Làm rõ các trường hợp được từ chối cung cấp thông tin cho báo chí

04/11/2015 16:54 GMT+7

(TNO) Một số hành vi nghiêm cấm thông tin trên báo chí như tuyên truyền chống Nhà nước, thông tin xuyên tạc lịch sử... cần được cụ thể hoá để tránh vận dụng tùy tiện.

(TNO) Một số hành vi nghiêm cấm thông tin trên báo chí như tuyên truyền chống Nhà nước, thông tin xuyên tạc lịch sử... cần được cụ thể hoá để tránh vận dụng tùy tiện.

Dao-Trong-ThiChủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi 
- Ảnh: Ngọc Thắng
Đây là quan điểm của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tại báo cáo thẩm tra đối với dự luật Báo chí (sửa đổi), được trình bày trước Quốc hội chiều 4.11.
Đại diện cơ quan thẩm tra cho hay, dự luật còn một số bất cập cần được tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh.
Về quyền tự do ngôn luận trên báo chí, cơ quan thẩm tra cho rằng Hiến pháp 2013 quy định công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí... Tuy nhiên, tại dự luật đã không chỉ rõ chủ thể của quyền tự do báo chí là công dân. Bên cạnh đó, các nội dung quy định liên quan cũng chưa rõ nội hàm và còn trùng lắp.
Cơ quan thẩm tra đề nghị Ban soạn thảo căn cứ vào Hiến pháp, làm rõ hai vấn đề: Chủ thể của quyền tự do báo chí là ai? Nội dung quyền tự do báo chí là gì?
Về những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí, dự luật quy định 12 nội dung và 10 hành vi bị cấm. Cơ quan thẩm tra đề nghị quy định cụ thể hơn một số hành vi nghiêm cấm thông tin trên báo chí (ở các nội dung tuyên truyền chống Nhà nước; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội…; thông tin xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc...) để tránh vận dụng tùy tiện, hạn chế quyền công dân.
Dự luật quy định: “Cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”.
Theo cơ quan thẩm tra, việc bảo vệ nguồn tin của báo chí là vô cùng quan trọng đối với người làm báo. Thực tế hiện nay, loại tội phạm nghiêm trọng rất phổ biến và đa dạng. Nếu quy định như dự luật sẽ gây khó khăn cho người làm báo trong việc bảo vệ nguồn tin. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị chỉ nên yêu cầu việc tiết lộ nguồn tin đối với tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Ngoài ra, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng, dự thảo luật cần bổ sung quy định các trường hợp cơ quan nhà nước được từ chối cung cấp thông tin cho báo chí.
Báo chí đặt văn phòng đại diện chỉ cần thông báo cho địa phương
Về văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của cơ quan báo chí, dự luật quy định văn phòng đại diện, phóng viên thường trú chỉ được hoạt động tại địa phương khi được chấp thuận bằng văn bản của UBND địa phương đó.
Theo cơ quan thẩm tra, quy định như vậy là hạn chế quyền tự do báo chí. Thực tế cho thấy, trong một số trường hợp UBND địa phương gây khó dễ hoặc không đồng ý cho phóng viên thường trú hoạt động do đưa tin, bài viết về các vụ việc tiêu cực của địa phương.
Cơ quan thẩm tra cho rằng, dự thảo luật đã quy định cụ thể điều kiện đặt văn phòng đại diện và tiêu chuẩn của phóng viên thường trú, bởi vậy chỉ cần yêu cầu cơ quan báo chí gửi thông báo đến UBND tỉnh trước khi đặt văn phòng đại diện và cử phóng viên thường trú hoạt động tại địa phương là đủ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.