Trong các loại tài nguyên khoáng sản, cát có lẽ là loại dễ khai thác nhất và phổ biến nhất. Khắp cả nước, địa phương nào có sông là hầu như có tình trạng khai thác cát bừa bãi. Từ sông Cầu, sông Lô, sông Chảy, sông Đà, sông Hồng... ở miền Bắc; xuống sông Chu, sông Mã, sông Lam, sông Cả, sông Hương... ở miền Trung; cho đến sông Đồng Nai, sông Tiền, sông Hậu, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên... ở miền Nam, ở đâu cát "tặc" cũng cào, cũng cạp, cũng hút.
Hoạt động khai thác cát trái phép của các chủ phương tiện ngày càng tinh vi, sử dụng phương tiện có trọng tải nhỏ để dễ bề tẩu thoát, hoặc khai thác ở địa bàn giáp ranh giữa hai xã, hai huyện hay hai tỉnh để cán bộ chính quyền làm ngơ vì cho rằng không phải địa bàn mình quản lý, rồi "hút" ngày không đủ, tranh thủ "hút" đêm.
Đất đai trôi sông
Hoạt động xuất khẩu cát xây dựng của Việt Nam đến nay vẫn còn nhỏ lẻ, mang tính thời vụ, thiếu tổ chức và quản lý thống nhất, thiếu thông tin về thị trường của các nước nhập khẩu (thị trường nhập khẩu cát vàng xây dựng chủ yếu là Singapore và Đài Loan). Tổng lượng cát xuất khẩu năm 2007 chỉ đạt khoảng hơn 310.000 tấn. Trong nước, chưa có địa phương nào quy hoạch khai thác cát để phục vụ xuất khẩu, nên khi thị trường xuất khẩu có nhu cầu, phía chính quyền địa phương gặp ngay lúng túng, gây khó khăn cho doanh nghiệp. |
Chỉ mới khuya 25.3, Cảnh sát giao thông đường thủy (PC25) - Công an tỉnh Đồng Nai phát hiện 2 ghe đang hút cát tại ấp 4, xã Bình Lợi (H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai) nên đuổi bắt. Khi chạy đến gần bến đò, qua thị trấn Uyên Hưng (H.Tân Uyên, Bình Dương) thì cả 2 ghe đều bị chủ phương tiện đánh chìm để phi tang. Trước đó, ngày 24.3, công an xã phải nổ súng bắn chỉ thiên khi phát hiện ghe đang hút cát lậu ở ấp 2 theo tin báo của người dân. Còn tại khu vực xã Long Tân (H.Nhơn Trạch, Đồng Nai), ông Nguyễn Văn Tốt ở rạch Kè cho biết: "Có đêm bọn cát "tặc" đi thành từng đoàn 5 - 7 ghe, thậm chí vài chục chiếc. Có thửa ruộng chỉ sau một đêm là biến mất, thay vào đó là dòng nước sông, rạch đã lấn sâu vào bên trong".
Khai thác cát làm sạt lở ven sông Đồng Nai, đoạn qua xã Bình Lợi - Ảnh: Hoàng Tuấn |
Chúng tôi tiếp tục đến hồ Dầu Tiếng (ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, H.Dầu Tiếng, Bình Dương) để tìm hiểu nạn khai thác cát ở đây. Lân la làm quen, một cát "tặc" tên C. tiết lộ, nhóm của anh mỗi ngày hút trên dưới 20m3 cát, cứ mỗi khối cát anh được trả công 10.000 đồng. Bây giờ các bãi cứ hút được bao nhiêu thì bán ngay, chứ không dám chất cao thành núi như trước vì số lượng cát tồn đọng đã được kiểm kê, chốt lại từ cuối năm 2008. Một chủ quán nước gần khu vực hồ cho biết: "Sau khi có văn bản của Bộ cấm khai thác, một số "đầu nậu" giả vờ xin phép mở điểm kinh doanh vật liệu xây dựng, nhưng thực tế vẫn ngấm ngầm khai thác". Ông chủ quán này chỉ cho chúng tôi xem bãi cát L. rộng khoảng 2.000m2, cao ngút, mỗi ngày hàng chục xe lũ lượt vào mua bán. Đến bãi L., một "quản lý" bãi nói "đang bán cát tồn đọng" nhưng chúng tôi phát hiện gần đó một chiếc tàu đang nổ máy bơm "ầm ầm" đưa cát từ dưới sông lên bờ.
Khai thác cát không phép rất phổ biến Một báo cáo do Sở TN-MT Đắk Lắk công bố mới đây khiến nhiều người giật mình. Có 7 loại khoáng sản được khai thác chủ yếu ở tỉnh này là: đá xây dựng thông thường, cát xây dựng, sét gạch ngói, than bùn, fenspat, chì - kẽm, đá granit. Toàn tỉnh chỉ có 50 tổ chức với 64 giấy phép khai thác, chế biến; còn lại 19 tổ chức, 254 hộ cá thể hoạt động không có giấy phép. Khai thác trái phép nhiều nhất là 2 loại: cát xây dựng, sét gạch ngói. Có 68 trường hợp khai thác cát, nhưng chỉ có 2 tổ chức có giấy phép; còn lại 8 tổ chức, 58 hộ cá thể khai thác trái phép, khối lượng khai thác cát hằng năm khoảng nửa triệu m3. Trần Ngọc Quyền |
Khó ngăn chặn nạn cát "tặc"
Ông Nguyễn Trọng Thanh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên khai thác thủy lợi Dầu Tiếng cho biết, mặc dù Bộ NN-PTNT có văn bản yêu cầu tất cả các đơn vị tạm ngừng khai thác cát để bảo vệ công trình thủy lợi (ngày 28.4.2005), nhưng sau gần 4 năm, tình hình khai thác cát trái phép vẫn lén lút diễn ra trên cả 3 địa phương có ranh giới giáp với hồ là Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước. Theo ông Thanh, giải pháp trước mắt để bảo vệ hồ Dầu Tiếng là phối hợp cùng cảnh sát, bảo vệ hồ tăng cường kiểm tra, xử lý các ghe hút cát trái phép. Còn ông Lê Hữu Dũng, Trưởng phòng TN-MT huyện Dầu Tiếng nói rằng: "Đã thu hồi hết giấy phép khai thác cát trên khu vực hồ Dầu Tiếng. Hiện các bãi cát hoạt động trên danh nghĩa là cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng với giấy phép do tỉnh cấp nên địa phương không thể xử lý được. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ kiến nghị Sở TN-MT phối hợp cùng địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý các sai phạm tại các bãi cát, nhất là tình trạng khai thác cát trái phép".
Về nạn khai thác cát trên sông Đồng Nai, ông Võ Văn Chánh - Phó giám đốc Sở TN-MT Đồng Nai cho biết, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (ngày 24.9.2004 - PV), Sở đã tạm thời cấm khai thác cát xây dựng trên hệ thống sông Đồng Nai (từ phía dưới đập Trị An đến hạ nguồn), đồng thời cấm khai thác cát nhiễm mặn thuộc hệ thống các sông Nhà Bè, Đồng Tranh Lòng Tàu. Hiện nay, Sở TN-MT Đồng Nai chỉ cho phép khai thác gồm 4 khu vực trên sông hồ với diện tích 800 ha (trữ lượng 960 triệu m3) gồm thượng nguồn sông Đồng Nai, sông La Ngà, lòng hồ Trị An và sông Buông. "Qua kiểm tra cho thấy, tình hình khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai, các sông suối vẫn diễn ra khá phức tạp. Dù Thanh tra sở cùng với Phòng PC25, UBND các huyện đã cố gắng trong việc kiểm tra, bắt giữ và xử lý, nhưng trên thực tế vẫn chưa ngăn chặn được nạn khai thác trái phép hiện nay" - ông Chánh thừa nhận.
Báo động khẩn cấp các di chỉ khảo cổ học Tình hình khai thác cát trên sông Đồng Nai (địa bàn huyện Cát Tiên, Lâm Đồng) diễn ra cũng rất khó kiểm soát. Điều đáng nói, việc khai thác cát đã làm sụp lở đất 2 bên bờ sông ở phía bờ nam sông Đồng Nai, nơi các nhà khảo cổ đã phát hiện 23 di chỉ khảo cổ học kéo dài từ Hàng Gòn qua Suối Quýt, Suối Cả... Ở đâu hai bên dòng sông Đồng Nai cũng còn in dấu từ các làng cổ, công xưởng sản xuất, dụng cụ thủ công - đồ trang sức, đến những nơi tụ cư đông đảo nhất từ 3.000 năm trước... Cả một vùng đất giống như một bảo tàng ngoài trời vĩ đại còn ẩn chứa bao điều kỳ thú và kỳ tích của các thế hệ tiền nhân. Ở phía bờ bắc sông Đồng Nai, với di tích Cát Tiên, các nhà khoa học khẳng định đây là khu di tích giữ vị trí trọng yếu trong lịch sử vùng đất phương Nam. Nếu tình trạng khai thác cát tiếp tục diễn ra như hiện nay, chắc chắn sẽ làm xâm hại các di tích đang được quy hoạch tổng thể để tôn tạo, giữ gìn và đã được Chính phủ đưa vào danh sách đề nghị UNESCO công nhận di sản văn hóa thiên nhiên thế giới. Đinh Thị Nga |
Hoàng Tuấn - Minh Tuệ
Bình luận (0)