Nhiều người đã đăng ký hiến tạng sau khi chết não với hy vọng cứu sống những người khác. Bằng cách đó, sự sống được duy trì trên cơ thể của những người ghép.
Năm 2015, bệnh viện Chợ Rẫy có 22 bệnh nhận được cứu từ 7 người hiến tạng chết não - Ảnh: CTV |
Ngỡ như mơ
Chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Thoan (38 tuổi, TP.HCM) trong buổi tái khám đặc biệt dành cho bệnh nhân ghép thận từ người ngưng tim. Anh Thoan luôn miệng cười và hào hứng chia sẻ về tiến triển sức khỏe của mình với các y, bác sĩ của phòng khám ghép thận.
Anh Thoan kể năm 2005, anh thường xuyên chóng mặt, mệt mỏi, chán ăn và không thể làm được việc gì nên đi khám. Các bác sĩ thông báo anh bị suy thận và bắt buộc phải chạy thận để duy trì sự sống.
“Nhận kết quả, tay chân tôi rụng rời. Tôi ra Huế và Hà Nội để kiểm tra lại nhưng vẫn chung một kết luận. Về lại TP.HCM, tôi bắt đầu chạy thận tại Bệnh viện nhân dân Gia Định (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) 3 buổi/tuần”, anh Thoan nhớ lại.
Ròng rã gần 10 năm, sức khỏe chẳng còn như trước, anh Thoan phải chuyển sang buôn bán tại nhà. Anh Thoan chia sẻ: “Thời gian đó, tôi ăn gì cũng thấy mệt, không ăn được nhiều, người cứ uể oải. Sau này nghe nhiều người cũng chạy thận nói ghép thận sẽ khỏe hơn nên tôi đăng ký”.
Trưa 18.6.2015, đang bán sắt tại nhà, anh nhận được điện thoại của bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu (Trưởng đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người – Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM) mời đến xét nghiệm kiểm tra sự hòa hợp với người hiến.
Sáng sớm hôm sau, anh nhận thông báo kết quả xét nghiệm cơ thể của anh phù hợp với người hiến. Ngay sau đó, anh Thoan được đưa vào phòng phẫu thuật để ghép thận.
“Tỉnh dậy nhìn mọi thứ xung quanh mà cứ ngỡ là mơ. Tôi như được sinh ra một lần nữa. Ngay lập tức, tôi muốn chạy đến để cảm ơn gia đình của người hiến tạng quý cho mình, nhưng quy định của bệnh viện là giấu tên người hiến nên tôi chỉ biết cố gắng chăm lo cho sức khỏe của mình thật tốt”.
Anh Thoan cho biết, trong thời gian chăm sóc anh ở phòng hậu phẫu, vợ của anh là chị Trần Thị Tính cũng đã đăng ký hiến tạng với hy vọng sau khi chết đi sẽ cứu giúp được nhiều người như chính người đã mang tới cho anh một cuộc đời khác.
Anh Thoan khỏe mạnh sau 6 tháng ghép thận - Ảnh: Vũ Phượng
|
Cuộc sống mới
Cùng những cảm xúc như anh Thoan sau ca phẫu thuật ghép thận, chị Trần Thị Quỳnh Trâm (40 tuổi, TP.HCM) vẫn không thể nào quên được cảm giác khi vừa được người nhà đẩy ra khỏi phòng hậu phẫu.
Chị Trâm nhớ lại: “Ra khỏi phòng hậu phẫu, tôi thấy mình khỏe hẳn lên, khỏe hơn cả lúc chưa bị bệnh”. Vẫn nguyên vẹn cảm xúc khoảnh khắc lịch sử trong đời, chị hào hứng kể khi đó chỉ muốn đi lại và làm việc thay vì nằm dưỡng bệnh.
“Mang trong mình bộ phận cơ thể của người đã khuất làm cho mình sống có trách nhiệm hơn, nhìn nhận cuộc sống cũng khác đi. Bây giờ thấy yêu đời lắm, nhìn đâu cũng thấy những hành động cao đẹp”, chị Trâm chia sẻ.
Cũng như anh Thoan, sau ca phẫu thuật ghép thận thành công, chị Trâm luôn giải thích cho mọi người xung quanh về ý nghĩa của việc hiến tặng tạng quý.
Bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu cho biết, một người hiến đa tạng sau khi chết não sẽ cứu được 8 - 10 người sống. Ở Việt Nam việc vận động hiến tạng đã được thực hiện trong 20 năm nay. Riêng tại Bệnh viện Chợ Rẫy, trong năm 2015, có 7 trường hợp hiến đa tạng cứu sống được 22 người.
BS Dư Thị Ngọc Thu tư vấn hiến tạng tại bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: CTV
|
Bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu cho biết, để có thể nhận tạng từ người hiến, bệnh nhân cần phải có sự hòa hợp về nhóm máu và hòa hợp về miễn dịch với người hiến. Chính vì vậy, có những trường hợp nằm trong danh sách chờ rất lâu nhưng vẫn chưa được ghép tạng.
“Khi có người hiến bệnh viện sẽ xét nghiệm ngay miễn dịch của họ, lấy kết quả đó so với kết quả của những người đang chờ trên danh sách. Những xét nghiệm về miễn dịch của những người chờ luôn có sẵn, ai là người hòa hợp nhất thì người đó sẽ được ưu tiên, chỉ phân biệt ai trước ai sau trong trường hợp có 3 - 4 người trùng hợp. Người chạy thận lâu nhất sẽ được chọn nếu điều kiện sức khỏe của họ bảo đảm cho cuộc mổ ghép”, bác sĩ Thu nói.
|
Bình luận (0)