Huyền thoại đường trên biển - Kỳ 2: Những chuyến tàu tuyệt mật

15/09/2011 15:39 GMT+7

Trước khi xảy ra vụ lộ tàu 143 tháng 2.1965 ở Vũng Rô, Phú Yên, đường Hồ Chí Minh ở trong vòng tuyệt đối bí mật với đối phương. Mặc dù Mỹ có khi nghi ngờ, nhưng không có bất cứ bằng chứng nào về những con tàu chở vũ khí vào Nam.

>> Kỳ 1: 50 năm con đường bí ẩn

Mực gỗ, cá gỗ ngụy trang

Để giữ bí mật tuyệt đối, từ Quân ủy T.Ư đến các thủy thủ tàu phải lo nhiều việc, cứ như họ là những người hoạt động tình báo giữa lòng địch vậy. Theo ông Vĩnh Mẫn (Phan Thắng), nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Đoàn 125 (tức 759), trong Quân ủy T.Ư cũng chỉ có một số lãnh đạo cao cấp biết. Ngay các hang đá ở Thủy Nguyên, mà TP Hải Phòng đã khoanh vùng giao cho Đoàn 759 sử dụng, chính quyền địa phương cũng không hề biết trong đó đang diễn ra việc gì. Thật ra đó là sở chỉ huy của Đoàn 759. Đó là hầm máy móc thông tin, chỉ huy các chuyến biển, ngày đêm theo dõi số phận các con tàu đang lênh đênh trên biển xa.

Xưởng I, III Hải Phòng là nơi đóng những con tàu không số hai đáy (đáy dưới để vũ khí, đáy trên để lưới, câu, ngư cụ để nghi trang) cho Đoàn 759. Những người thợ đóng tàu được chọn rất kỹ, nhưng chính họ cũng không hề biết những con tàu mình được giao đóng trong thời gian gấp rút và có cấu trúc khác lạ đó dùng để làm gì, đi đâu.

Đối với từng thủy thủ trước khi nhận nhiệm vụ đi tàu không số phải tâm niệm “sống để bụng, chết mang theo”, không được hé răng với cha mẹ, vợ con công việc hay lịch trình của mình. Trước lúc xuống tàu rời bến, phải gửi lại tất cả quần áo, tư trang, sổ sách, chứng minh thư... Nghĩa là tất cả những thứ liên quan đến địa chỉ, tên tuổi đều không được mang theo. Trước khi xuống tàu thủy thủ tập trung ở một địa điểm bí mật gọi là “Z10” (Đồ Sơn) để tập huấn. Được chụp ảnh chung và ảnh riêng lưu trong hồ sơ do Quân ủy T.Ư quản lý. Anh em được trang bị quần áo bà ba đen, nâu vải đã sờn, như dân đánh cá miền Nam, giấy tờ, căn cước giả. Con tàu cũng không mang số hiệu nào, nên mới gọi là “tàu không số”. Nhưng để nghi trang, thời kỳ vận chuyển ven bờ, tàu có đủ các biển số của tàu đánh cá các tỉnh Trung Bộ, Nam Bộ để đi qua tỉnh nào thì gắn biển số giả ấy vào. Trên tàu có lưới, câu và cả cá... gỗ ! Anh em đẽo từng con cá, mực ống lớn và nhuộm màu rất giống cá, mực khô mang theo trên tàu. Để khi tàu hay máy bay trinh sát địch nhòm tới thì phơi cá, mực gỗ ra bong tàu để chúng tin là tàu đánh cá. Máy tàu phải là máy Mỹ, máy Nhật để khi bị địch bao vây, bắt sống, thì ném vũ khí xuống biển, phi tang tất cả những gì liên quan đến miền Bắc. Trong chuyến vượt biển đầu tiên, trên tàu C41 - Phương Đông 1, thủy thủ Võ Tấn Thành có bí mật giấu một tấm ảnh Bác Hồ trong ngực áo. Khi tàu vào vĩ độ 18 bắc, gần đảo Cù Lao Thu, thì có một chiếc tàu sơn màu quân sự chạy theo rất nhanh đúng vệt nước lái của tàu ta. Anh em nhanh chóng chuẩn bị chiến đấu. Đạn chống tăng được nạp kíp nổ và đại liên được đặt vào vị trí. Ba Thành thấy tình thế nguy hiểm quá, liền lấy ảnh Bác Hồ trong ngực ra vo tròn lại rồi cho vào miệng nuốt chửng. Khi chiếc tàu lạ đến gần thì mọi người thở phào vì đó là một chiếc tàu chở hàng của nước ngoài đi về phía Singapore. Anh Thành lại xuýt xoa tiếc tấm ảnh Bác...

Mỗi chiếc tàu không số tùy theo tải trọng khi ra biển đều có gắn một khối thuốc nổ từ 500 kg đến 1,5 tấn để khi bị địch vây, tình thế cam go nhất thì điểm hỏa cho nổ tàu để phi tang. Các tàu không số, nhất là loại tàu sắt cao tốc, đều trang bị một số cờ hiệu của các nước, có cả cờ của chính quyền Sài Gòn, để khi đi trên hải phận quốc tế, nếu máy bay Mỹ phát hiện thì kéo lên để đánh lừa chúng.

Có lần trên một chuyến tàu không số chở hàng vào Cà Mau, khi trở ra, anh em thấy thuyền nhẹ quá, sóng lắc, nên nhổ rất nhiều cây dừa nước chất xuống khoang cho đằm. Khi ra bến miền Bắc, thủy thủ vô ý ném những cây dừa nước lên bờ. Dừa nước là thứ cây rất dễ sống, nên nó nhanh chóng mọc thành một đám lớn. Bà con ngư dân bàn tán: “Dừa nước là cây miền Nam, ai đưa ra trồng ở đây?”. Đoàn 759 phải cử người đi nhổ và phi tang hết số dừa nước trên và họp rút kinh nghiệm.

Nỗi oan của vợ thuyền trưởng

Cũng về chuyện giữ bí mật, xin kể về thuyền trưởng lừng danh Hồ Đức Thắng (Ba Thắng), sinh năm 1922, quê ở xã Hiệp Hòa, Cầu Ngang, Trà Vinh, được phong anh hùng ngày 1.1.1967. Năm 1961, Ba Thắng là một trong 6 người, được Tỉnh ủy Trà Vinh đặt tên theo khẩu hiệu: Đoàn, Kết, Đấu, Tranh, Thắng, Lợi. 6 người vượt biển ra Bắc xin T.Ư vũ khí năm 1961. Ba Thắng đã đi trên 20 chuyến tàu không số, đặt chân đến hầu hết các bến bí mật ở miền Nam để đổ hàng, như Rạch Gốc, Bồ Đề, Gành Hào, Vàm Lũng..., đến bến Phổ An, Sa Kỳ, Hòn Khói, Vũng Rô... Anh Ba Thắng đã kể câu chuyện éo le của gia đình với nhà văn Nguyên Ngọc trong sách Có một con đường mòn trên biển Đông. Trích lược như sau:

“Năm 1961, lệnh rút 6 anh em chúng tôi vượt biển ra Bắc là lệnh trực tiếp của tỉnh ủy, hết sức bí mật. Ngay trong tỉnh ủy cũng chỉ có một hai đồng chí biết, còn huyện ủy, chi ủy không biết tôi đi đâu, làm gì. Vợ tôi lúc đó là đảng viên, tôi cũng không dám hé răng tâm sự chút gì. Tôi ra Bắc rồi đi tàu bí mật trở về đúng bến Trà Vinh này. Tới bến xuống hàng, giấu xong tàu là rút vào rừng nghỉ, tuần sau lại giong tàu ra Bắc đi chuyến khác. Nhớ nhà, nhớ vợ con lắm mà không dám gặp. Ngày tôi ra đi vợ chồng mới có một mặt con. Vợ tôi là chi ủy viên, hoạt động bí mật trong ấp chiến lược. Nhưng tuyệt đối không dám nghĩ đến thư từ liên lạc, nói gì đến việc về thăm, gặp mặt... Đến chuyến thứ 9, cuối năm 1964, tàu tôi lại về bến Trà Vinh. Lần này đồng chí phụ trách bến gọi tôi lên hỏi: “Có muốn gặp vợ không?”. Tôi trả lời: “Không dám nghĩ tới chuyện đó đâu. Tùy tổ chức thôi!”.

Ai dè các anh thương, bố trí cho vợ chồng tôi gặp nhau thật. Công phu lắm. Một chị giao liên về tận làng tôi, nói với vợ tôi là trên rút đi công tác đặc biệt. Phải giả đi buôn ở Cần Thơ. Giao liên dẫn đi vòng vo mấy ngày, cuối cùng mới quay lại bến. Anh em bố trí vợ chồng tôi một “căn lều hạnh phúc” trong rừng kín. Ở với nhau hai ngày, vợ tôi lại vòng lên Cần Thơ mua ít hàng trước khi trở về nhà. Còn tôi vài ngày sau xuống tàu... Từ đó cho đến hết chiến tranh tôi đi chục chuyến nữa, nhưng không về Trà Vinh, nên không biết gì về tình hình vợ con cả. Tôi không biết sau hai ngày chung sống, vợ tôi có mang. Chửa với ai hay chửa hoang? Vợ tôi không thể khai thật. Bụng càng ngày càng to. Thế là bố mẹ chồng khinh bỉ và đau khổ. Chi bộ kiểm điểm. Cuối cùng vợ tôi nói liều: Đi buôn Cần Thơ, lỡ dan díu với một người! Chi bộ quyết định kỷ luật đình chỉ công tác, khai trừ Đảng. Vợ tôi sinh được một cháu gái, nhưng cha mẹ tôi không cho lấy họ tôi. Vợ tôi đau khổ, không thanh minh được cùng ai suốt 10 năm trời, cho đến ngày giải phóng miền Nam, tôi trở về...”.

Nếu anh Hồ Đức Thắng - trong những chuyến tàu chở hàng về Nam sau đó - không may hy sinh thì ai sẽ “minh oan” cho vợ anh? Đó là sự hy sinh âm thầm mà vô cùng lớn của những chiến sĩ tàu không số.

Ngô Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.