Ngày 7.11, Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN - MT) tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với sự tham gia của 63 Sở TN - MT trên cả nước, xoay quanh chủ đề “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhân dân và doanh nghiệp”.
Trong buổi giao lưu trực tuyến, nhiều người dân và doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM đã gởi câu hỏi chất vấn về nhiều lĩnh vực: quản lý đất đai, môi trường, tài nguyên nước..., trong đó, vấn đề về ô nhiễm nguồn nước được người dân TP.HCM đặc biệt quan tâm.
|
Đại diện Bộ TN - MT khẳng định việc xử lý nước thải sinh hoạt thuộc trách nhiệm chung của nhà nước. Để triển khai thực hiên các quy định này của Luật Tài nguyên nước, các địa phương cần có kế hoạch đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý, tiêu dẫn nước thải sinh hoạt cho cả khu vực đô thị, nông thôn.
Nhiều người dân TP.HCM cũng quan tâm đến các quy định về giấy phép xả thải đối với nước thải sản sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Trong buổi giao lưu trực tuyến, một người dân sống tại TP.HCM cũng đặt câu hỏi về quy định đưa nước thải vào lòng đất: “Công ty chúng tôi xả nước thải ra cống thoát chung của thành phố. Cuối phần cống thoát chung là mương đất trước khi dẫn vào sông. Vậy việc chống thấm chống tràn mương đất là trách nhiệm của ai? Quy định tại văn bản nào?”.
Đại diện Bộ TN - MT khẳng định trường hợp trên là mương của hệ thống tiêu thoát nước, trong đó có nước thải, thuộc phạm vi trách nhiệm của địa phương.
Đối với việc lắp đặt đồng hồ đo lưu lượng nước thải, chị Nguyễn Thị Hồng (30 tuổi, ngụ TP.HCM) gởi chất vấn đến Bộ TN - MT: “Xin Bộ cho biết việc xác định vị trí lắp đặt đồng hồ đo lưu lượng nước thải được quy định, hướng dẫn tại văn bản nào để cơ sở chúng tôi không phải lắp đặt đi lắp đặt lại đồng hồ đo lưu lượng theo các yêu cầu của đoàn kiểm tra”.
Đại diện Bộ TN -MT cho biết giấy phép xả nước thải vào nguồn nước chỉ yêu cầu quan trắc được lưu lượng nước thải, không nhất thiết phải lắp đặt đồng hồ. Vị trí lắp đặt bảo đảm đo được lưu lượng và thuận tiện cho việc kiểm tra, giám sát của cơ quản lý.
TP.HCM chỉ mới có 2 nhà máy xử lý nước thải
Tại buổi làm việc với Ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND TP.HCM) về tình hình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP, ngày 13.10, ông Hà Văn Dũng, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ - Môi trường TP.HCM, cho biết toàn bộ TP quy hoạch có 12 lưu vực để thu gom và xử lý nước thải, nhưng chỉ có 2 lưu vực, nhà máy xử lý nước thải hoạt động là Bình Hưng và Bình Hưng Hòa, đạt khoảng 200.000 m3. Trong khi lưu lượng xả thải hiện nay là 1,8 triệu m3. 9 tháng đầu năm thanh kiểm tra việc xử lý môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại 5 huyện do Sở thực hiện và hồ sơ từ các huyện chuyển lên yêu cầu xử phạt, tổng cộng có 31 trường hợp vi phạm và đã ban hành quyết định xử phạt.
Tổng hợp trên địa bàn TP, đến nay còn tồn đọng 1.026 cơ sở sản xuất kinh doanh và 581 hộ chăn nuôi chưa đạt chuẩn môi trường.
Đình Sơn
|
Bình luận (0)