'Còng tay chủ trường học': Quản tài viên không có nhiệm vụ bắt người

25/03/2017 13:47 GMT+7

Theo các luật sư (LS), nhóm bảo vệ do quản tài viên dẫn đầu niêm phong thanh lý tài sản tại Trường Mầm non - Tiểu học Thanh Nguyên (Bình Thuận) đã rút súng, còng tay chủ trường là có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Như Thanh Niên đã đưa tin, ngày 23.3, nhóm bảo vệ do quản tài viên dẫn đầu thực hiện quyết định niêm phong thanh lý tài sản tại Trường mầm non – tiểu học Thanh Nguyên (gọi tắt trường Thanh Nguyên) đã rút súng, còng tay bà Đoàn Thị Dung, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Nguyên, chủ trường Thanh Nguyên ngay giữa sân trường trong giờ học.
Quản tài viên là ai?
Dư luận những ngày qua thắc mắc quản tài viên là gì? Chức năng và quyền hạn của họ như thế nào mà lại có súng, có còng tay và thực hiện nhiệm vụ như vậy? Trả lời những vấn đề này, LS Nguyễn Đức Chánh phân tích, quản tài viên là cá nhân hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản theo quy định tại khoản 7 Điều 4 luật Phá sản 2014. Trên thế giới, nghề quản tài viên đã hình thành và phát triển lâu đời nhưng ở Việt Nam thì đây là lần đầu tiên xuất hiện và được công nhận thông qua luật Phá sản 2014.
Theo quy định tại Điều 16 luật Phá sản 2016, quản tài viên có các quyền hạn và nghĩa vụ quản lý tài sản, giám sát hoạt động kinh doanh, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, gồm: xác minh, thu thập, quản lý tài liệu, chứng cứ liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã; Lập bảng kê tài sản, danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ; Bảo quản tài sản, ngăn chặn việc bán, chuyển giao tài sản mà không được phép của Thẩm phán; ngăn chặn việc tẩu tán tài sản; tối đa hóa giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã khi bán, thanh lý tài sản; Giám sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định của pháp luật; Được thuê cá nhân, tổ chức thực hiện công việc theo quy định của pháp luật; Đề xuất với Thẩm phán về việc bán tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã để bảo đảm chi phí phá sản; Bán tài sản theo quyết định của Thẩm phán để bảo đảm chi phí phá sản; Tổ chức việc định giá, thanh lý tài sản theo quy định của Luật này; báo cáo cơ quan thi hành án dân sự, thông báo đến người tham gia thủ tục phá sản có liên quan về việc giao cho cá nhân, tổ chức thực hiện thanh lý tài sản; Gửi các khoản tiền thu được vào tài khoản do Tòa án nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền mở tại ngân hàng.
Quản tài viên còn là đại diện cho doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã không có người đại diện theo pháp luật. Báo cáo về tình trạng tài sản, công nợ và hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã, tham gia xây dựng kế hoạch phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
Ngoài ra, quản tài viên có quyền đề nghị Thẩm phán tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ; Tuyên bố giao dịch vô hiệu và quyết định thu hồi tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị bán hoặc chuyển giao bất hợp pháp; Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; áp dụng biện pháp xử phạt hành chính; chuyển hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền xử lý về hình sự theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 3 Nghị định 22/2015/NĐ-CP quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với Quản tài viên: Cho thuê, cho mượn hoặc cho cá nhân, tổ chức khác sử dụng chứng chỉ hành nghề Quản tài viên của mình để hành nghề quản lý, thanh lý tài sản; Lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn để thông đồng với cá nhân, tổ chức nhằm mục đích vụ lợi…
Có dấu hiệu tội bắt giữ người trái luật
Từ đó, LS Chánh nhấn mạnh, đối chiếu với các quy định của pháp luật Quản tài viên không có quyền xâm phạm quyền tự do thân thể của người khác. Khi hỏi cụ thể hành vi dùng súng là công cụ hỗ trợ và còng tay bà Dung đúng hay sai, LS Chánh phân tích: Các loại súng dùng để bắn đạn nhựa, đạn cao su… và khóa số tám được xem là công cụ hỗ trợ theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2011 (sửa đổi bổ sung năm 2013) thì “Người được giao công cụ hỗ trợ khi thi hành công vụ được sử dụng trong các trường hợp ngăn chặn người đang có hành vi đe doạ trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ của người khác, bắt giữ người theo quy định của pháp luật và thực hiện phòng vệ chính đáng theo quy định của pháp luật".
Mặt khác, theo điểm b khoản 3 Điều 8 Nghị định 52/2008 về quản lý kinh doanh dịch vụ bảo vệ, nhân viên doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ bị cấm: “Thực hiện hoặc thông qua người khác thực hiện các hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, quyền tự do cá nhân và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân”.
LS Chánh cho rằng trước tiên cần xem xét hành vi sử dụng trái phép công cụ hỗ trợ của những bảo vệ này và làm rõ bảo vệ dùng súng và khóa số tám với động cơ, mục đích gì? Việc bảo vệ tự ý còng tay bà Dung là xâm phạm đến quyền tự do cá nhân của bà Dung. Đây là hành vi này có dấu hiệu phạm tội bắt giữ người trái pháp luật theo Quy định tại Điều 123 bộ luật Hình sự.
LS Chánh nói thêm trách nhiệm của những người gây ra vụ việc sẽ được cơ quan điều tra làm rõ. Nhưng trước mắt việc rút súng, còng tay được thực hiện ngay tại trường nơi có hàng trăm học sinh là điều khó có thể chấp nhận được. Vì đây là môi trường giáo dục, những hành động của người lớn sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, sự phát triển của các em sau này. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý nghiêm khắc những hành vi vi phạm pháp luật này.
Thạc sĩ Nguyễn Việt Khoa (Giảng viên khoa Luật ĐH Kinh tế TP.HCM) cũng đồng quan điểm với LS Chánh, cho rằng việc quản tài viên còng tay bà Dung là sai luật, quản tài viên không có chức năng này. Ngoài trường hợp phạm tội quả tang, người bị truy nã thì mới có quyền bắt giữ, còn lại nhiệm vụ này phải là của Công an, Viện kiểm sát, Tòa án.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.