Cô dâu Việt ở Trung Quốc kêu cứu vì bị chồng dọa giết

23/10/2016 10:00 GMT+7

Một cô dâu Việt đang cầu cứu vì lấy phải người chồng Trung Quốc bị tâm thần. Cô bị chồng đánh đập dã man và dọa giết.

Đó là Liêu Thị Mộng Trinh (23 tuổi, quê ở ấp Điền Hòa, xã Thới Tân, H.Thới Lai, TP.Cần Thơ), hiện đang sống cùng gia đình chồng ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc (TQ).
Chồng câm… hóa tâm thần
Một người đàn ông tự giới thiệu tên là Lê Công Minh, đang làm việc ở Thượng Hải viết lời kêu cứu giúp Trinh trên Facebook: “Trinh bị bán cho người đàn ông TQ bị điên, suốt ngày đánh đập la mắng Trinh. Hiện Trinh muốn về VN mà không biết đường về, tiền không có, không biết tiếng TQ. Tôi đã liên hệ số điện thoại Đại sứ quán VN tại TQ nhiều lần mà không liên lạc được. Vì khoảng cách quá xa, nên tôi không thể giúp được em ấy. Mong mọi người chia sẻ thông tin đến gia đình em ấy hoặc cơ quan chức năng giúp em ấy về VN”.
Lần theo địa chỉ anh Minh cung cấp, ngày 22.10, chúng tôi đã tìm gặp gia đình Mộng Trinh. Căn nhà cũ nằm sâu trong con đường nhỏ không có gì đáng giá ngoài bức ảnh cưới phóng lớn treo trên vách. Trong ảnh, chàng rể TQ trông khá bảnh bao. Bà Đào Thị Ngọc Trang (49 tuổi, mẹ của Trinh) cho hay, gia đình đã biết tin Trinh đang bị nguy hiểm nhưng không biết làm gì ngoài việc báo lên ấp và xã. Bà kể, cách đây 6 tháng, qua mai mối, Trinh lấy một người tên Yepei (28 tuổi) rồi sang TQ ở từ đó đến nay. “Lúc làm mai, họ có nói Yepei chỉ bị câm, chứ không nói bị tâm thần. Gia đình tôi nghĩ nó câm nhưng miễn nó hiền là được nên đồng ý. Khoảng 10 ngày sau thì làm đám cưới”, bà Trang mắt đỏ hoe nói.
Ông Liêu Xương (50 tuổi, cha của Trinh) cho biết khoảng 2 tháng sau khi lấy chồng, trong cuộc gọi về nhà, Trinh đã khóc dữ dội khi kể với cha mẹ về người chồng. “Nó bảo chồng nó bị khùng nên hay lên cơn, đánh đập dữ lắm, nhất là lúc nửa đêm, la hét om trời. Ngày nào nó cũng bị chồng đánh đập dã man và đòi giết”, bà Trang nói trong nước mắt.
Không biết cách nào để cứu con
Chiều cùng ngày, chúng tôi đã liên lạc được với Mộng Trinh bằng điện thoại. Qua cuộc gọi ngắn, Trinh khóc nức nở và cho biết, nhà cô ở một vùng sâu tại Chiết Giang, không có người Việt nào ở gần. Hằng ngày, ngoài việc ra đồng, cô phải dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo, chăm sóc người chồng bị câm và tâm thần. “Có những lúc chồng tôi lên cơn là lao vào đánh. Người nhà chồng thấy cũng không nói gì, tôi không biết tiếng nên chỉ ôm mặt khóc thôi…”, Trinh kể.
Cũng theo Trinh, ở TQ cô chỉ có thể liên lạc được một vài người VN qua Wechat nên nhờ mọi người gửi lời cầu cứu về nước giúp.
Ảnh cưới của Trinh
Theo bà Trang, do nhà quá nghèo nên Trinh chỉ học đến lớp 10 thì nghỉ. Sau đó, cô đi làm thuê kiếm tiền phụ giúp gia đình và được một cô gái vốn đã lấy chồng TQ mai mối. Phía bên nhà chồng Trinh đã đưa gia đình bà Trang 50 triệu đồng, vừa là quà cưới, vừa để tổ chức đám cưới. Bà Trang chỉ tổ chức vài bàn tiệc, số tiền còn lại đem trả nợ.
Bà Trang cho biết, 2 năm trước bà cũng đã gả chị của Trinh cho người TQ. Anh này hiền lành nhưng rất nghèo, ngày cưới chỉ cho gia đình vợ có 15 triệu đồng. Sang TQ 2 năm, cô này về thăm nhà được 2 lần, mỗi lần cho bà Trang được 3 triệu đồng. Bây giờ, dù đã gả hết 2 người con gái sang nước ngoài nhưng gia đình bà Trang vẫn phải đi làm thuê, làm mướn vì không có đất sản xuất.
Ông Liêu Xương kể, ngày biết em gái sắp lấy chồng TQ, chị của Trinh đã gọi điện thoại về ngăn cản. Nhưng lúc đó, gia đình còn thiếu nợ 30 triệu đồng, Trinh gạt nước mắt, chấp nhận lấy Yepei dù biết người này bị câm.
Trong cuộc gọi chiều 22.10 với chúng tôi, Trinh nói như cầu xin: “Thấy cha mẹ nghèo quá, nợ nần nên tôi muốn hy sinh để giúp cha mẹ bớt khổ nhưng không ngờ lại rơi vào hoàn cảnh này. Tôi bị chồng dọa giết và ám ảnh khi nghĩ đến những chị bị chồng nước ngoài hãm hại. Tôi rất sợ, xin mọi người hãy giúp tôi”.
Chiều 22.10, bà Diệp Thị Thu Hồng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.Cần Thơ, cho biết hiện đoàn công tác của hội đang trên đường ra cứu trợ đồng bào miền Trung bị lũ lụt nên chưa nắm rõ vụ việc. “Ngay chiều nay (22.10 - PV), chúng tôi đã chỉ đạo Hội Phụ nữ địa phương xuống tìm hiểu ngay để có các giải pháp hỗ trợ kịp thời”, bà Hồng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.