Dưới đây là ý kiến của TS Đinh Thị Thanh Bình, Viện trưởng Viện Quản lý quy hoạch và GTVT xoay quanh vấn đề ùn tắc và giải pháp:
"Một trong những lời giải hiện nay cho ùn tắc giao thông tại Hà Nội là xây đô thị vệ tinh, thậm chí có ý kiến cho rằng nên xây Thủ đô mới tại Hòa Lạc… Việc biến đô thị thành đô thị đa trung tâm sẽ giảm bớt được số lượng các chuyến đi xuyên tâm, giảm dần ùn tắc.
Tuy nhiên, quy hoạch đa trung tâm hướng ra ngoài hoặc xây dựng Thủ đô mới cực kỳ dài hạn, vài chục năm, thực hiện rất chậm và phải có tiền mới thực hiện được. Việc di dời trường học, cơ quan nhà nước càng khó nhanh do cần vốn, hoặc nhiều cơ quan không muốn di dời trụ sở. Vậy trước mắt, tình trạng ùn tắc trầm trọng của Hà Nội cần được giải quyết như thế nào?
Về mặt nguyên tắc, phát triển hạ tầng giao thông phải song song với xây dựng đô thị, không có chuyện đô thị mới mọc lên nhưng chỉ có một con đường, tạo áp lực quá lớn lên hạ tầng giao thông. Nhưng thực tế vốn xã hội hóa đổ vào các khu đô thị mới quá nhiều trong khi hạ tầng giao thông thành phố không đủ đáp ứng. Điển hình là hàng loạt khu đô thị mới tại Hà Đông nhưng áp lực hạ tầng chỉ đổ lên 2 trục lớn là Lê Trọng Tấn và Nguyễn Trãi, vì không đủ giảm tải nên áp lực tiếp tục dồn lên trục Lê Văn Lương kéo dài…
Tốc độ phát triển đô thị nhanh hơn hạ tầng giao thông là bài toán mà cơ quan quản lý quy hoạch cần giải quyết. Phải có quy định yêu cầu chủ đầu tư đánh giá tác động giao thông, có giải pháp giảm tác hại đến giao thông khi xây dựng cao ốc, khu đô thị. Điều này tương tự như khi xây dựng nhà máy, chủ đầu tư phải đánh giá tác động môi trường do dự án gây ra.
Điều này là cần thiết bởi xây khu đô thị sẽ gia tăng áp lực, thu hút rất nhiều chuyến đi, các nút giao thông trọng yếu nhất xung quanh khu đô thị sẽ bị ảnh hưởng. Nhìn thấy rất rõ dù khu đô thị có lớn như thế nào thì chỉ có một vài cổng ra – vào, khi lượng lớn phương tiện dồn ra ngoài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tuyến xung quanh.
Thủ tướng nhấn mạnh việc tập trung mật độ cao quá ở trung tâm thì dứt khoát ùn tắc cho nên Hà Nội chưa cho xây dựng nhà cao tầng khi phương án giao thông chưa có lối ra.
Trong 12 tiêu chí thi tuyển giải pháp chống ùn tắc giao thông mà Hà Nội đặt ra cho các tổ chức tư vấn, không có quản lý quy hoạch, trong khi đây là thực trạng của Hà Nội hiện nay. Vận tải công cộng phải đi song hành với phương tiện cá nhân, nhưng vận tải công cộng hiện nay chưa phát triển nên trước mắt bước 1 phải có phương án tổ chức giao thông hiệu quả, như không cho đỗ xe lòng đường, vỉa hè, quản lý vỉa hè trật tự. Phương tiện đã kẹt cứng không có đường đi nhưng nhiều phố vẫn cho trông giữ xe tại lòng đường hoặc đỗ xe trái phép lòng đường quá nhiều…
Bước 2 khi vận tải công cộng phát triển thì mới tính đến quản lý quy hoạch phương tiện cá nhân.
Bước 3 là quản lý quy hoạch, công cụ quản lý quy hoạch nằm trong tay nhà nước, đó chính là việc giải bài toán quy hoạch đô thị và hạ tầng giao thông".
Bình luận (0)