Rác thải nhập tràn ngập các cảng
Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện các vụ nhập chất thải núp bóng việc nhập phế liệu như: nhập sắt thép lẫn săm lốp và thùng đựng hóa chất, nhập linh kiện điện tử cũ, bình ắc-quy đã qua sử dụng... tại Hải Phòng, Quảng Ninh, TP.HCM và một số địa phương khác. Chẳng hạn, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng khu vực 2 phát hiện 10 container xỉ sắt đóng cục có khối lượng 216,765 tấn, bẩn và có giá trị thấp đang trong tình trạng vô chủ sau khi nhập vào cảng Tiên Sa. Công ty CP xây dựng và nội thất Thái Sơn đã ký hợp đồng tạm nhập, tái xuất với một công ty của Hồng Kông với hàng hóa trên vận đơn là 800 tấn silicon từ Hồng Kông qua Trung Quốc. Khi làm thủ tục hải quan tại Móng Cái thì phát hiện 14 container không đúng chủng loại (vừa chứa silicon lẫn ắc-quy khô và vi mạch điện tử đã qua sử dụng). Ngay sau khi xuất được lô hàng này, công ty của Hồng Kông đã tuyên bố phá sản. Mới đây, lực lượng hữu trách phát hiện 592 container hàng hóa đang tồn lưu tại các cảng Đình Vũ, Đoạn Xá, Greenport, Transvina đều của Hải Phòng. Qua phân loại ban đầu cho thấy có tới 120 container chứa sắt thép phế liệu, nhựa phế liệu, giấy phế liệu, linh kiện điện tử cũ, ắc-quy chì phế liệu... Mở 39
container trong số này thì tất cả đều vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Thống kê của PC49 Công an Hải Phòng cho thấy trong 3 năm (2003-2006) đã có gần 2.300 container chứa gần 37.000 tấn ắc-quy chì phế thải đã được nhập vào cảng Hải Phòng. Trong hai năm 2008 - 2009, tiếp tục phát hiện 340 container rác phế liệu và hàng chục container ắc-quy chì phế thải, vi mạch điện tử được nhập cảng. Tính từ đầu năm tới nay, cảng Hải Phòng có hơn 300 container chất thải vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường lưu bãi. P.H.S |
Nước ngoài cho tiền để DNVN nhập rác
Ông Hoàng Minh Đạo, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm (thuộc Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT) cho biết, pháp luật đã quy định, chỉ được nhập khẩu phế liệu nằm trong danh mục được phép nhập khẩu của Bộ TN-MT, chỉ nhập để phục vụ trực tiếp sản xuất và phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, rất nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng chủ trương này để nhập chất thải, trong đó có chất thải nguy hại bất chấp Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 đã quy định: cấm nhập khẩu, quá cảnh chất thải dưới mọi hình thức.
*Dư luận lo ngại VN sẽ trở thành bãi chất thải của thế giới. Xin ông cho biết ý kiến của mình về nguy cơ này?
- Những năm gần đây, chúng tôi nhận thấy, đang có một xu hướng chuyển chất thải dưới hình thức phế thải từ các nước phát triển vào các nước đang phát triển, trong đó có VN. Từ xu thế này, cộng với thực tế việc nhập phế liệu có lẫn chất thải vào nước ta trong những năm vừa qua, chúng tôi cho rằng, trở thành bãi chất thải của thế giới là nguy cơ hiện hữu đối với nước ta nếu khâu quản lý, ngăn chặn không đem lại hiệu quả như mong muốn.
Ông Hoàng Minh Đạo - Ảnh: Q.Duẩn |
*Thưa ông, tại sao dư luận đã cảnh báo mạnh mẽ về nguy cơ này nhưng tình hình nhập chất thải vào nước ta vẫn không được cải thiện?
- Thực trạng này, theo tôi bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, tổ chức và cá nhân không phải trả tiền mua chất thải, thậm chí còn được đối tác nước ngoài cho thêm tiền để nhập về và họ còn kiếm được mối lợi từ việc bóc tách linh kiện điện tử cũ, bình ắc-quy cũ... để lấy vàng, bạc, chì, thủy ngân... Đây là món lợi rất lớn, có sức cám dỗ lớn đối với một số cá nhân, tổ chức nên họ tìm mọi thủ đoạn tinh vi để lách luật, nhập chất thải về. Chẳng hạn, tổ chức, cá nhân trong nước nhập khẩu chất thải núp bóng dưới hình thức nhập phế liệu thông qua một công ty “ma” bên nước ngoài. Khi hàng vừa được dời đi khỏi cảng nước đó, công ty này lập tức tuyên bố phá sản để phủi trách nhiệm. Hay như trong vụ các container tồn lưu tại các cảng của Hải Phòng như nêu trên, có trường hợp người gửi hàng không ghi rõ địa chỉ người nhận và không thanh toán tiền vận chuyển cho hãng tàu, có địa chỉ người nhận nhưng là địa chỉ không có trên thực tế...
Bên cạnh đó, vẫn còn một số bất cập, tạo ra các lỗ hổng để các đối tượng vi phạm lợi dụng. Lực lượng hải quan thiếu trang thiết bị hiện đại để soi và phát hiện hàng vi phạm ngay trên tàu vận chuyển nên khi đã đưa container vào kho thì khó mà tái xuất được nữa. Việc ngăn chặn từ xa các container phế liệu chứa chất thải không đem lại hiệu quả cao và trong nhiều trường hợp là không thể thực hiện được vì quy định pháp luật của mỗi nước mỗi khác.
Kinh doanh sẽ không được nhập rác thải
Đó là một trong những điểm quan trọng của dự thảo sửa đổi Thông tư liên tịch số 02 của Bộ Công thương và Bộ TN-MT để hạn chế việc nhập rác thải vào VN. Ông Hoàng Minh Đạo cho biết, dự thảo lần 3 của thông tư này đã không còn cho phép đối tượng nhập phế thải với mục đích kinh doanh được tham gia nhập khẩu nữa. Quy định trong Thông tư số 02 cho phép 3 đối tượng được nhập phế liệu, gồm: thương nhân trực tiếp sử dụng phế liệu nhập khẩu để sản xuất, thương nhân nhập khẩu ủy thác cho thương nhân trực tiếp sử dụng phế liệu và thương nhân nhập khẩu để phân phối. Thực tế, đối tượng nhập khẩu để phân phối là “nhiều chuyện nhất”, các vi phạm chủ yếu xảy ra đối với đối tượng này. Dự thảo Thông tư sửa đổi thông tư số 02 cũng phân rõ trách nhiệm của các bên liên quan, có cơ chế tăng cường sự phối hợp hiệu quả. Bên cạnh đó, Nghị định 117 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định mức phạt cao nhất tới 500 triệu đồng, buộc tái xuất, và trong trường hợp không tái xuất được thì cá nhân và tổ chức nhập khẩu phải chịu toàn bộ chi phí xử lý tiêu hủy.
* Hiện tình trạng RTCN nhập về Hải Phòng đang diễn biến rất phức tạp. Các tổ chức kinh tế, cá nhân trong nước và nước ngoài câu kết móc nối với nhau để vận chuyển hàng hóa vi phạm vào VN dưới hình thức ký hợp đồng xuất nhập khẩu hoặc tạm nhập tái xuất sang nước thứ ba. Nội dung hợp đồng, thủ tục khai báo hải quan đều thể hiện là những mặt hàng hợp pháp nhưng thực chất bên trong container là phế thải. Khi bị phát hiện, các DN trong nước đứng tên trong các bộ chứng từ thanh toán (packing list) lại từ chối nhận hàng với lý do: hàng không đúng hợp đồng, chủ hàng nước ngoài gửi nhầm địa chỉ... Các DN nước ngoài thể hiện trên packing list đều là những DN “ma” ở các nước xuất xứ và nước nhập khẩu. Vì vậy, khi thông qua kênh Interpol đều không xác định được chủ thể vi phạm. Mặt khác, các DN vi phạm thường dùng thủ đoạn xếp hàng có vi phạm ở trong và hàng hóa đúng quy định bên ngoài.
Thượng tá Nguyễn Đức Đáng, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về môi trường (PC49 - Công an Hải Phòng) Phạm Hải Sâm (ghi) * Nguy hiểm nhất là việc rác thải phát tán ra môi trường. Về lâu về dài, những chất độc hại của RTCN sẽ phát tán ra môi trường gây ra các bệnh ngoài da, hô hấp, mắt, ung thư... Trong khi VN lại chưa có tổ chức nào đứng ra thu gom RTCN, chủ yếu vẫn là tư nhân “khai thác” bãi rác. Việc đề nghị cấm nhập rác thải điện tử đã được hiệp hội kiến nghị lên các cơ quan quản lý từ rất lâu, song cho đến nay chúng vẫn ồ ạt đổ vào VN. Ông Trần Quang Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội DN điện tử VN * Những tụ điện, mạch điện hoặc ắc-quy chì đều là chất thải độc hại, có thể gây ô nhiễm môi trường. Theo tôi được biết, các chân điện cực trong vi mạch có vàng, không ngoại trừ khả năng họ nhập rác thải về để thu hồi vàng. Nói chung, dù nhập về mới mục đích gì đi chăng nữa nhưng theo quan điểm của tôi là không nên nhập RTCN. Về lâu về dài, VN sẽ biến thành kho chứa rác cho những nước phát triển. PGS Vũ Ngọc Hùng, Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế về khoa học vật liệu (ĐH Bách khoa Hà Nội) T.Hằng (ghi) |
Quang Duẩn
Bình luận (0)