1.001 kiểu gây ồn
Dạo một vòng qua các shop bán giày dép, quần áo thời trang trên các tuyến đường Hai Bà Trưng, Nguyễn Trãi, Lê Văn Sỹ, Trần Quang Diệu... dù trời đã xế trưa, nhưng chúng tôi nhận thấy hầu hết các tiệm vẫn mở nhạc ngoại trống dập thình thình, hòng thu hút khách đi đường. "Mấy nhà có gắn cửa kính còn đỡ, chứ như nhà tôi chỉ có cánh cửa sắt nên mỗi ngày phải gồng mình chịu trận, hôm thì nghe ca sĩ hát như rên rỉ, khi thì như chửi nhau om xòm, rồi dập ầm ầm... Già cả như tui nghe mấy nhạc đó chẳng khác nào bị hành hạ. Chắc phải dọn nhà đi nơi khác ở quá chú ơi!", ông Sáu Minh, nhà ở mặt tiền đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.3) bức xúc.
Một chiếc ô tô mở nhạc ầm ĩ chạy trên đường Trương Định (Q.3) - Ảnh: Minh Nam |
Một buổi chiều đầu tháng 5.2009, khi đang trên đường từ cơ quan về nhà, chúng tôi và người đi đường bị kẹt xe và... âm nhạc hành hạ suốt hơn nửa giờ đồng hồ. Trong dòng người và xe dày đặc phải nhích từng chút trên đường Trương Định (Q.3), mọi người không thể không chú ý đến một chiếc xe hơi đời mới màu đỏ chói mui trần, trên đó có hai thanh niên đang mở nhạc ầm ĩ. Bất chấp những cái nhìn chẳng mấy thiện cảm của người đi đường, hai thanh niên trên vẫn cứ vô tư nói chuyện và lắc đầu theo điệu nhạc. Cứ thế, người đi đường - đã quá mệt mỏi vì kẹt xe - bị hành hạ suốt hơn 2 cây số...
"Khi cấp phép kinh doanh karaoke, các cơ quan chức năng thường buộc chúng tôi phải đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn về cách âm mới cấp phép, thì tại sao lại làm ngơ cho các hoạt động kinh doanh gây tiếng ồn khác?".
|
|
Một chủ kinh doanh karaoke |
Quá 22 giờ ngày 19.5, người đi đường không khỏi chú ý đến quán cà phê nằm ở đầu cầu số 9, đường Trường Sa, thuộc P.13, Q.3. Dù là giờ nghỉ ngơi của mọi người, nhưng quán vẫn mở nhạc ngoại ầm ầm cùng với tiếng cười, nói của khá đông khách, chủ yếu là thanh niên, tạo nên thứ âm thanh hỗn loạn. Trong vai khách đến uống nước, chúng tôi hỏi cô gái đang nhún nhảy theo điệu nhạc: "Quán mở nhạc to như vậy, không sợ hàng xóm rầy sao em?". Cô phục vụ nhìn chúng tôi như từ hành tinh khác tới, cười: "Lúc đầu, một số người xung quanh cũng méc phường. Phường xuống nhắc nhở, nhưng sau đó quán em mở nhạc lại thì cũng đâu thấy ai nói gì đâu. Chắc là mấy người xung quanh... thích nghe nhạc quán em rồi!".
Chiếc loa của một cửa hàng máy tính làm khổ những người xung quanh |
Hòa cùng "dàn đồng ca" tiếng động, gây khổ sở cho người dân ở các khu dân cư phải kể đến các cơ sở cửa sắt, cắt gạch, đá... "Đến đường số 5, P.11, Q.6, mấy anh có thể nghe những thứ âm thanh chói tai này bất kỳ lúc nào trong ngày!", một bạn đọc nói như thúc giục qua đường dây nóng Báo Thanh Niên. Quả thật, tại khu dân cư mới hiện đại này, người đến đây lần đầu dễ bị "dội" vì những âm thanh chát chúa phát ra từ cơ sở cửa sắt nằm ngay mặt tiền đường số 5. "Chịu không nổi. Giờ cứ nhìn thấy máy mài, máy cắt... nghĩ đến những thứ âm thanh nghe đến rợn người là tui phát sợ", ông M., một người dân có nhà gần tiệm cửa sắt nói.
Chợ... tiếng ồn
Đó là cách người dân sống trên đường Dương Tử Giang, P.15, Q.5 gọi chợ buôn bán phụ tùng xe gắn máy kèm kèn và còi hụ dọc hai bên tuyến đường này. Chiều 18.5, đến thăm người bạn có nhà nằm trên tuyến đường này, chúng tôi chịu không nổi những tiếng còi, kèn phát ra inh ỏi từ các điểm kinh doanh trên. Khách đông, chủ yếu là thanh niên đến gắn còi hụ cho xe gắn máy. Một số điểm kinh doanh lấn ra vỉa hè, lòng đường thử còi hụ cho khách tạo ra những thứ âm hỗn độn. "Chúng tôi bị các điểm kinh doanh này hành hạ như vậy từ nhiều năm qua rồi. Mỗi khi báo cho chính quyền và công an phường thì chỉ nhận được câu trả lời quen thuộc: Đã kiểm tra, nhắc nhở rồi!”, một người dân (đề nghị không nêu tên) cho biết.
Bán nhà vì hàng xóm thích karaoke
Bạn của người viết sống tại một khu vực yên tĩnh ở Q.3, TP.HCM, kể trong xóm có một gia đình thích mở nhạc to ầm ĩ và hát karaoke, nhất là buổi trưa và tối. Sau một ngày làm việc vất vả, ai về nhà cũng mong có một không gian yên tĩnh nghỉ ngơi, thì lại "được" nghe nhạc với âm lượng đinh tai nhức óc. Khổ nhất là những đứa trẻ trong xóm muốn học cũng không yên... Tại các cuộc họp tổ dân phố, nhiều hộ dân đã lên tiếng nhờ công an khu vực nhắc nhở, xử lý nhưng mấy ngày sau mọi chuyện "vũ như cẫn". Đến nước này, nhà người bạn tôi và các hộ dân xung quanh chỉ còn biết đối phó bằng cách đóng kín cửa mỗi khi nhà kia mở nhạc. Có gia đình chịu không thấu, con cái học hành sa sút đành phải bán nhà đi nơi khác. Mới đây, "gia đình ồn ào" kia bán nhà dọn đi nơi khác ở, hàng xóm đã hùn tiền mở tiệc ăn mừng!
Có thể nói ô nhiễm tiếng ồn ở TP.HCM ngày càng trở nên trầm trọng hơn bao giờ hết. Minh chứng khá thuyết phục là thời gian gần đây, đường dây nóng Báo Thanh Niên liên tục nhận được phản ánh của bạn đọc về vấn nạn này: tiệm cửa sắt tại đường 11, khu phố 2, P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức gây ồn ào suốt ngày; một quán nhậu trên đường Trần Quý Cáp (P.11, Q.Bình Thạnh) "hát với nhau" ảnh hưởng đến giờ giấc nghỉ ngơi của các hộ xung quanh; một hộ kinh doanh xương bò tại hẻm 98/121/10 Thăng Long (P.5, Q.Tân Bình) gây ồn ào vào giờ nghỉ ngơi... Điều đáng nói, trong khi người dân chịu trận hằng ngày và lãnh hậu quả lâu dài vì tiếng ồn, thì các cơ quan chức năng vẫn loay hoay với việc xử lý... (Còn tiếp)
Minh Nam
Bình luận (0)