Sáng nay 18.7, đại tá Dương Hoài Nam, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Quảng Nam đã trao đổi nhiều nội dung với báo chí xung quanh vụ án phá rừng Pơmu quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại địa bàn xã La Dêê, H.Nam Giang nằm ngay trên vành đai biên giới Việt – Lào. Chưa kể, nhiều vị trí cất giấu gỗ vừa phát hiện thậm chí nằm rất sát Trạm kiểm soát Biên phòng cửa khẩu Nam Giang.
Vụ phá rừng nghiêm trọng
Đúng 1 tuần kể từ khi bãi gỗ Pơmu bị người dân phát hiện và trình báo cơ quan chức năng và sau đó liên tiếp phát hiện thêm các điểm tập kết khác, sáng nay đại tá Dương Hoài Nam nhận định: “Đây là vụ phá rừng đầu tiên mang tính chất nghiêm trọng trong khu vực quản lý của tôi”.
Ngày 9.7, người dân địa phương phát hiện bãi gỗ Pơmu tập kết tại xã La Dêê. Đến 12.7, số gỗ được tập kết về đến xã Chà Vàl được kiểm đếm được 280 phách khối lượng 28m3. Đến ngày 14.7, các cơ quan nội chính H.Nam Giang kiểm đếm tại hiện trường, ghi nhận có đến khoảng 60 gốc Pơmu đường kính 04, - 0,8m đã bị triệt hạ, ghi nhận thêm khoảng 5m3 gỗ chưa kịp chuyển ra khỏi hiện trường. Sau đó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm rừng phòng hộ Nam Sông Bung ký quyết định khởi tố vụ án, chuyển hồ sơ cho Công an H.Nam Giang tiếp tục điều tra.
|
Nhưng vụ việc chưa dừng lại ở đó. Có thêm 15 m3 gỗ nữa lần lượt được phát hiện, có điểm nằm rất gần khuôn viên Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang và Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu Nam Giang.
Cụ thể, trong ngày 16.7, CQĐT Công an H.Nam Giang phát hiện 115 phách gỗ Pơmu nằm ngay phía sau dãy nhà làm việc của Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang, gần 30 phách nằm cách Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu Nam Giang (thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang) chỉ chừng 15m. Chưa kể 110 phách gỗ khác tại khu vực xưởng gỗ của các ông Nguyễn Ngọc Vũ, Phạm Xuân Trường và 2 bãi tập kết gần đó. Tổng cộng, đã có 48m3 gỗ Pơmu được tìm thấy tính đến sáng nay (18.7).
Dư luận đang đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm quản lý địa bàn tại khu vực biên giới của lực lượng biên phòng, nhất là những bãi gỗ lậu nằm khá “gần” các trạm kiểm soát.
Về bãi gỗ giấu trong nhà hoang cách Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu Nam Giang chỉ khoảng 15m, đại tá Dương Hoài Nam nói: “Nếu lực lượng biên phòng biết thì sẽ tạm giữ, lập biên bản. Nếu biết mà không làm (tức tạm giữ - PV) thì đâu còn là người lính biên phòng nữa!”.
Tuy nhiên, đại tá Dương Hoài Nam cũng chỉ ra trách nhiệm của lực lượng biên phòng ở Nam Giang trong vụ phá rừng và cho rằng có tình trạng “thiếu trách nhiệm”: “Nhiệm vụ chính của Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu Nam Giang là kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu qua biên giới, nhưng không có nghĩa không nắm địa bàn và xử lý các vấn đề khác”.
“Đau đầu và choáng váng”
Dư luận về khả năng lực lượng biên phòng bảo kê, tiếp tay cho lâm tặc dễ dàng phá rừng tại khu vực biên giới đang khiến vị Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Quảng Nam chịu nhiều áp lực suốt 1 tuần qua.
|
Đại tá Dương Hoài Nam nói: “Dư luận đặt ra các vấn đề bảo kê, các nhà báo có nghĩ như thế thì cũng không ai trách cứ. Với tư cách cá nhân, là người chỉ huy của BĐBP tỉnh Quảng Nam, dư luận đó đặt ra cho chúng tôi nhiều suy nghĩ. Trách nhiệm của chúng tôi bây giờ là phối hợp với các cơ quan chức năng để đi đến kết luận cuối cùng”.
“Tôi cũng thấy đau đầu và choáng váng lắm chứ các nhà báo!”, ông tâm sự thêm.
Theo nhận định của đại tá Dương Hoài Nam, những gì CQĐT Công an H.Nam Giang phát hiện chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, và hiện Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Nam không tiện đưa ra các kết luận.
“Nếu nói cán bộ, chiến sĩ thuộc thẩm quyền của tôi không vi phạm thì đó là kết luận vội vàng, chủ quan, niềm tin đặt không đúng chỗ. Tôi chỉ có niềm tin là cán bộ chiến sĩ của chúng tôi không vi phạm. Tôi không tin lính mình vi phạm, vì chúng tôi có cả hệ thống và bộ máy, đã làm hết sức mình trong việc giáo dục. Nhưng nhân vô thập toàn mà, tôi có cả ngàn người lính. Sự việc lần này rất bất ngờ và đột ngột. Tôi không thể yên tâm tuyệt đối!”.
Đại tá Dương Hoài Nam cũng đề nghị dư luận bình tĩnh “vì đây là việc không hề nhỏ”.
Ông khẳng định quan điểm của BĐBP Việt Nam nói chung, của BĐBP tỉnh Quảng Nam nói riêng là rất rõ ràng: Phải điều tra ai vi phạm để có hình thức kỷ luật nghiêm khắc, tước quân tịch và tước danh hiệu sĩ quan, không thể tiếp tay cho lâm tặc.
Đại tá Dương Hoài Nam cũng nhận trách nhiệm của người đứng đầu: “Lính làm quan chịu. Nếu người lính hoặc đầu mối nào đó của lực lượng biên phòng vi phạm, thì người đứng đầu phải liên đới trách nhiệm”.
Trả lời PV Thanh Niên về “hướng xử lý chịu trách nhiệm” của mình như thế nào, đại tá Dương Hoài Nam nói tất cả còn chờ kết luận của cơ quan tố tụng. “Ngoài việc chờ kết luận đó, bản thân tôi cũng đã huy động lực lượng chuyên môn của biên phòng để điều tra. Chúng tôi cử thanh tra làm rõ các vấn đề nội bộ, họp kiểm điểm rút kinh nghiệm. Từ ngày 11.7 tôi đã cử Phó phòng Điều tra tội phạm ma túy lên Nam Giang tiếp cận địa bàn rồi”.
|
Đại tá Dương Hoài Nam quả quyết: “Anh em hãy tin BĐBP Quảng Nam, làm gì cũng đảm bảo tính nghiêm minh. Khi vụ việc đã rõ ràng thì sẽ có biện pháp xử lý. Giờ mà điều động, đình chỉ trạm trưởng và trạm trưởng biên phòng Nam Giang là vội vã, nôn nóng”.
Trả lời PV Thanh Niên, ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết hiện lãnh đạo tỉnh đang chờ báo cáo chính thức về vụ việc. Dự kiến trong tuần này sẽ họp với các ngành liên quan để nghe báo cáo toàn bộ vụ việc và mổ xẻ nguyên nhân; trước mắt chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương vào cuộc, xử lý nghiêm.
Sáng nay 18.7, lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh Quảng Nam cho biết cũng đang chờ báo cáo cụ thể về vụ 115 phách gỗ được phát hiện trong khuôn viên Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang.
|
Bình luận (0)