Theo đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định), trong bối cảnh ngân sách khó khăn, nếu bổ sung biển số xe, số điện thoại đẹp vào danh mục tài sản nhà nước và tổ chức đấu giá thì khoản tiền thu được có thể lên tới cả triệu tỉ đồng. Điều này hoàn toàn khả thi hơn việc tìm cách huy động vốn trong dân, bởi nhu cầu có một số điện thoại đẹp, một biển số xe đẹp hay gắn với ngày sinh của mình là có thật. Bên cạnh đó, huy động nguồn lực này sẽ tiết kiệm hơn cho nhà nước vì không phải trả gốc hay lãi như vay tiền trong dân.
Triệu tỉ đồng từ số “ngũ linh”
Cụ thể, theo ông Cảnh, với việc ngành công an cho phép 63 tỉnh thành được dành 20 chữ cái cho biển số trắng của ô tô thì cả nước có một kho với 160 triệu số, trong đó có tới 14.000 số ngũ linh (5 số giống nhau). "Từ năm 2008, Nghệ An đã đấu giá thí điểm một biển số tứ quý (4 số giống nhau) mà số tiền thu về đã là 700 triệu. Cho nên, nếu tính mỗi số ngũ linh giá 1 tỉ đồng thì nguồn thu cho nhà nước đã là 14.000 tỉ đồng", ông Cảnh tính toán.
Dẫn lại số liệu từ các ngành chức năng về con số ô tô bán ra trong năm ngoái là 300.000 xe và mức tăng trưởng giai đoạn 5 năm qua là 30%, ông Cảnh giả thiết chỉ cần mức tăng trưởng 3 năm tới đạt 25%/năm thì nhà nước sẽ cấp thêm 1,8 triệu biển số. Tính trung bình mỗi biển số đấu giá thu được 25 triệu đồng thì tổng thu về đã lên tới 45.000 tỉ đồng. Với cách tính tương tự cho xe máy, số điện thoại, ĐB này tin rằng số tiền chục năm tới thu được “hoàn toàn có thể đạt con số triệu tỉ đồng”.
Vẫn theo ĐB Cảnh, mặc dù từ năm 2009 Chính phủ có công văn giao các bộ Tài chính, Công an, Tư pháp hướng dẫn bán đấu giá biển số nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai, mà lý do là chưa có luật nào quy định. "Nếu luật không quy định thì khó thực hiện. Cho nên tôi mong các ĐB ủng hộ để cụ thể hóa điều này vào luật, để Chính phủ giao các bộ, địa phương thực hiện. Nếu được làm từ năm 2018 thì con số thu về cho ngân sách trong chục năm tới có thể lên đến cả triệu tỉ đồng", ông Cảnh tha thiết và kiến nghị kho số nên phân 3 loại, thứ nhất là số đẹp như ngũ linh, tứ quý, phát lộc, số tiến để tổ chức đấu giá. Các số như ngày sinh theo yêu cầu của người dân cũng có thể thu thêm lệ phí. Còn số bấm ngẫu nhiên thì không thu.
Tổng kiểm toán Hồ Đức Phớc cũng cho rằng, dự luật nên bổ sung các loại tài sản dự trữ quốc gia, hay như danh mục biển số xe, cơ sở dữ liệu quốc gia, phần mềm vào danh mục tài sản cần được nhà nước quản lý, sử dụng bởi đây là nguồn lực đáng kể. "Có như vậy, khi nhà nước cần sử dụng mới có cơ sở pháp lý", ông Phớc nhấn mạnh.
Lo bỏ lọt tài sản công
Nhiều ĐB cho rằng danh mục tài sản công theo quy định của dự luật vẫn bỏ lọt nhiều nguồn lực quan trọng. Theo Phó chủ tịch tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, việc loại bỏ tiền thuộc ngân sách nhà nước ở các quỹ tài chính nhà nước, quỹ ngoại tệ ra khỏi khái niệm tài sản công và không thuộc đối tượng điều chỉnh của dự thảo luật này là không phản ánh đúng, đầy đủ về bản chất của tài sản công. “Trên thực tế, tiền tệ thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước, quỹ ngoại tệ cũng là phần quan trọng của tài sản công, cần được quản lý chặt chẽ, hiệu quả để gia tăng và phát triển tài sản công. Việc loại bỏ nội dung này khỏi khái niệm tài sản công dẫn đến dự thảo luật vẫn không trở thành luật gốc và bao trùm cho mọi hành vi cũng như hoạt động quản lý tài sản công. Như vậy, mục tiêu ban hành luật không trọn vẹn", ĐB Đồng cảnh báo.
ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) cũng nhận xét việc loại bỏ tiền và quỹ tài chính, quỹ ngoại tệ ra khỏi đạo luật này không thỏa đáng. Ông Vân nêu 3 lý do về sự cần thiết đưa hai loại tài sản này vào tài sản công. Thứ nhất, bộ luật Dân sự định nghĩa tài sản gồm 4 dạng: vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản hay tài quyền. Do vậy, đạo luật này cần phải khẳng định điều đó. Thứ hai, tiền với 3 chức năng là: phương thức thanh toán, công cụ định giá, công cụ thống kê tài sản quốc gia. Bên cạnh đó, tài sản công hiểu theo nghĩa vật chất, vật thể thì hẹp, trong khi đó những sản phẩm mới tạo ra từ sản phẩm trí tuệ, do khoa học, công nghệ rất nhiều. "Vì vậy, cơ sở thứ ba khẳng định đó là tiền, tài sản dạng đặc biệt, trong đó có cả giấy tờ có giá như tín phiếu, ngân phiếu, trái phiếu, cổ phiếu nhà nước trong các doanh nghiệp nhà nước. Nếu chúng ta không ghi danh định nghĩa xác lập nó là tài sản công thì sẽ khó xác định trong việc quản lý", ông Vân nhìn nhận.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) bổ sung còn một loại tài sản công rất có giá trị mà chưa được dự luật đề cập đến là giá trị thương hiệu. "Đây là một loại tài sản công tương đối khó phân loại, nhưng rất cần thiết vì hiện nay có rất nhiều thương hiệu lớn của nhà nước đã bị bán với giá rẻ, làm thất thoát lãng phí cho tài sản của nhân dân", ông Hiếu nói.
“Cần có đạo luật bao trùm để quản lý các tài sản công một cách hiệu quả, tránh thất thoát lãng phí, nhất là với đất đai và tài nguyên khoáng sản. Bởi theo Ngân hàng Thế giới (WB), tài sản công của VN bằng khoảng 6 lần GDP, trong đó chỉ tính riêng tài sản nhà nước quản lý, doanh nghiệp nhà nước nắm từ 50% cổ phần trở lên thì giá trị tài sản đã vào khoảng 5,4 triệu tỉ đồng, gấp 1,2 lần GDP”, ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) lưu ý.
5.000 tỉ đồng đầu tư giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành
Sáng 10.11, với tỷ lệ 89,88% tán thành, Quốc hội (QH) biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, QH quyết nghị tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 tối đa là 2 triệu tỉ đồng.
Về các chương trình mục tiêu quốc gia và dự án quan trọng quốc gia, QH quyết nghị bố trí 72.817 tỉ đồng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện hai chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó chi 43.119 tỉ đồng cho chương trình Xây dựng nông thôn mới và 29.698 tỉ đồng cho chương trình Giảm nghèo bền vững.
QH cũng quyết định bố trí 5.000 tỉ đồng đầu tư giải phóng mặt bằng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và 80.000 tỉ đồng cho các dự án quan trọng quốc gia...
Trường Sơn
|
Bình luận (0)