Hà Nội hỗn loạn trật tự xây dựng

12/10/2016 10:00 GMT+7

3 năm nay, TP.Hà Nội đều triển khai 'Năm văn minh đô thị', nhằm siết chặt kỷ cương quản lý đô thị, trong đó có trật tự xây dựng, nhưng tình trạng vi phạm vẫn diễn ra tràn lan.

Hơn 3.000 công trình vi phạm trong hơn 2 năm
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, từ năm 2014 đến đầu năm 2016, Hà Nội phát hiện hơn 3.000 công trình vi phạm trật tự xây dựng. Theo Thanh tra Sở Xây dựng, trong năm 2015, đơn vị này đã thực hiện 147 cuộc thanh tra, phát hiện 65 dự án vi phạm trật tự xây dựng. 22 dự án trong số này không có giấy phép, 35 trường hợp xây dựng sai phép, sai thiết kế, quy hoạch, số còn lại vi phạm các vấn đề về vệ sinh môi trường, an toàn lao động. Đặc biệt có 18 dự án khu đô thị vi phạm, trong đó, 6 dự án không phép, 10 dự án sai phép, quy hoạch, thiết kế ... Các sai phạm của những công trình vi phạm chủ yếu liên quan đến xây dựng vượt tầng, sai quy hoạch, sử dụng sai công năng đối với các phần diện tích dùng chung, sai nội dung giấy phép, tăng diện tích sàn, xây trên đất nông nghiệp...
Tiêu biểu cho tình trạng người dân vi phạm là ở P.Khương Đình, Q.Thanh Xuân với cả trăm trường hợp xây nhà kiên cố trên đất nông nghiệp. Tập trung nhiều nhất ở các ngõ 207, 271 Bùi Xương Trạch, quanh khu đầm Hồng thuộc dự án công viên đầm Hồng, khu vực nghĩa trang làng Khương Đình... Tại đây, có nhiều nhà cấp 4, thậm chí nhà kiên cố 2-3 tầng mọc lên trên đất nông nghiệp, đất không có sổ đỏ.
Ngôi nhà xây dựng sai phép của Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội (nhà cao nhất) Ảnh: Lê Quân

Đang lưu ý, vi phạm không riêng ở những công trình nhà ở hộ gia đình quy mô nhỏ, mà ngang nhiên diễn ra ở những công trình lớn, có quá trình xây dựng lâu dài như: chung cư cao tầng tại 93 Lò Đúc; chung cư cao tầng 250 Minh Khai; chung cư 88 Láng Hạ; một số nhà chung cư ở khu đô thị Đại Thanh, Xa La, Linh Đàm...
Đặc biệt, không chỉ doanh nghiệp, người dân mà nhà chức trách cũng vi phạm trật tự xây dựng, điển hình là vụ việc năm 2015, gia đình ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội xây dựng công trình nhà A3, khu tập thể số 8 Lý Nam Đế, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội 10 tầng, vượt phép 3 tầng, nhưng đến nay vẫn ngang nhiên tồn tại.
Trước tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tràn lan, UBND TP.Hà Nội đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, xử lý vi phạm trong công tác trật tự xây dựng, quản lý đất đai trên địa bàn 10 quận, huyện: Tây Hồ, Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Trì. Thời gian kiểm tra bắt đầu từ 1.9 -15.10.

Loay hoay xử lý
Mặc dù tình trạng vi phạm diễn ra công khai, được cơ quan chức năng kết luận nhưng việc xử lý thì cực kỳ kém hiệu quả. Theo TS Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Hà Nội, chỉ với một ví dụ là công trình sai phép tai tiếng 8B Lê Trực (chủ đầu tư là Công ty CP May Lê Trực) đã đủ minh chứng cho sự buông lỏng quản lý cũng như năng lực yếu kém, sự lúng túng trong công tác khắc phục sai phạm của nhiều cơ quan chức năng TP.Hà Nội. Tháng 9.2015, báo chí đăng tải thông tin dự án ở số 8B Lê Trực, P.Điện Biên, Q.Ba Đình chỉ cách Lăng Bác khoảng 500 m nhưng xây cao 17 tầng, mắc nhiều sai phạm về quy mô, chiều cao, chiều rộng, không gian kiến trúc. Các cấp từ Chính phủ, UBND TP.Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội, UBND Q.Ba Đình, UBND P.Điện Biên... đã ra nhiều văn bản yêu cầu phá dỡ, cưỡng chế phần sai phạm. Tuy nhiên, đã 1 năm kể từ khi sai phạm tại dự án được phát hiện, việc phá dỡ vẫn chưa biết bao giờ xong. Không chỉ trường hợp 8B Lê Trực mà nhiều trường hợp sai phạm khác vẫn chưa xử lý dứt điểm như: chung cư 88 Láng Hạ, 93 Lò Đúc… Đó là chưa kể, một số công trình của doanh nghiệp, người dân được xử lý theo hướng thỏa hiệp, xử lý phạt hành chính để tồn tại.
Theo ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng có nguyên nhân cốt lõi là sự buông lỏng quản lý của nhiều cấp chính quyền, sở, ngành chức năng của TP.Hà Nội. Bên cạnh đó, quy định phạt cho tồn tại đã tạo cơ chế cho các công trình sai phạm dễ dàng hợp thức hóa. Tuy nhiên, hậu quả chính là quy hoạch thành phố bị phá vỡ bung bét, hạ tầng xã hội điện, nước, trường học, đường đi...đều oằn lưng gánh chịu; chất lượng cuộc sống khó được nâng cao, lợi ích vào tay một nhóm người.
Chính quyền phải chịu trách nhiệm
Ông Lê Vinh, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội cho hay, theo nguyên tắc phân cấp quản lý, các sở chỉ tham mưu cho UBND TP.Hà Nội các chính sách chung, còn việc tổ chức thực hiện cụ thể là chính quyền cấp địa phương, các quận, huyện. “Quy định cấp phép nhà dân ở nội thành Hà Nội chỉ được 6 tầng+1 tum nhưng nhiều địa phương khi thực hiện thường vận dụng linh hoạt nhiều yếu tố làm sai lệch, góp phần ra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tràn lan”, ông Vinh nhìn nhận. Cũng theo ông Vinh, việc thực hiện quy hoạch chi tiết (1/500) ở địa bàn toàn TP.Hà Nội là rất tốn kém, hiện chỉ thực hiện ở các dự án khu đô thị mới, toàn TP.Hà Nội mới phủ được quy hoạch phân khu. Tuy nhiên, nếu thực hiện được quy hoạch chi tiết TP.Hà Nội ở những quận nội thành sẽ góp phần ngăn chặn được tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, các địa phương không dễ điều chỉnh quy hoạch đã lập.
“Để xảy ra xây dựng sai phép, cơ quản quản lý từ cấp phường, quận, thành phố, cấp sở, ngành đều phải chịu trách nhiệm tùy theo phân cấp quản lý công trình. Ở TP.Hà Nội chưa thấy khởi tố vụ án nào về thiếu trách nhiệm trong vấn đề quản lý xây dựng. Đã đến lúc làm việc này. Để tình trạng công trình sai phép tràn lan như vậy là gây mất trật tự an sinh xã hội, giảm lòng tin chế độ, chính quyền phải chịu trách nhiệm tùy theo từng cấp”, KTS Phạm Thanh Tùng nêu quan điểm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.