Sáng 12.6, đại diện Công đoàn cơ sở Công ty CP đường Bình Định (Bisuco - đóng tại xã Tây Giang, H.Tây Sơn, Bình Định) xác nhận đã có văn bản phản ánh đến cơ quan chức năng về tình hình sản xuất, nợ lương công nhân và tiền bảo hiểm xã hội... tại đơn vị này.
Lương bèo bọt lại còn nợ
|
Nhà máy đường Bình Định trả lương công nhân khởi điểm tầm 3 triệu đồng/tháng, lương của các tổ trưởng và người có thâm niên lâu năm như ông Văn (đã công tác tại nhà máy 19 năm) tầm 5 - 6 triệu đồng/tháng. Vì vậy, nhiều cán bộ, công nhân đã rời bỏ Nhà máy đường Bình Định để xin việc ở nơi khác.
“Nghe nhiều đồng nghiệp từng công tác tại Bisuco nay chuyển sang nhà máy khác được trả lương bình quân hơn10 triệu đồng/tháng mà thèm. Nhưng mình đã gần 50 tuổi, giờ đi xin việc thì ai mà nhận?”, ông Văn nói.
tin liên quan
Công nhân vây công ty đòi lươngSuốt hai ngày qua, khoảng 300 công nhân Công ty G-Tech Việt Nam đã tập trung trước cửa nhà máy ở cụm Công nghiệp Vĩnh Niệm (Lê Chân, Hải Phòng) để đòi lương.
Khoảng vài ba năm trở lại đây, Bisuco liên tục nợ lương người lao động và tiền thu mua mía của nông dân. Nhiều lần, công nhân phải đình công để gây áp lực thì Bisuco mới chi trả tiền lương, còn nông dân thì phong tỏa nhà máy để đòi nợ.
Hiện Bisuco nợ ông Văn khoảng 7 triệu đồng tiền lương tháng 4 và tháng 5 (do tháng 5 hết vụ ép nên các công nhân tạm nghỉ làm, chỉ còn các khoản tiền chế độ). Vợ ông Văn nấu ăn cho Bisuco cũng bị nợ tiền lương và tiền chợ gần 2 tháng qua.
"Mới đây, lãnh đạo Bisuco kêu gọi công nhân tổ lò hơi - tua bin trở lại nhà máy làm việc từ ngày 6.6 để bảo dưỡng máy móc, thiết bị sau hơn 1 tháng nghỉ (do hết mùa vụ ép mía - PV) . Tuy nhiên, sáng 6.6, chỉ có khoảng 15 công nhân đến nhà máy và đại diện Bisuco thông báo tiếp tục nợ lương người lao động. Các công nhân đã đưa ra yêu cầu "nếu trả lương tháng 4 thì sẽ làm việc, còn không thì sẽ nghỉ" nhưng cuối cùng thì vẫn không nhận được tiền lương”, ông Văn nói.
|
Bà Nguyễn Thị Bích Liên, công nhân tổ KCS của Nhà máy đường Bình Định, cho biết ngoài tiền lương, Bisuco còn nợ các khoản tiền chế độ, như: thai sản, bồi dưỡng sau khi sinh, nghỉ đau ốm... của nhiều lao động nữ. Hai năm qua, nhà máy không tổ chức khám sức khỏe cho người lao động trước khi bước vào vụ ép mới như những năm trước.
“Tôi năm nay 43 tuổi, đã làm việc cho Bisuco hơn 19 năm nhưng chưa bao giờ thấy khó khăn như hiện nay. Tôi nghỉ sinh từ tháng 5.2015 nhưng phải đi đòi tiền chế độ thai sản nhiều lần, công ty hẹn mãi, đến gần 1 năm sau mới chịu chi trả. Giờ công ty còn nợ tôi hơn 5 triệu đồng tiền lương”, bà Liên cho biết.
Tiền lãi về đâu?
Một cán bộ của Bisuco cho biết, năm 2006, thông qua đấu giá, Tập đoàn Anagar Juna (Ấn Độ) đã mua lại khoảng 90% cổ phần của Nhà máy đường Bình Định. Từ đó đến nay, nhà máy liên tục làm ăn có lãi, bình quân mỗi năm trên 100 tỉ đồng. Trong các năm 2015, 2016 tuy gặp nhiều khó khăn nhưng Nhà máy đường Bình Định vẫn sản xuất và kinh doanh có lãi.
Tuy nhiên, trong vòng 3 năm trở lại đây, nhà máy liên tục mặc nợ tiền thu mua mía của nông dân và nợ tiền lương của người lao động. Sự thiếu hụt nguồn tiền tại Nhà máy đường Bình Định là do đơn vị chủ quản đã đầu tư một số tiền lớn vào một nhà máy đường ở nước ngoài.
Theo Công đoàn cơ sở Bisuco, hiện đơn vị có khoảng 390 cán bộ, công nhân. Đến tháng 5.2015, công ty còn nợ tiền lương tháng 4.2016 của người lao động khoảng 1,5 tỉ đồng. Bảo hiểm xã hội chỉ đóng đến tháng 12.2015, đến thời điểm tháng 5.2016 còn nợ bảo hiểm khoảng 2,1 tỉ đồng. Công ty còn nợ tiền mua mía của nông dân khoảng 1 tỉ đồng và không có tiền đầu tư cho vùng nguyên liệu mía trong thời gian lâu dài.
“Hiện công ty chưa có kế hoạch công việc cho thời gian đến do không có tiền để tu sửa máy móc thiết bị, vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động trong thời gian đến rất khó khăn, công nhân không có việc làm. Khoảng 80% lao động làm việc tại công ty trên 15 năm, tuổi đời từ 40 - 50 tuổi nên vấn đề việc làm và tiền lương như hiện tại ảnh hưởng lớn đến tư tưởng và đời sống của người lao động”, ông Lưu Văn Đặng, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Bisuco, cho biết.
Khi chúng tôi liên lạc với giám đốc Nhà máy đường Bình Định để nắm rõ hơn về vụ việc thì chỉ nhận được câu trả lời: “Tôi cũng chỉ là người làm thuê”.
Trong khi đó, lãnh đạo UBND H.Tây Sơn lại nói rằng “nhà máy liên quan đến yếu tố nước ngoài nên chúng tôi không thể trả lời”. Lãnh đạo Sở Công thương Bình Định cho biết chịu trách nhiệm quản lý chính về Nhà máy đường Bình Định là Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định.
tin liên quan
Tuyên án vụ công ty mía đường bán hàng cho công ty Trung Quốc bị “xù” nợLạc, Danh, Phúc là những người có chức vụ, quyền hạn nhưng trong quá trình điều hành kinh doanh đã xuất bán hàng hóa cho 2 công ty Trung Quốc nhưng cố ý sai phạm dẫn đến việc không thu hồi được 55 tỉ đồng.
Khi chúng tôi liên lạc với Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, Cục thuế Bình Định để nắm về tình hoạt động sản xuất khinh doanh và đóng thuế của Nhà máy đường Bình Định thì nhận câu trả lời là lãnh đạo bận đi học, bận họp nên "hẹn tuần sau".
Bình luận (0)