Sửa luật, cắt 30 - 50% xe công
Siết xe công, tiết kiệm chống lãng phí trước kia vốn nặng về hình thức, khẩu hiệu thì năm 2016 có nhiều chuyển biến. Đặc biệt, Bộ Tài chính với vai trò của cơ quan tham mưu cho Chính phủ, quản lý, sử dụng tài sản công quốc gia đã tiên phong thực hiện khoán xe công từ cấp thứ trưởng đến lãnh đạo các doanh nghiệp trực thuộc Bộ như: Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn (SCIC), công ty mua bán nợ DATC hay các đơn vị sự nghiệp...
Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong năm 2017 Bộ sẽ mở rộng việc thực hiện khoán xe công đi công tác trong nội thành đối với các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô đi công tác.
Điểm quan trọng hơn, theo ông Dũng, Bộ này sẽ đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg theo hướng tiếp tục cắt giảm xe ô tô công, phấn đấu đến năm 2020 giảm từ 30% - 50% số lượng xe ô tô phục vụ công tác chung đang được trang bị cho các bộ, ngành, địa phương; xác định lộ trình thực hiện chế độ khoán kinh phí sử dụng xe ô tô áp dụng đối với chức danh thứ trưởng và tương đương, xe ô tô phục vụ công tác chung nhằm tiết giảm chi phí cho ngân sách.
Hiện nay, Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) đang tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành và địa phương để thống kê lượng xe công cả nước sau khi rà soát, cắt giảm. Tuy nhiên, số liệu mới nhất được cập nhật, với khoảng 37.000 xe công, mỗi một xe đang ngốn 320 triệu đồng/năm. Giả sử, lấy mức khoán xe bình quân của các thứ trưởng là 9 triệu đồng/tháng tức 108 triệu đồng/năm, mỗi năm 1 xe tiết kiệm được 230 triệu đồng. Nếu cắt giảm được 30%, tương đương 11.100 xe, ngân sách giảm chi 2.300 tỉ đồng, cắt 50% tức 18.500 xe, tiết kiệm 4.255 tỉ đồng. Đó là chưa kể nếu sắp xếp, cắt bớt được đội ngũ viên chức lại xe công, con số tiết kiệm được chắc chắn sẽ lớn hơn rất nhiều.
tin liên quan
Giảm xe công, chống lãng phíTránh khoán hình thức, nửa với
Theo kế hoạch được công khai, năm nay Hà Nội sẽ là địa phương tiên phong thí điểm khoán kinh phí xe công tại 8 đơn vị (4 sở và 4 quận/huyện) với mức khoán 9 triệu đồng/lãnh đạo/tháng. Tuy nhiên, dù khoán kinh phí sử dụng xe công cho các lãnh đạo cấp sở và quận, huyện nhưng mỗi đơn vị vẫn được giữ lại 2 xe phục vụ chung theo quy định. Như vậy, nếu đơn vị có 6 lãnh đạo được tiêu chuẩn xe công phục vụ công tác (hệ số phụ cấp từ 0,7 trở lên), sẽ có 2 người được bố trí riêng 2 xe để đi lại thường xuyên, 4 lãnh đạo còn lại sẽ nhận khoán kinh phí hằng tháng (thay vì 2 xe phục vụ cả 6 lãnh đạo như trước).
Với cách khoán này của Hà Nội và của Bộ Tài chính, theo PGS.TS Ngô Trí Long vẫn còn nửa vời. Để chủ trương này phát huy hiệu quả tiết kiệm ngân sách, chống lãng phí, ông Long đề nghị khi khoán rồi cần phải rà soát, cắt giảm ngay lượng xe công và viên chức lái xe dư thừa. “Nếu không, chúng ta sẽ rất dễ rơi tình trạng vừa mất tiền khoán xe, lại vừa mất thêm tiền nuôi xe công và lái xe, dù cả người, và xe ngồi chơi xơi nước”, ông Long nói.
Bên cạnh đó, việc khoán xe theo chuyên gia này cũng không thể nơi làm, nơi không, hay đánh đồng, vơ đũa cả nắm. Chủ trương này cần phải được đưa vào luật như một biện pháp mà tất cả các đơn vị bắt buộc phải làm. Riêng Bộ Tài chính cần tham mưu cho Chính phủ mức khoán kinh phí sử dụng xe công với lãnh đạo các cơ quan địa phương cho phù hợp thực tế. Vì mỗi cơ quan, đơn vị lại có đặc thù riêng. “Tính toán như thế nào cho phù hợp, tránh nơi đi ít khoán nhiều, nơi đi nhiều khoán ít, gây bất bình đẳng, bức xúc cho các đơn vị được khoán”, ông Long đề nghị.
Bình luận (0)