình (Q.Tân Phú). Các tiểu đảo 2 bờ kênh được trồng nhiều loại cây nở hoa đẹp quanh năm, đồng thời có vỉa hè chạy dọc bờ kênh dành cho người đi bộ.
Để tăng vẻ đẹp mỹ quan và tạo không gian thoải mái phục vụ lợi ích người dân, TP cũng quy hoạch xây dựng một công viên cây xanh đầy hoa kéo dài 500 m trên đường Phạm Văn Chí, được lắp đặt nhiều dụng cụ tập thể dục, ghế đá.
Nhà đất tăng giá
Lưu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm nằm ở phía tây nam TP.HCM, có diện tích khoảng 19 km2. Kênh chính có chiều dài 7,5 km và các nhánh phụ khoảng 1,2 km. Kênh có chức năng lưu chuyển nước mưa và nước thải kết nối với kênh Tàu Hủ - Bến Nghé hòa vào dòng chảy sông Sài Gòn và đổ về hướng miền Tây. Lưu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm là một trong 3 lưu vực ưu tiên đầu tư, nâng cấp để giải quyết vấn đề ngập lụt của vùng trung tâm TP cùng với lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tàu Hủ - Bến Nghé. Tổng mức đầu tư hạng mục chính kênh này là 146,15 triệu USD, sau khi điều chỉnh bổ sung cầu Ông Buông 1 và 2 là 166,647 triệu USD. Mức đầu tư trên chưa bao gồm 1.714,56 tỉ đồng chi phí bồi thường, giải tỏa, tái định cư.
Theo ghi nhận của Thanh Niên, từ khi dòng kênh hoàn thành đưa vào sử dụng (tháng 4.2015), hằng ngày vào buổi sáng và chiều, rất nhiều người dân từ quận 6, 8, 11 tập trung về đây chạy bộ, tập thể dục để rèn luyện sức khỏe, thư giãn, rất nhộn nhịp. Đồng thời, về đêm con kênh trở thành điểm hóng mát, đi dạo của nhiều người. Cũng trên 2 bờ kênh này, hàng loạt dự án nhà cao tầng đã bắt đầu mọc lên, bất động sản khu vực có giá trị nhiều lần so với trước. Hàng ngàn hộ dân nơi đây ai cũng vui mừng vì nhà được thành mặt tiền, tiện lợi việc kinh doanh buôn bán.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.