Trong số này, ngành giao thông nhận được nhiều kiến nghị hơn cả. Lãnh đạo TP.Hải Phòng đề xuất Chính phủ cho phép thí điểm xây dựng tuyến đường sắt dài khoảng 100 km nối thành phố cảng với thủ đô bởi thành phố đang trở thành trung tâm du lịch và công nghiệp của khu vực phía bắc; Sóc Trăng kiến nghị hỗ trợ cho dự án cầu Đại Ngãi 3.000 tỉ đồng. Trong khi đó, Bình Dương xin hỗ trợ từ nguồn trái phiếu chính phủ để đầu tư giao thông kết nối với TP.HCM vì “mọi tuyến đường kết nối với đầu tàu kinh tế đang quá tải”. Lãnh đạo Đồng Nai thì mong muốn tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên được kéo dài đến ngã tư Vũng Tàu (TP.Biên Hòa) để tiện kết nối với TP.HCM…
Đầu tư hạ tầng giao thông mất cân đối
Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa cho hay riêng về đường sắt cao tốc, có ít nhất 3 địa phương đề xuất được làm thí điểm các tuyến cao tốc hoặc tốc độ cao là Hải Phòng, Lạng Sơn và Lào Cai. “Đây đều là những tỉnh biên giới với Trung Quốc nên nhu cầu kết nối với thủ đô là rất lớn”, ông Nghĩa lý giải. Tư lệnh ngành giao thông thừa nhận, đường sắt VN có tuổi thọ cả trăm năm, từ thời người Pháp xây dựng là chủ yếu, thậm chí chúng ta xây thêm rất ít so với những cung đường đã tháo đi nên đầu tư là cần thiết.
|
“Tuy nhiên, địa phương kiến nghị thì nhiều, tỉnh nào cũng chính đáng, cấp bách nhưng ngân sách thì có hạn nên chúng tôi chỉ xin ghi nhận, tổng hợp để báo cáo Chính phủ”, Bộ trưởng Nghĩa phân trần và dẫn chứng, theo thông báo sơ bộ từ ngành tài chính, KH-ĐT thì trong kế hoạch trung hạn trong 5 năm tới, vốn cho giao thông chỉ thu xếp được khoảng 11 - 12% so với nhu cầu. “Nếu không có một gói đặc biệt thì vốn cho giao thông rất khó phát triển”, ông Nghĩa lo ngại.
Dù vậy, lãnh đạo Bộ GTVT hy vọng, việc sửa đổi luật Đường sắt sẽ thúc đẩy xã hội hóa để thu hút đầu tư vào đường sắt, chia sẻ gánh nặng với ngân sách.
Tìm cách huy động tiềm lực trong dân
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh đến việc nhà nước cần cơ chế để huy động tiền trong dân vì tiềm lực còn quá lớn. Ông Lâm dẫn chứng chỉ vài vụ cá độ bóng đá mới đây mà công an triệt phá, thì số tiền đã lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Bên cạnh đó, việc tín dụng đen, đa cấp len lỏi về đến vùng nghèo, vùng sâu vùng xa cũng cho thấy nguồn lực trong dân còn lớn. “Tại sao lại có lượng tiền lớn thế? Điều này đặt ra cho Chính phủ là cần có biện pháp gì để huy động lượng tiền này vào sản xuất, để người dân có thể đóng góp cho xã hội, nếu không hậu quả xã hội rất phức tạp”, ông Tô Lâm nói.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng tỏ rõ sự đồng tình với đề xuất này của người đứng đầu ngành công an. Theo thống đốc, hiện tỷ trọng tiền mặt trong lưu thông khoảng 12%, đã giảm đáng kể so với mức 20% của khoảng 10 năm trước. Lãnh đạo NHNN cho hay tuần trước, ngành cũng đã có đánh giá để có giải pháp thúc đẩy việc không dùng tiền mặt trong thanh toán, giảm tín dụng đen như 4 ngân hàng thương mại nhà nước lên kế hoạch mở thêm chi nhánh ở các vùng sâu vùng xa, phát triển thêm các công cụ đầu tư tài chính vi mô cho nông thôn... Dù vậy, ông Hưng cho rằng hiện nay luật pháp trong lĩnh vực dân sự không cấm giao dịch tiền mặt, cộng với tập quán này vẫn phổ biến nên làm được điều này ngay không dễ.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài chính và NHNN phải có đề án huy động tài chính trong dân, nhất là vàng để phiên họp thường kỳ tiếp theo Chính phủ sẽ thảo luận.
Bình luận (0)