Diện mạo mới của vùng đất sình lầy
Quận 9 tiếp giáp với quận 2, quận Thủ Đức (của TP.HCM) và tỉnh Đồng Nai, Bình Dương. Đặc điểm bao trùm của quận 9 là vùng đồng bưng, cỏ lác và dừa nước. Trước đây, quận 9 còn nhiều đất hoang, những con đường liên xã, liên ấp là những lối mòn ngang dọc qua các vùng bưng. Hệ thống kênh rạch dày đặc thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản, canh tác lúa nước và các loại cây hoa màu. Đây là vùng đất được khai phá sớm: đình làng, chùa xây dựng ở vùng bưng này ngày nay trở thành những di tích văn hóa lịch sử như: đình Phong Phú, chùa Phước Tường, chùa Hội Sơn... Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, quận 9 là một vùng đất sình lầy, hơn 90% dân cư ở đây sống bằng nghề nông. Phát huy truyền thống kiên cường bất khuất trong chiến tranh chống giặc ngoại xâm, nhân dân nơi đây cùng bắt tay khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước khôi phục sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp.
Năm 1997, thực hiện chủ trương đô thị hóa các quận huyện ven, quận 9 đã nhanh chóng đẩy mạnh tốc độ xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Bộ mặt nông thôn và đô thị đã từng bước được cải tạo, chỉnh trang. Rất nhiều công trình dự án phúc lợi công cộng quy mô lớn đã được thực hiện như: cầu, đường, trạm xá, trường học... góp phần đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế, học tập, sinh hoạt... của nhân dân, từng bước được thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định trật tự xã hội.
Sau 8 năm đầu tư và phát triển, bộ mặt quận 9 đã có những thay đổi khá rõ nét. Khu công nghệ cao sẽ là khu kinh tế vệ tinh của thành phố. Nhiều con đường, nhiều khu phố khang trang trên khắp địa bàn. Đặc biệt, ở phường nào cũng có trường học cho con em từ mầm non đến cấp 3; phường nào cũng có trạm y tế và mỗi trạm y tế đều có bác sĩ... (trước đây ở quận này không có trường cấp 3, rất hiếm trạm y tế cấp xã). Vốn là vùng kênh rạch chằng chịt, người dân ở một số xã đi lại bằng xuồng, ghe, thế nhưng trong 8 năm trở lại đây những cây cầu bê-tông khang trang như: cầu Ông Nhiêu (nối Phú Hữu với Long Trường), cầu Trường Phước (nối Long Trường với cù lao Long Phước)... đã làm cho giao thông thuận tiện, đi lại dễ dàng, nhờ đó mà tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội không ngừng phát triển.
Trong lĩnh vực kinh tế, quận 9 đã có những thay đổi đáng kể. Nếu như năm 1997, trên địa bàn quận chỉ có 957 doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể với doanh thu hơn 332,45 tỷ đồng thì đến năm 2001 đã có 2.967 doanh nghiệp (tăng gấp 2 lần) và doanh thu tăng lên đến 683,181 tỷ đồng. Đến nay, quận 9 đã có gần 4.000 doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, thu hút 31.944 lao động... Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất nông ngiệp - hàng hóa gắn với thị trường, quận 9 đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất kết hợp như: VAC, bò sữa, thủy sản, cây kiểng - cá cảnh... mang lại hiệu quả kinh tế. Đến nay, mãi lực kinh doanh trên địa bàn đã tăng mạnh, hệ thống chợ đã được hình thành ở các phường và đáp ứng được nhu cầu mua bán của nhân dân.
Khi ý Đảng hợp lòng dân
Từ cuộc vận động "Nhà nước và nhân dân cùng làm" trong phát triển kinh tế - xã hội, người dân quận 9 đã tự giác tham gia đóng góp công sức, tiền của vào việc xây dựng chỉnh trang khuôn viên đường sá xóm ấp. Bà Lê Thị Ba (ở phường Long Phước) tự nguyện góp gần 3.000m2 đất với mong muốn "được xây trường học để con cháu khỏi phải đi học xa", ông Hai (ở phường Trường Thạnh) xin hiến một phần đất để mở rộng đường sá... Đã có không ít hộ dân tự nguyện sẵn sàng hiến một phần đất của mình để đóng góp xây dựng những công trình phúc lợi, hỗ trợ cho những hộ gặp hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Đến nay, số đất được bà con hiến cho địa phương lên đến 50.220 m2 với tổng trị giá gần 27 tỷ đồng. Không chỉ thế, người dân còn đóng góp gần 4 tỷ đồng kinh phí xây dựng các công trình như: sửa chữa trên 50km đường đất, bê-tông hóa 51 cầu khỉ thành những cầu đúc bê-tông chắc chắn... Những công trình đầy nghĩa tình ấy đều do nhân dân trong quận đóng góp. Song song đó, công tác "đền ơn đáp nghĩa" cũng được nhân dân, các ngành đóng góp với số tiền 706 triệu, tặng sổ tiết kiệm cho các bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sĩ, thương binh nặng với số tiền hơn 504.95 triệu đồng. Quận cũng đã huy động xây dựng, sửa chữa 41 căn nhà tình nghĩa trị giá trên 800 triệu đồng và xây 507 căn nhà tình thương trị giá trên 4 tỷ đồng.
Sau gần 8 năm thực hiện chương trình "xóa đói giảm nghèo" đến nay quận 9 đã xóa được nghèo, đào tạo nghề cho hơn 2.400 người, giải quyết việc làm cho 4.000 lao động... Để đảm bảo cho quận 9 ổn định và phát triển, trong những năm qua, chính quyền và công an địa phương đã tập trung thực hiện tốt chương trình mục tiêu "3 giảm". Cùng với việc tuyên truyền giáo dục, xét xử lưu động các vụ án ở các khu dân cư, quận 9 còn huy động nhân dân (từ khu phố, tổ dân phố, ấp, phường...) cùng tham gia vào phong trào phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Nhờ vậy mà tội phạm và tệ nạn xã hội ở quận 9 đã giảm hẳn. Cụ thể, trong năm 2004 tình hình phạm pháp hình sự đã giảm gần phân nửa số vụ so với năm 2003, 3 tháng đầu năm 2005 không xảy ra vụ trọng án nào; các loại tệ nạn xã hội hầu như đã "biến" khỏi vùng đất này.
Bên cạnh những thành tựu nổi bật, quận 9 hiện nay gặp không ít khó khăn trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư cho các hộ dân nằm trong gần 200 dự án trên địa bàn quận, như: dự án khu công nghệ cao (quy mô hàng trăm hecta), dự án khu nhà ở Đông Tăng Long... Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lê Trọng Sang - Chủ tịch UBND quận 9 - cho biết: "Trong tiến độ đầu tư, phát triển các dự án, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng rất quan trọng, nó quyết định trực tiếp đến tiến độ thi công công trình; đồng thời là một lĩnh vực hết sức phức tạp, nhạy cảm. Quận ủy và UBND quận đã thành lập ban chỉ đạo đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư cho dân để làm sao vừa có chủ trương hợp lý, chỉ đạo đồng bộ tập trung từ quận đến cấp cơ sở, vừa để việc đền bù giải tỏa đảm bảo đúng pháp luật, hợp lý hợp tình, đảm bảo được quyền lợi chính đáng của người dân".
Với quyết tâm của lãnh đạo Quận ủy, UBND quận 9 và nhân dân địa phương, hy vọng trong tương lai không xa quận 9 sẽ là khu đô thị tiếp nối, là tâm điểm của vùng tam giác kinh tế giữa TP.HCM với các tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo báo CA TP.HCM
Bình luận (0)