Mở đầu buổi đối thoại, ông Vũ Đức Thành, nguyên cán bộ thủy lợi (ngụ ở KP.1, P.Trảng Dài) “cảm ơn Bí thư Nguyễn Phú Cường đã tổ chức buổi đối thoại dù tình trạng ngập lụt ở TP.Biên Hòa đã xảy ra từ lâu”.
Ông Thành nói: "Khu vực nhà tôi cứ mưa là ngập. Trận ngập lịch sử nhất là vào tháng 9.2015, nước dâng cao 60 cm làm hư hại rất nhiều tài sản có giá trị trong nhà". Ông Lê Văn Mừng (ngụ ấp Cầu Hang, xã Hóa An, TP.Biên Hòa), đại diện cho khoảng 100 hộ dân trong ấp chịu cảnh ngập lụt nhiều năm qua kiến nghị chính quyền phải thực hiện ngay các biện pháp chống ngập chứ người dân sống khổ lắm rồi. “Nhất là vào ban đêm mà trời mưa lớn, chúng tôi phải thức trắng để canh nước lên mà di chuyển đồ đạc. Nguy hiểm hơn là nguy cơ ảnh hướng tới tính mạng do chập điện, lọt hố ga...”, ông Mừng nói.
Ông Nguyễn Văn Sơn (ngụ tổ 15, KP.2, P.An Bình) trình bày: “Nhà tôi ở khu vực cầu Rạch Bùn, ngày xưa không ảnh hưởng gì nhiều nhưng thời gian gần đây cứ mưa là ngập. Mỗi tháng có khi ngập sâu đến 3 lần, nước cao tới cửa sổ. Chịu hết xiết, cách đây 2 tháng tôi đã bán nhà chuyển đi nơi khác ở”. Ông Sơn cho hay mỗi lần tiếp xúc cử tri, ông và bà con khu phố đều phản ánh nhưng chính quyền cấp dưới không quan tâm. Còn ông Phan Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Hữu Cảnh (P.Long Bình Tân), than cứ đến mùa mưa là trường lại ngập, năm sau cao hơn năm trước khiến 1.100 học sinh bị ảnh hưởng nặng nề. Mỗi lần ngập là học sinh phải tạm thời nghỉ học, sau đó dọn dẹp rất vất vả. Ông Vinh ngỏ lời mời bí thư cùng lãnh đạo tỉnh đến thăm trường những ngày mưa để thấu hiểu được hoàn cảnh vất vả của học sinh và có giải pháp giảm ngập.
Theo ông Nguyễn Tấn Long, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa, trên địa bàn TP hiện có 25 điểm ngập úng cục bộ. Trong đó, có những nơi ngập sâu 0,6 - 1 m như ngã năm Biên Hùng (P.Trung Dũng), đường Nguyễn Ái Quốc (từ P.Trảng Dài), QL1 (P.Tân Hòa), QL51 (P.Long Bình Tân). Nguyên do hệ thống thoát nước lâu đời, đường kính nhỏ; tốc độ đô thị hóa quá nhanh làm giảm diện tích thoát nước; các con suối bị lấn chiếm, cùng việc người dân xả rác bừa bãi đã cản trở việc thoát nước, làm tắc nghẽn dòng chảy khiến ngập lụt càng thêm trầm trọng.
Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Phú Cường yêu cầu TP.Biên Hòa tiếp thu ý kiến người dân, sau đó khảo sát thực tế tìm nguyên nhân ngập lụt để đề ra các phương án chống ngập hiệu quả. “Xử lý tình trạng lấn chiếm sông, suối, kênh rạch gây cản trở dòng chảy. Các phường, xã, khu phố, ấp phải thường xuyên vận động người dân không vứt rác bừa bãi, nếu phát hiện thì xử phạt ngay”, ông Cường nhấn mạnh. Cũng theo ông Cường, Đồng Nai hiện đang làm thủ tục vay vốn nước ngoài để xây dựng các hệ thống thoát và xử lý nước thải. Nếu hệ thống trên được xây dựng xong, lúc đó TP.Biên Hòa sẽ giải quyết được tình trạng ngập lụt.
18 căn nhà và 2 công trình có nguy cơ sập
Hôm qua 28.6, ông Lê Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Tân An (H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai) cho hay mưa lớn những ngày qua đã làm sạt lở đất dọc sông Đồng Nai, đoạn từ cầu Rạch Đông đến bến đò (cũ), thuộc địa bàn ấp 1 (xã Tân An). Sạt lở đã làm cho 18 căn nhà và 2 công trình công cộng (Nhà văn hóa ấp 1 và miếu Bà) bị rạn nứt và có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Về ý kiến của người dân cho rằng tình trạng sạt lở do nạn khai thác cát trái phép ven sông Đồng Nai, ông Mai Văn Trên, Phó chánh văn phòng UBND huyện thừa nhận: "Dân họ nói thì đúng rồi, khu vực đó sạt lở là do ngày xưa có tình trạng bơm hút cát, khai thác cát dưới lòng sông. Hơn nữa, thời gian gần đây mưa nhiều, đất ngấm nước ướt mềm nên bị sụt xuống".
Tiểu Thiên
|
Bình luận (0)